VNU Logo

Đại học Quốc gia Hà Nội và khát vọng đi tới phồn vinh của dân tộc Việt Nam

Khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy ngay từ những ngày đầu độc lập, khi Người phát động phong trào diệt giặc dốt và khuyến khích học tập để nâng cao dân trí. ĐHQGHN, nối tiếp truyền thống của Đại học Đông Dương, không chỉ là nơi đào tạo nhân tài mà còn là biểu tượng cho khát vọng trí tuệ, sức mạnh và sự nghiệp đổi mới của dân tộc Việt Nam. Được thành lập trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thử thách lớn lao, ĐHQGHN tiếp tục là đầu tàu trong công cuộc xây dựng và phát triển, góp phần vào hành trình đưa đất nước tiến tới phồn vinh, thịnh vượng.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo ĐHQGHN

Sinh cơ lập địa trên một vùng đất có vị trí địa - chiến lược đặc biệt nên dân tộc Việt Nam luôn phải đối phó với những thử thách hiểm nghèo. Ước nguyện bao đời của người Việt chỉ giản dị là được sống trong thanh bình theo cách riêng của mình, có cơm ăn, áo mặc. Nhưng nguyện ước đơn sơ ấy đã bị chà đạp vào cuối thế kỷ XIX, khi thế giới diễn ra quá trình thực dân hoá. Việt Nam mất độc lập, mất chủ quyền và mất luôn cả tên nước. Dân phải sống lầm than trong kiếp nô lệ, một cổ hai tròng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân đã vùng đứng lên làm cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã làm sống lại ước nguyện của người Việt. Nhưng với tầm nhìn vượt đại dương, xuyên thế kỷ, Chủ tich Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra rằng Độc lập mà chúng ta vừa giành được không còn giống với nền độc lập do triều đình phong kiến triều Nguyễn đánh mất từ gần một thế kỷ trước, một nền độc lập có thể “đóng cửa tự hào coi thường thiên hạ” (lời Nguyễn Trường Tộ). Trong thời đại mà độc lập thực ra là sự cân bằng các quan hệ phụ thuộc thì muốn có chỗ đứng dưới ánh sáng mặt trời thì phải vươn lên thành một quốc gia hùng cường. Trong một thế giới như vậy, "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Không giống với bất kỳ một quốc gia nào khác, ngay sau khi vừa giành lại độc lập, khi mà đất nước còn đang chồng chất khó khăn, thù trong, giặc ngoài với nạn đói đang hoành hành, giặc ngoại xâm vẫn đang rình rập quay trở lại, các thế lực phản động ngày đêm tìm cách chống phá…, Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Bình dân học vụ để “diệt giặc dốt” chỉ 6 ngày sau lễ Tuyên ngôn Độc lập. Đó là bước đi đầu tiên, nhưng vô cùng quan trọng là nâng cao dân trí, điều mà thiếu nó không thể phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) GS. Klaus Schwab thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên về chủ đề Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ, ngày 7/10/2024.
 

Và, chỉ sau đúng một tuần lễ phát đi mệnh lệnh quyết tâm diệt giặc dốt, Hồ Chủ tịch thổi bùng lên khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Người đã khơi dậy ý chí của tuổi trẻ và trao sứ mệnh vẻ vang này cho ngành giáo dục. Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã chỉ ra rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”1. Khát vọng đưa đất nước bước tới đài vinh quang, trở thành cường quốc đã bắt đầu từ đấy. Khai mở dân trí, chấn hưng dân khí, khơi dậy ý chí, khí phách của dân tộc, mặc dù có vị trí cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước, nhưng chưa đủ để xây dựng một quốc gia hùng cường. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến chủ trì lễ phát bằng và khai giảng Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (trên cơ sở Đại học Đông Dương được người Pháp xây dựng từ năm 1906) ngày 15/11/1945 có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây không chỉ là thể hiện sự quan tâm của chính quyền cách mạng với giáo dục mà là thông điệp người đứng đầu Chính phủ về chiến lược đào tạo và trọng dụng nhân tài. Được xây dựng nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, Đại học Đông Dương từng là nơi đào tạo ra những nhân tài kiệt xuất như Nguyễn Thái Học, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Phan Chánh2… Nhiều người trong số họ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước một nền giáo dục đại học đã được hình thành đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh lịch sử khi đó, nền kinh tế được vận hành theo nguyên tắc kế hoạch hoá cao độ nên mô hình đại học tiên tiến chính là hình mẫu đại học Xô Viết. Cấu trúc phổ biến là đại học cơ bản kết hợp với các trường đại học chuyên ngành. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chỉ đào tạo khoa học cơ bản. Trong khi đó các trường đại học khác được chuyên ngành hoá, đào tạo các ngành có tính ứng dụng cao. Theo mô hình này, mặc dù kế thừa truyền thống học thuật của Đại học Đông Dương nhưng khi hình thành Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lại có cơ cấu theo mẫu hình Liên Xô.

Hệ thống đại học này đã phát huy vai trò tích cực trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hoá. Tuy nhiên mô hình đại học chuyên ngành hoá đã sớm bộc lộ hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến cả chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trước hết, đó là sự tách rời khoa học cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, khiến cho cả hai đều không thể phát triển mạnh và hầu như không thể bổ trợ cho nhau.

Ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội việc nghiên cứu thường thiên về lý thuyết và chủ yếu phục vụ giảng dạy, hầu như thiếu vắng các công trình nghiên cứu ứng dụng có chất lượng cao. