21:24:22 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Xây nhà trên một nền móng vững chắc
Năm học 2012-2013, Khoa Y - Dược, ĐHQGHN tuyển sinh khoá đầu tiên với hai chuyên ngành Bác sĩ đa khoa và Dược học. Để giúp các bạn học sinh, sinh viên có những thông tin rõ nét hơn về hai ngành đào tạo này cũng như về một trong những đơn vị đào tạo trẻ nhất của ĐHQGHN hiện nay, Bản tin ĐHQGHN đã trò chuyện với GS.TS. Trương Việt Dũng - Chủ nhiệm Khoa Y Dược, ĐHQGHN.
Khoa Y - Dược ra đời trong chiến lược hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN. Vậy Khoa có định hướng phát triển riêng như thế nào để có thể “cạnh tranh” với các đại học chuyên ngành Y, Dược khác?
Trước hết phải nói là không có cạnh tranh ở đây, mà vì sự phát triển chung của ngành khoa học này thì chúng ta phải hợp tác với nhau. Lấy hợp tác là chiến lược chứ không phải lấy cạnh tranh là động lực để phát triển.
Trước hết, sinh viên Y khoa ra trường thì có thể khám, chữa bệnh được đáp ứng các yêu cầu tay nghề của bác sĩ. Để tạo ra được sự khác biệt, Khoa xác định mục tiêu cho mình là: đào tạo bác sĩ, dược sĩ không chỉ giỏi hành nghề mà còn có năng lực nghiên cứu tốt. Tất cả mọi hoạt động, chiến lược và đầu tư, mọi chính sách khích lệ, khuyến khích cán bộ và sinh viên đều hướng theo mục tiêu trên. Trên thực tế, nhiều đại học chuyên ngành Y, Dược đào tạo được các bác sĩ giỏi nhưng công tác nghiên cứu khoa học chưa thực sự được như mong muốn. Mà một nền y học phát triển không thể không dựa trên những nghiên cứu khoa học đỉnh cao được.
Là thành viên của ĐHQGHN, Khoa sẽ được hưởng lợi thế gì trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo của mình?
ĐHQGHN là một đơn vị có truyền thống về nghiên cứu khoa học cơ bản nên chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ rất lớn đề thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo định hướng trên. Đó là đội ngũ đông đảo các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, hệ thống các la-bô, phòng thí nghiệm hiện đại cùng những nghiên cứu kỹ thuật cao thuộc nhiều chuyên ngành đào tạo ở cả khoa học tự nhiên, công nghệ, các nghiên cứu về xã hội học, tâm lý... của khoa học xã hội nhân văn. Trên thực tế với rất nhiều xét nghiệm, kỹ thuật cao thì các trường đại học về Y, Dược phải tìm đến ĐHQGHN hoặc Viện Khoa học Việt Nam.... để được trợ giúp và hợp tác. Là thành viên của ĐHQGHN, chúng tôi có điều kiện mở rộng hợp tác, hỗ trợ với các đơn vị thành viên khác, điều này là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một ngành dựa nhiều vào khoa học cơ bản như Y, Dược. Nói cách khác, chúng tôi được xây nhà trên một nền móng rất vững chắc, đó là các chuyên ngành khoa học cơ bản rất mạnh của ĐHQGHN.
Những khó khăn nào là cơ bản đối với Khoa Y-Dược?
Khó khăn là rất nhiều, bởi để xây dựng một trường đại học Y - Dược, người ta phải mất hàng chục năm. Ví dụ trước đây trường ĐH Y Bắc Thái, Trường ĐH Y Hải Phòng, Trường ĐH Y Thái Bình đều cần sự hỗ trợ của ĐH Y Hà Nội trong gần chục năm trước khi họ có thể hoạt động như một đại học độc lập. Vậy làm thế nào để chúng ta rút ngắn được khoảng thời gian ấy để sớm trưởng thành, đó là một bài toán khó. Vấn đề khó khăn nữa là thu hút đội ngũ cán bộ giỏi về giảng dạy tại các bộ môn, nhất là các bộ môn về lâm sàng - một số chuyên ngành mới và khó tại Việt Nam. Đây thực sự là thách thức rất lớn. Vì hiện nay, các bác sĩ lâm sàng giỏi thường làm việc ở các bệnh viện lớn hay các bệnh viện tư có thu nhập rất cao hoặc đang dạy học khá ổn định ở các trường đại học, thu hút được họ về với mình là không đơn giản.
Được biết Khoa dù mới ra đời nhưng đã đặt mục tiêu chất lượng cao và hướng tới đạt chuẩn quốc tế, liệu có mâu thuẫn giữa mục tiêu và các điều kiện thực hiện không?
Hiện nay, ở các đơn vị đào tạo Y, Dược trong cả nước, với lịch sử hàng trăm năm cũng mới chỉ có duy nhất khoa Điều dưỡng của ĐH Y Hà Nội được giao nhiệm vụ giảng dạy chương trình đào tạo tiên tiến. Nhiều cơ sở khác cũng đặt ra cho mình mục tiêu đạt chuẩn quốc tế nhưng con đường thực hiện còn lắm gian nan.
Nhưng phải khẳng định rằng khó khăn thì có nhưng không có trở ngại gì là cơ bản. Khó khăn của một đơn vị là thiếu thốn cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ nhưng nếu có cách đi đúng thì vẫn thực hiện được mục tiêu trên. Hướng đi của Khoa là sử dụng lợi thế về cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN để phát triển lên. Đây là một mục tiêu mà chúng tôi đặt ra ngay từ đầu để trên cơ sở đó có kế hoạch, lộ trình và hướng đầu tư thích hợp.
Tại sao Khoa lại chọn hai chuyên ngành Bác sĩ đa khoa và Dược học để tuyển sinh đầu tiên?
Đúng là nếu phát triển dựa trên các ngành khoa học cơ bản thì chọn các chuyên ngành khác để mở thì dễ dàng hơn rất nhiều, ví dụ như Kỹ thuật Y học, Y tế công cộng... Nhưng Dược sĩ và Bác sĩ đa khoa là 2 chuyên ngành cơ bản, cốt lõi của tất cả các trường ĐH Y-Dược. Nếu đã là trường ĐH Y - Dược mà không có đào tạo 2 chuyên ngành trên thì các chuyên ngành khác không thể phát triển được. Nói cách khác, nếu 2 chuyên ngành này phát triển tốt thì tất cả các chuyên ngành khác đều có lợi thế để phát triển ..
Xin Giáo sư. cho biết những chuẩn bị về chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên cho đào tạo khoá I ?
Hai năm đầu, sinh viên Khoa Y - Dược sẽ học chủ yếu ở Trường ĐHKHTN, chỉ một số môn học liên quan đến chuyên ngành sẽ do cán bộ Khoa đảm đương. Như vậy khoảng thời gian 2 năm này là đủ để chúng tôi chuẩn bị về cả đội ngũ giáo viên lẫn hệ thống la-bô, cũng như giáo trình để thực hiện đúng chương trình đào tạo chất lượng cao mà ĐHQGHN giao cho.
Vấn đề giảng viên không phải khó khăn lắm đối với chúng tôi trong năm nay. Sẽ có 3 nhóm giáo viên tham gia giảng dạy: giáo viên cơ hữu sẽ được tuyển trong vòng 2 năm tới; nhóm giáo viên thỉnh giảng là những người rất có kinh nghiệm, là giảng viên của các trường đại học Y Dược; giáo viên kiêm nhiệm đến từ các trường đại học Y Dược Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện Y học cổ truyền, ĐH Y tế công cộng... 
Chương trình đạo tạo của chúng tôi được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học ở Mỹ nhưng cũng có những cải biến phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ví dụ: vấn đề về thực hành đối với sinh viên Y khoa. Ở các chương trình đào tạo nước ngoài, sinh viên Y khoa rất ít được khám cho bệnh nhân, nhưng tại Việt Nam thì sinh viên được khám trực tiếp cho bệnh nhân, có thể tập kê đơn thuốc ngay khi còn đi học và đề xuất các giải pháp chữa trị dưới sự giám sát chặt chẽ của các thày cô và bác sĩ đã có kinh nghiệm. Điều này giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế rất nhanh.
Được biết ngoại ngữ và kỹ năng mềm sẽ là hai yếu tố rất được chú trọng trong đào tạo, Giáo sư có thể nói rõ thêm về điều này ?
Ngoại ngữ được xác định là vấn đề rất quan trọng đối với đào tạo sinh viên của Khoa. Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN sẽ giúp đào tạo sinh viên khoa Y - Dược có được trình độ ngoại ngữ theo chuẩn chung của ĐHQGHN. Bên cạnh đó, chúng tôi có định hướng là sinh viên phải làm khoá luận và bảo vệ khoá luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh trong tương lai. Đấy chính là bài thi cuối cùng và cũng là bài thi rất quan trọng khẳng định cả quá trình học ngoại ngữ cũng như chuyên môn. Bên cạnh đó, các em ngay từ khi học đã phải viết các tiểu luận bằng tiếng Anh, nghe giảng một số bài bằng tiếng Anh, tham gia seminar bằng tiếng Anh … Đó là các biện pháp không chỉ nâng cao tiếng Anh giao tiếp thông thường mà cả tiếng Anh giao tiếp trong chuyên môn.
Kỹ năng mềm như các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp cận, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng làm việc nhóm… sẽ được dạy lồng ghép trong các chương trình, môn học, đặc biệt là các bài học thực hành. Kỹ năng mềm không chỉ được dạy mà còn phải được thực hành, điều này là bắt buộc đối với sinh viên Y khoa. Sinh viên Y khoa sẽ phải quen với việc một buổi học ở trường, một buổi học ở bệnh viện, và phải đi trực cả ngày như bác sĩ trong bệnh viện. Đây là cơ hội để sinh viên rèn luyện thực hành chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Được biết Khoa đang xây dựng Đề án Bệnh viện đại học, Giáo sư có thể chia sẻ các thông tin xung quanh đề án này?
Tất cả các đại học Y trên thế giới đều có bệnh viện để điều trị và thực hành. Tại nhiều đại học Y lớn, thậm chí có nhiều bệnh viện chuyên ngành với quy mô lớn. Do đó, việc thành lập một bệnh viện trong ĐHQGHN là một điều tất yếu và bắt buộc. Đây không chỉ là một nơi mở ra các dịch vụ mà quan trọng hơn là nơi chuyển giao tiến bộ KHCN cao nhất phục vụ y tế, là nơi trực tiếp tham gia đào tạo thầy và trò qua các hoạt động thực hành, thăm khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Như tôi đã nói, ngành Y đòi hỏi khả năng thực hành rất cao vì chúng ta phải đào tạo ra những người bác sĩ khám chữa bệnh giỏi. Bệnh viện cũng là nơi thực hành cho sinh viên dược, nhất là môn dược lâm sàng và quản lý dược bệnh viện.
Khoa sẽ làm gì để thu hút đội ngũ cán bộ giỏi?
Vấn đề đội ngũ như tôi đã nói ở trên là rất quan trọng và là thách thức của một Khoa còn rất non trẻ. Nhưng tôi tin là trong tương lai, Khoa sẽ thu hút được nhiều cán bộ giỏi đến làm việc. Ai cũng biết là các đại học Y - Dược phải nằm trong các đại học tổng hợp thì mới có điều kiện phát triển tốt được. Và thực tế, danh tiếng của ĐHQGHN sẽ có một sức hút rất mạnh đối với những nhà khoa học, bác sĩ giỏi, vì họ rất quan tâm là sẽ làm việc ở đâu, môi trường làm việc thế nào… Chúng tôi luôn ưu tiên mời những giáo viên có năng lực, trình độ và đặc biệt là có tấm lòng tâm huyết với nghề, với cơ sở đào tạo.
Giáo sư đã nói cần hợp tác để cùng phát triển, vậy đã có những hoạt động hợp tác nào giữa khoa Y - Dược và các đơn vị khác được cụ thể hóa?
Đầu tiên phải nói là nếu không có hợp tác với các đơn vị, cùng các cá nhân nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong ĐHQGHN và của các trường ĐH Y- Dược khác trong ngành thì đã không thể có Khoa Y Dược ngày hôm nay với đội ngũ cán bộ ban đầu, với chương trình đào tạo cùng nhiều điều kiện khác đáp ứng được việc tuyển sinh năm nay. Hợp tác đầu tiên là hợp tác để xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, rồi hợp tác để chuẩn bị đội ngũ giáo viên… Chúng tôi phải cậy nhờ những chuyên gia hàng đầu trong ngành Y, Dược và các trường thành viên trong ĐHQGHN cùng chung tay góp sức. Đã có nhiều biên bản hợp tác được ký với nhiều trường đại học, hệ thống hàng chục bệnh viện và các xí nghiệp dược phẩm… Rất nhiều nơi cam kết sẽ hỗ trợ Khoa trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, trong đó trước hết là Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Nếu không có sự nhiệt tình hỗ trợ của họ thì thật sự chúng tôi không có đủ tự tin để hoàn thành mọi công việc chuẩn bị cho đến thời điểm này.
Xin cảm ơn Giáo sư!
 Thanh Hà (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC