![]() |
Trải nghiệm quốc tế trong môi trường học thuật tại Việt Nam
Là sinh viên năm ba chuyên ngành Khoa học máy tính tại Viện Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hauts-de-France (Cộng hoà Pháp), Théo luôn mang trong mình đam mê với công nghệ và phát triển phần mềm ứng dụng. Chia sẻ về lý do chọn thực tập tại Việt Nam, Théo cho biết: Tôi được tạo điều kiện để thực tập ở nước ngoài. Khi tìm hiểu về Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN, tôi đã nhận thấy đây là cơ hội quý báu để khám phá một nền giáo dục mới, tiếp cận với môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp và mở rộng góc nhìn quốc tế – cả về mặt kỹ thuật lẫn văn hóa.
Làm chủ công nghệ IoT và hệ thống điện toán đám mây
Dự án thực tập của Théo tập trung vào phát triển giao diện website và ứng dụng di động nhằm trực quan hóa dữ liệu và bảo mật các thông tin thu thập từ các cảm biến IoT công suất thấp, sử dụng nền tảng hệ thống trên chip cho thiết bị IoT an toàn do Viện Công nghệ Thông tin phát triển. Théo đã xây dựng hệ thống từ việc tích hợp REST API, phát triển giao diện bằng HTML, CSS, JavaScript, PHP, xây dựng ứng dụng di động bằng Kotlin kết hợp với WebView để hiển thị nội dung từ hệ thống Web. Bên cạnh đó, Théo đồng thời sử dụng PostgreSQL để lưu trữ, quản lý, và xử lý dữ liệu phía máy chủ một cách hiệu quả và an toàn.
![]() |
Điều thú vị nhất là đây là lần đầu tiên tôi làm việc sâu với hệ thống IoT bảo mật và công suất thấp thực tế, cũng như các nền tảng đám mây. Tôi học được cách xử lý dữ liệu thời gian thực – kể cả khi có gián đoạn kết nối hay dữ liệu không ổn định. Ngoài ra, việc xử lý dữ liệu bảo mật từ các cảm biến IoT công suất thấp trên nền tảng hệ thống trên chip cho thiết bị IoT an toàn cũng là một thử thách cho tôi. Dự án thực tập là một thách thức nhưng cũng là một trải nghiệm vô giá - Théo bộc bạch.
Môi trường học thuật thân thiện, hướng đến phát triển cá nhân
Théo đặc biệt đánh giá cao môi trường làm việc tại Viện: Bầu không khí rất tập trung, nhưng cũng rất thoải mái. Tôi được chủ động tổ chức công việc, và luôn có sự hỗ trợ từ các thầy cô khi gặp khó khăn kỹ thuật.
Việc làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu giúp Théo nâng cao khả năng làm việc độc lập, tư duy phản biện và tiếp cận chuyên sâu các công nghệ mới. Đây cũng là nền tảng quan trọng cho định hướng tương lai trở thành giảng viên Khoa học máy tính của Théo.
![]() |
Việt Nam trong mắt thực tập sinh quốc tế: gần gũi – Nnăng động – đầy tiềm năng. Không chỉ là điểm đến học thuật, Việt Nam còn để lại trong Théo những kỷ niệm đặc biệt về con người, văn hóa và ẩm thực: Tôi thực sự thích đồ ăn Việt Nam – từ phở, bánh mì đến bún chả. Ăn ngoài lề đường là trải nghiệm lần đầu nhưng rất thú vị. Người Việt cực kỳ thân thiện. Có khi đang đi bộ, người lạ bắt chuyện chỉ để luyện tiếng Anh – rất bất ngờ nhưng cũng rất ấm áp - Théo chia sẻ.
Théo cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển công nghệ IoT và điện toán đám mây nhờ vào nguồn nhân lực trẻ, ham học và hệ thống nghiên cứu năng động. Tôi đã chứng kiến sự nghiêm túc và sáng tạo trong các phòng lab ở ĐHQGHN. Nếu tiếp tục phát triển như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghệ mạnh mẽ ở khu vực, cũng như trên thế giới.
![]() |
Lời khuyên dành cho sinh viên quốc tế: “Hãy cứ đến và trải nghiệm”. Théo không ngần ngại khuyến khích các bạn sinh viên quốc tế lựa chọn ĐHQGHN là điểm đến học thuật: Hãy cởi mở, sẵn sàng học hỏi và đừng ngần ngại thử những điều mới lạ. Bạn sẽ học được rất nhiều – không chỉ về công nghệ mà còn về bản thân.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế – Khẳng định vị thế đại học toàn cầu
Trường hợp của Théo là một trong nhiều minh chứng cho hiệu quả trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu tại ĐHQGHN. Với môi trường học thuật đa dạng, hệ sinh thái nghiên cứu hiện đại và đội ngũ giảng viên chất lượng cao, các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho sinh viên, giảng viên, nhà khoa học quốc tế.
Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình thực tập, trao đổi học thuật, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu khu vực trong lĩnh vực công nghệ số, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.
Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN được thành lập năm 2001, là đơn vị nghiên cứu và đào tạo trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Viện có sứ mệnh đào tạo tiến sĩ, tham gia đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực CNTT; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Hiện Viện có 3 trung tâm nghiên cứu chuyên sâu: Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, An toàn và An ninh thông tin, Thiết kế Vi mạch và Ứng dụng. Các hướng nghiên cứu chính bao gồm AI, khoa học dữ liệu, IoT, an toàn thông tin, xử lý ảnh/video, thiết kế vi mạch, blockchain, hệ thống nhúng, thực tại ảo/tăng cường, … Viện đồng thời là đơn vị đào tạo tiến sĩ công nghệ thông tin, tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu, đào tạo kỹ năng công nghệ mới và có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và quốc tế (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức…). Bên cạnh nghiên cứu và đào tạo, Viện còn tham mưu cho ĐHQGHN về công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ tư vấn, thiết kế – triển khai giải pháp công nghệ, phát triển sản phẩm ứng dụng và các hoạt động phổ biến tri thức số. Mọi thông tin chi tiết về chương trình hợp tác quốc tế, vui lòng liên hệ: Website: http://iti.vnu.edu.vn Email: vnu-iti@vnu.edu.vn |