16:13:04 Ngày 12/09/2024 GMT+7
VKCO - Cầu nối hợp tác giáo dục Việt - Nhật
Là đơn vị mới thành lập nhưng Văn phòng hợp tác ĐHQGHN và Đại học Kyoto (VKCO), trực thuộc ĐHQGHN, đã khẳng định vai trò đại diện và cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời góp phần nâng cao thương hiệu của ĐHQGHN. Nói về vai trò của văn phòng, TS. Ngô Minh Thủy – Đồng Giám đốc VKCO cho biết:

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> VKCO – Cầu nối hợp tác giáo dục Việt – Nhật (pdf)

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực quốc tế hoá nền giáo dục Nhật Bản và trong những năm gần đây đã thực thi nhiều chương trình hành động nhằm hiện thực hoá nỗ lực này. Đối với giáo dục đại học, Chính phủ Nhật Bản đã chọn ra 13 trường đại học chủ chốt làm đại diện cho Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học & Công nghệ Nhật Bản tại các nước trên thế giới, và Đại học Kyoto đã được chọn làm đại diện tại Việt Nam. Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức năm 2009, hai bên đã thống nhất chọn ĐHQGHN làm đối tác mở Văn phòng hợp tác. Ngày 17/9/2010, Văn phòng hợp tác ĐHQGHN- Đại học Kyoto (VKCO) đã chính thức khai trương, bắt đầu đảm đương vai trò đại diện cho các trường đại học Nhật Bản và cầu nối trong giáo dục giữa Việt Nam với Nhật Bản. VKCO là  1 trong 8 Văn phòng hợp tác trên toàn thế giới của Chính phủ Nhật Bản.

Đâu là lí do Chính phủ Nhật bản thiết lập văn phòng hợp tác ở Việt Nam, thưa Tiến sĩ?

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu đời và có rất nhiều điểm chung về văn hóa. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu rực rỡ trên nhiều phương diện. Chính phủ hai nước cũng đã chính thức tuyên bố hai bên là đối tác chiến lược của nhau.

Trong lĩnh vực giáo dục, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản ngày càng tăng, số lượng học sinh, sinh viên Nhật Bản sang Việt Nam giao lưu cũng đang tăng lên đáng kể. Giới nghiên cứu cũng ghi nhận ngày càng có nhiều những công trình nghiên cứu hợp tác giữa hai quốc gia. Chính phủ hai nước đã và đang xúc tiến những chương trình hợp tác sâu rộng về giáo dục, về phía Việt Nam phải kể đến đề án giảng dạy tiếng Nhật tại trường THCS và THPT bắt đầu năm 2003 góp phần đưa tiếng Nhật trở thành 1 trong 5 ngoại ngữ chính thức được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các chương trình học bổng có giá trị dành cho học sinh, sinh viên đi du học nói chung và du học tại Nhật Bản nói riêng như học bổng thuộc Đề án 322 hoặc sắp tới là học bổng thuộc Đề án 911 thể hiện nỗ lực của chính phủ Việt Nam. Về phía Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản nói chung và Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản nói riêng cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn đến sự hợp tác này. Ngoài rất nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, chính phủ Nhật Bản đã và đang rất tích cực xúc tiến hợp tác với Việt Nam thông qua những chương trình mang tính toàn cầu như chương trình JET, Jenesys, G30. Việc phối hợp với Việt Nam tổ chức định kỳ Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học của hai quốc gia cũng là một điểm nhấn trong quan hệ hợp tác về giáo dục giữa hai nước.

Vừa rồi, Tiến sĩ đã đề cập đến Đề án G30. Xin Tiến sĩ cho biết kế hoạch hành động của đề án G30?

Nhật Bản từ lâu đã xúc tiến chương trình trong việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng. Để tăng số lượng sinh viên quốc tế đến học tại Nhật Bản, các trường đại học Nhật Bản đã thực thi nhiều chính sách. Đặc biệt, chính phủ Nhật Bản có Đề án G30 (Global 30. Con số 30 ở đây là 30 vạn). Theo Đề án này, Nhật Bản có chỉ tiêu đến năm 2020 tiếp nhận 300 nghìn sinh viên quốc tế đến Nhật Bản học tập và nghiên cứu.

