![]() |
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn trình bày tham luận tại hội nghị |
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã trình bày tham luận tại hội nghị với chủ đề “Phát triển nghiên cứu cơ bản tại ĐHQGHN, thiết thực triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW”, trong đó nhấn mạnh vai trò nền tảng và chiến lược của nghiên cứu cơ bản trong hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của ĐHQGHN trong việc tiên phong chuyển đổi tư duy nghiên cứu, thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu hàn lâm và thực tiễn.
Theo Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn, nghiên cứu cơ bản không chỉ là nguồn cội của tri thức khoa học mà còn là bệ đỡ cho các đột phá công nghệ và ứng dụng hiện đại. Đây cũng là môi trường quan trọng để đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho hệ thống khoa học, giáo dục và đổi mới sáng tạo. Với 9 trường đại học thành viên, 3 trường trực thuộc và 5 viện nghiên cứu, ĐHQGHN hiện là hạt nhân của hệ sinh thái nghiên cứu cơ bản quốc gia, quy tụ các lĩnh vực khoa học nền tảng và đào tạo ra nhiều thế hệ nhà khoa học đầu ngành.
![]() |
Về năng lực nghiên cứu, ĐHQGHN đạt được nhiều kết quả ấn tượng với trung bình hơn 2.000 công bố quốc tế mỗi năm trên WoS/Scopus, trong đó có đến 70% thuộc nhóm Q1/Q2. Bên cạnh đó, hàng năm ĐHQGHN cũng ghi nhận 80–100 đăng ký độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN với gần 3.000 nhà khoa học, trong đó 70% có học vị tiến sĩ và hơn 20% là giáo sư, phó giáo sư, đang đóng vai trò nòng cột trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức. ĐHQGHN cũng triển khai đồng bộ nhiều chính sách đột phá nhằm phát triển đội ngũ, như cấp học bổng 120 triệu đồng/năm cho nghiên cứu sinh, hỗ trợ tài chính cho nhà khoa học trẻ, cử giảng viên học tập tại các đại học hàng đầu thế giới và đầu tư bền vững cho 46 nhóm nghiên cứu mạnh cùng hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm/trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Đặc biệt, trong 5 năm tới, ĐHQGHN chú trọng đẩy mạnh chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc và triển khai chương trình giáo sư thỉnh giảng quốc tế.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cũng nhấn mạnh về sự chuyển đổi tư duy chiến lược trong nghiên cứu của ĐHQGHN. Thay vì “nghiên cứu rồi tìm ứng dụng”, ĐHQGHN đang từng bước chuyển sang tiếp cận theo định hướng giải quyết các bài toán cụ thể từ doanh nghiệp và địa phương, song hành cùng việc bảo đảm tiêu chuẩn học thuật cao nhất. Theo Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo mới được thông qua sẽ là cú hích để ĐHQGHN phát triển thành đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực và thế giới.
![]() |
Để hiện thực hóa định hướng này, ĐHQGHN đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như ban hành Chương trình hành động của ĐHQGHN thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị theo Quyết định số 1345/QĐ-ĐHQGHN với các chỉ số KPI rõ ràng nhằm thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp và địa phương, hình thành nguồn thu từ chuyển giao và tạo tác động kinh tế - xã hội. Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo được thành lập như một trung tâm kết nối viện - trường - doanh nghiệp - địa phương. Cùng với đó là danh mục đầu tư ưu tiên vào 8 lĩnh vực công nghệ chiến lược và việc thành lập các viện nghiên cứu mới như Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Công nghệ Lượng tử, Viện Trí tuệ nhân tạo trong phát triển bền vững, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.
Mô hình hợp tác “ba nhà” giữa nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả. Nhiều tập đoàn lớn như VNPT, MK, T&T, CT Group, PVN đã đặt hàng các sản phẩm khoa học công nghệ cụ thể tại ĐHQGHN. Đồng thời, ĐHQGHN mở rộng hợp tác với các địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Cà Mau với các nhiệm vụ gắn nghiên cứu với phát triển chuỗi giá trị thủy sản, chế biến sâu và năng lượng tái tạo.
Những kết quả ban đầu của mô hình hợp tác này rất khả quan. Tính đến hết quý II/2025, gần 300 sản phẩm khoa học công nghệ đã được đề xuất chuyển giao thương mại hóa. Tổng giá trị đầu tư ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp và tổ chức cho các dự án của ĐHQGHN đạt trên 252 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024. Doanh thu từ các hoạt động tư vấn, dịch vụ, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KH&CN đạt hơn 130 tỷ đồng trong cùng giai đoạn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị đặt hàng từ doanh nghiệp đã vượt 30 tỷ đồng, nâng tỷ lệ nguồn thu ngoài ngân sách trong hoạt động khoa học công nghệ của ĐHQGHN lên khoảng 30–35%.
![]() |
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn khẳng định, ĐHQGHN sẽ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu cơ bản, không ngừng đổi mới tư duy, gắn kết chặt chẽ giữa hàn lâm và thực tiễn, đồng hành cùng Bộ KH&CN triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW và Luật Khoa học, Công nghệ & Đổi mới sáng tạo. Ông cũng đề xuất một số kiến nghị như thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong khoa học xã hội và nhân văn, thành lập quỹ và trung tâm nghiên cứu xuất sắc về khoa học cơ bản, mở rộng liên kết quốc tế và định hướng nghiên cứu cơ bản phục vụ chiến lược công nghệ quốc gia.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, trong nửa đầu năm 2025, Bộ đã hoàn thành việc hợp nhất tổ chức với Bộ Thông tin & Truyền thông, rút gọn đơn vị trực thuộc từ 42 xuống 25 theo mô hình tinh gọn, hiện đại, lãnh đạo 4 trụ cột chiến lược gồm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Về hoàn thiện thể chế, Bộ trình Chính phủ ban hành đầy đủ Nghị định hướng dẫn tổ chức, phân cấp quyền hạn, đồng thời thông qua 5 luật then chốt tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9. Hoạt động chuyển đổi số đã tích cực triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông, ban hành hàng loạt Nghị định, Thông tư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
![]() |
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long trình bày phương hướng 6 tháng cuối năm 2025 |
Trên 4 trụ cột chiến lược, Bộ ghi nhận kết quả nổi bật: tăng 9% công bố quốc tế, cấp gần 850 chứng nhận kết quả nghiên cứu; triển khai 42 chương trình KH&CN quốc gia; tăng 58% văn bằng bảo hộ; đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với gần 1.000 doanh nghiệp KH&CN, 4.000 startup và 208 quỹ đầu tư.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ đặt mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý cho 4 nội dung luật mới, tiếp tục triển khai chương trình quốc gia công nghệ - công nghiệp chiến lược, đồng thời tổ chức Đại hội Đảng bộ Bộ nhiệm kỳ 2025-2030.
![]() |
Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel trình bày tham luận tại hội nghị |
Tại hội nghị, nhiều đơn vị đã có các bài tham luận về quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như những bước đột phá trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.