VNU Logo

Đại học Quốc gia Hà Nội phải trở thành biểu tượng tinh thần, trí tuệ và tinh hoa của văn hóa dân tộc

Với sứ mệnh tiên phong trong sự nghiệp giáo dục & đào tạo và khoa học & công nghệ, ĐHQGHN không chỉ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của đất nước. Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VII, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN khóa I đã khẳng định, ĐHQGHN cần tiếp tục phát huy vai trò là biểu tượng tinh thần, trí tuệ và văn hóa của dân tộc, đồng thời trở thành đầu tàu trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

 GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến giáo dục & đào tạo, trong đó nhấn mạnh phải hình thành sớm các cơ sở giáo dục đại học đầu ngành có vai trò tiên phong, dẫn dắt. Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục & đào tạo và khoa học & công nghệ là quốc sách hàng đầu. Theo phương châm đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VII) đã ra Nghị quyết, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ "xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia" để làm đầu tàu và nòng cột cho giáo dục đại học nước nhà. ĐHQGHN được thành lập với vai trò và sứ mệnh đó. Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 97/CP thành lập ĐHQGHN.

7 năm kể từ ngày ban hành Nghị định thành lập ĐHQGHN, năm 2000, Thường vụ Bộ Chính trị đã khẳng định, chủ trương thành lập ĐHQGHN để làm đầu tàu cho giáo dục & đào tạo và khoa học & công nghệ là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của đất nước và xu thế phát triển của đại học thế giới. Tiếp sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định và các quyết định về tổ chức và hoạt động của ĐHQGHN, đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi để ĐHQGHN phát triển.

Có thể nói, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của ĐHQGHN. Đó chính là một nhân tố vô cùng quan trọng và là sự động viên cổ vũ rất lớn đối với sự phát triển của ĐHQGHN.

ĐHQGHN đã có được nhiều thành quả tự hào, đặc biệt trong việc góp phần đào tạo bồi dưỡng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, trong đó có nhiều đồng chí là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Cựu sinh viên khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là ĐHQGHN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tầm nhìn chiến lược, luôn đặc biệt quan tâm đến giáo dục & đào tạo. Tổng Bí thư luôn luôn nhấn mạnh, đào tạo là quốc sách phải thực hiện một cách nghiêm túc đường lối đổi mới căn bản toàn diện và phải cập nhật với các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để xây dựng một nền giáo dục nâng tầm và hiện đại. Trong giáo dục & đào tạo thì Tổng Bí thư luôn dành tình cảm đặc biệt đối với ĐHQGHN. Trong những lần gặp gỡ lãnh đạo và cán bộ sinh viên ĐHQGHN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn dành nhiều tình cảm, gửi gắm yêu thương, niềm tin tưởng và kỳ vọng rất lớn.

Dịp 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ĐHQGHN là cái nôi của khoa học cơ bản, chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho giáo dục & đào tạo nước nhà. ĐHQGHN phải tiên phong trong việc vươn lên đạt trình độ của khu vực và thế giới. Và cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm thông điệp quan trọng: ĐHQGHN phải trở thành biểu tượng tinh thần, trí tuệ và tinh hoa của văn hóa dân tộc.

Những chỉ đạo, tâm tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô cùng quý báu, định hướng cho con đường phát triển của ĐHQGHN trong thời gian tới.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và các cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học ĐHQGHN nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)

ĐHQGHN của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu và có những bước tiến rất đáng trân trọng. Tất cả những thành tựu đó đã tạo nên một tiền đề quan trọng để chúng ta đi tiếp những chặng đường tương lai. Với thành quả và kinh nghiệm đã đạt được, từ nay đến 2030 với tầm nhìn 2045, ĐHQGHN phải luôn nỗ lực, tích cực hiện thực hóa sứ mệnh, giá trị cốt lõi của mình để từng bước ĐHQGHN thực sự trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới. ĐHQGHN phải thực hiện bằng được kì vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: ĐHQGHN phải thực sự là biểu tượng về trí tuệ, về văn hóa; phải thật sự là một đại học tinh hoa, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; xứng đáng với niềm tự hào của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học viên của ĐHQGHN.

   
   

Mục tiêu lớn nhất của ĐHQGHN là tạo ra sự phát triển toàn diện, bứt phá để đất nước cải cách mạnh mẽ. Trong hành trình đó, ĐHQGHN có trách nhiệm tiên phong thực hiện những đột phá mang tính chiến lược quốc gia.

Thứ nhất, tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực chiến lược và trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, tiên phong trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa tri thức vào thực tiễn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, tiên phong trong tham vấn và góp phần hoạch định chính sách phát triển quốc gia, từ đó lan tỏa vai trò học thuật trong định hướng chiến lược lâu dài cho đất nước.

Thứ tư, tiên phong trong hội nhập quốc tế, xây dựng một đại học đẳng cấp khu vực và thế giới, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tôi tin tưởng rằng, ĐHQGHN sẽ là một trong những trường đại học đẳng cấp quốc tế, là niềm tự hào của giáo dục đại học Việt Nam và sẽ cùng đất nước tiến kịp, tiến cùng thời đại.

Những định hướng lớn đang được hiện thực hóa bằng loạt chiến lược mạnh mẽ: tái cấu trúc hệ thống khoa học & công nghệ, thúc đẩy đào tạo chất lượng cao, triển khai công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hợp tác sâu rộng với các đại học và tổ chức hàng đầu thế giới.

Với tâm thế tiên phong, đội ngũ nhân lực tinh hoa, và tầm nhìn quốc gia, ĐHQGHN không chỉ là nơi đào tạo nhân tài, mà còn là nơi kiến tạo tri thức, định hình chính sách và dẫn dắt tương lai giáo dục đại học Việt Nam.

Ngày nay, ĐHQGHN đã có một cơ ngơi mới ở Hòa Lạc, hình vóc của một đô thị đại học hiện đại, nhân văn đang định hình hàng ngày, hàng giờ. Nó báo hiệu một tương lai rất tươi sáng của một đại học tinh hoa, tiên phong và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học, học viên và sinh viên ĐHQGHN.

Không gian đại học tại Hòa Lạc được quy hoạch bài bản, rộng rãi, xanh - sạch - hiện đại, khắc phục được sự hạn chế của các cơ sở trong nội thành Hà Nội vốn chật chội, thiếu chiều sâu. Đây là không gian tái tạo, là nơi khuyến khích cảm hứng sáng tạo và học thuật. Chính cái nét hoang sơ, tự nhiên ấy lại là điều kiện rất quý để phát triển một đại học chất lượng cao, mang tính học thuật sâu sắc.

Mô hình đại học tại Hòa Lạc không chỉ là bước tiến về cơ sở vật chất mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược của ĐHQGHN, với mục tiêu trở thành một đại học thông minh, sáng tạo, phát triển bền vững và có ảnh hưởng toàn cầu.

GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú