ĐHQGHN đồng ý để 2 đơn vị Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Ngoại ngữ triển khai chương trình đào tạo bằng kép ngành Kinh tế Quốc tế (chương trình học dưới đây). Đối tượng học bằng kép là sinh viên chính quy của Trường Đại học Ngoại ngữ (học các chương trình đào tạo chuẩn) trừ sinh viên học các chương trình đào tạo: Tiếng Anh Kinh tế quốc tế, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính – Ngân hàng.
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai đào tạo theo đúng Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN số 3079/QĐ-ĐHQGHN ngày 26/10/2010 và Quy chế sửa đổi, bổ sung số 685/QĐ-ĐHQGHN ngày 8/3/2013.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUẨN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC NGÀNH KINH TẾ QUỐC TẾ
Đối tượng: Sinh viên hệ chính quy (trừ ngành Ngôn ngữ Anh chương trình Tiếng Anh Kinh tế quốc tế, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính – ngân hàng) Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN.
PHẦN I: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Một số thông tin về chương trình đào tạo
- Tên ngành đào tạo:
+ Tiếng Việt: Kinh tế quốc tế
+ Tiếng Anh: International Economics
- Mã số ngành đào tạo: D310106
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Tên văn bằng sau tốt nghiệp:
+ Tiếng Việt: Cử nhân Kinh tế quốc tế
+ Tiếng Anh: The degree of Bachelor in International Economics
- Đơn vị đào tạo: Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
2. Mục tiêu đào tạo
Đào tạo cử nhân có chất lượng trong lĩnh vực kinh tế quốc tế với năng lực tác nghiệp, phân tích và trợ giúp hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách, cũng như lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư nước ngoài tại các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và các lĩnh vực liên quan.
3. Thông tin tuyển sinh
- Hình thức tuyển sinh: Xét điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm đăng ký học bằng kép đạt từ 2,50 trở lên
- Đối tượng xét tuyển: Sinh viên hệ chính quy, đang học từ học kỳ thứ ba đến học kỳ thứ bảy của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (trừ ngành Ngôn ngữ Anh chương trình Tiếng Anh Kinh tế quốc tế, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính – ngân hàng) Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN.
PHẦN II: CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Về kiến thức
Hiểu bối cảnh và tư tưởng đường lối của Nhà nước Việt Nam được truyền tải trong khối kiến thức chung và vận dụng vào nghề nghiệp và cuộc sống.
Hiểu và áp dụng các kiến thức theo lĩnh vực như toán, khoa học tự nhiên và kiến thức theo khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho nhóm ngành kinh tế.
Hiểu và áp dụng các kiến thức cơ bản của nhóm ngành kinh tế làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho ngành kinh tế quốc tế.
Hiểu và áp dụng các kiến thức về thương mại quốc tế, tài chính quốc tế, đầu tư nước ngoài…để luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Hiểu và áp dụng kiến thức ngành kinh tế quốc tế để hình thành các ý tưởng, xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá các phương án, dự án trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Áp dụng kiến thức thực tế và thực tập trong lĩnh vực kinh tế quốc tế để hội nhập nhanh với môi trường công việc trong tương lai.
2. Về kỹ năng
- Kỹ năng nghề nghiệp
Có khả năng lập luận, tư duy theo hệ thống, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Có các kỹ năng lập luận nghề nghiệp, phát hiện và giải quyết vấn đề trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Có thể nhận thức được bối cảnh xã hội, ngoại cảnh và bối cảnh tổ chức để áp dụng vào các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Có năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn; bước đầu hình thành năng lực phát triển nghề nghiệp.
- Kỹ năng mềm
Có khả năng làm việc độc lập; tự học hỏi và tìm tòi, có kỹ năng quản lý thời gian công việc, có khả năng làm việc nhóm và một số kỹ năng quản lý và lãnh đạo.
Có kỹ năng giao tiếp tốt (kỹ năng thuyết trình và chuyển giao kiến thức dưới dạng nói và văn bản; kỹ năng giao dịch qua điện thoại, e-mail), giao tiếp được bằng tiếng Anh với trình độ tương đương IELTS 4.0 trở lên.
Có thể dùng thành thạo Microsoft Office (Word, Excel, Power Point) và phần mềm thống kê (SPSS, EViews…); có thể sử dụng thành thạo Internet và các thiết bị văn phòng.
3. Về phẩm chất đạo đức
Có phẩm chất đạo đức cá nhân như: Tự tin, linh hoạt, đương đầu với rủi ro, nhiệt tình, có tinh thần tự tôn, ...
Có các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp như: Say mê nghiên cứu, khám phá kiến thức và có trách nhiệm trong công việc, thích ứng với môi trường đa văn hóa.
Có các phẩm chất đạo đức xã hội như: Tôn trọng pháp luật, làm việc với tinh thần kỷ luật cao, có lối sống tích cực và có tinh thần hướng về cộng đồng.
4. Các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Nhóm 1 - Chuyên viên hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách, nghiên cứu viên và giảng viên
Có khả năng đảm nhận các công việc trợ lý hay chuyên viên hỗ trợ hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách về các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, cơ quan quản lý của Chính phủ; triển vọng có thể trở thành chuyên gia phân tích, tư vấn chính sách trong các lĩnh vực này.
Có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu về các vấn đề có liên quan đến kinh tế quốc tế, kinh tế đối ngoại Việt Nam, thương mại quốc tế, tài chính quốc tế, đầu tư nước ngoài; triển vọng trong tương lai có thể trở thành giảng viên, nghiên cứu viên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Nhóm 2 - Chuyên viên kế hoạch, kinh doanh và đối ngoại tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Có khả năng đảm nhận các công việc liên quan đến lập kế hoạch, giám sát hay thực thi về chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, logistics, phát triển thị trường quốc tế, tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; triển vọng có thể trở thành nhà quản lý hay doanh nhân trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế.
PHẦN III: NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Tổng số tín chỉ của chương trình: 123 tín chỉ, trong đó
- Số tín chỉ được bảo lưu: 27
- Số tín chỉ phải tích luỹ: 96
1. Các môn học được bảo lưu
|