Đề án này tập trung phát triển các chương trình đào tạo quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tại thời điểm này, đã có hơn 300 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh thuộc Đề án này, đồng thời cải thiện hệ thống tiếp đón và dịch vụ dành cho sinh viên nước ngoài. Cùng với đó, G30 sẽ  tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản, và đặc biệt là xúc tiến hợp tác quốc tế chiến lược giữa Nhật Bản và các quốc gia trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Các Văn phòng đại diện về Giáo dục của chính phủ Nhật Bản tại các nước có nhiệm vụ xúc tiến chương trình này. Và như vậy, Văn phòng VKCO là đại diện chính thức cho Đề án này tại Việt Nam.

Việc cùng với ĐHQGHN thành lập Văn phòng VKCO tại Việt Nam thể hiện một quyết tâm lớn trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác với Việt Nam trong giáo dục.

Vậy nhiệm vụ chính của VKCO là gì, thưa Tiến sĩ?

VKCO đóng vai trò góp phần đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Nhật Bản, là đầu mối trao đổi sinh viên Việt Nam – Nhật Bản đồng thời là cầu nối giáo dục, giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản .

Trong thời gian qua, VKCO đã làm được gì để góp phần thúc đẩy hợp tác trong giáo dục giữa Việt Nam – Nhật Bản, thưa Tiến sĩ?

Ngoài việc, thực hiện tốt vai trò cầu nối trong hợp tác về giáo dục Việt - Nhật nói chung và Đề án G30 nói riêng, VKCO cũng đã triển khai thành công những chương trình hành động lớn như xây dựng và phát triển thương hiệu, bao gồm xây dựng thương hiệu của VKCO, góp phần phát triển thương hiệu và tuyên truyền về ĐHQGHN và Đại học Kyoto tại hai nước, góp phần phát triển thương hiệu và tuyên truyền về các trường đại học Nhật Bản tại Việt Nam và về các trường đại học Việt Nam tại Nhật Bản. Thực lòng mà nói, chúng tôi nhận thấy rằng tại Việt Nam, thông tin về nền giáo dục Nhật Bản còn rất thiếu. Mặt khác, chúng tôi đã xây dựng Network - tức là xây dựng sự kết nối - bao gồm Network giữa VKCO với các cơ quan Việt Nam và Nhật Bản, giữa các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN với các cơ quan Việt Nam và Nhật Bản, và góp phần xây dựng network giữa các cơ quan giáo dục Việt Nam với các cơ quan Nhật Bản nói chung. Bên cạnh đó, VKCO đã xây dựng và xúc tiến, hỗ trợ xúc tiến  các chương trình hợp tác cụ thể giữa các cơ quan giáo dục Việt Nam và Nhật Bản.

Ngoài ra, VKCO cũng đã tổ chức nhiều hội thảo lớn về tăng cường phát triển về hợp tác Việt – Nhật trong giáo dục và đào tạo. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHQGHN, ĐHQG-HCM và các trường đại học khác. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các cơ quan khác của Nhật Bản cũng thường xuyên hỗ trợ, phối hợp nên có thể nói rằng hiện nay VKCO đã tạo được Network tốt đối với các cơ quan giáo dục Việt Nam và Nhật Bản.

Vừa qua, khi hai quốc gia tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 (tại Kyoto - Nhật Bản), ĐHQGHN được Bộ GD-ĐT giao trách nhiệm cùng với Đại học Kyoto là cơ quan đồng tổ chức. VKCO được giao nhiệm vụ là đầu mối liên lạc hai bên, chuẩn bị công tác hậu cần, hỗ trợ các trường đại học xúc tiến việc ký kết hợp tác và tuyên truyền, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và được lãnh đạo hai đại học đánh giá cao.

Xin Tiến sĩ cho biết định hướng phát triển trong thời gian tới của VKCO?

Phát huy thành quả hoạt động trong hơn 1 năm vừa rồi, chúng tôi sẽ xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hỗ trợ và giao lưu giáo dục giữa hai nước. Đặc biệt, trong xu thế phát triển hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiến hành những hoạt động cụ thể và hiệu quả cho việc hỗ trợ thực hiện những chương trình hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Nhật Bản với các doanh nghiệp của hai nước, góp phần phát huy tốt nhất thành quả giáo dục và hợp tác trong giáo dục giữa hai quốc gia.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 

 ĐP (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 392 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC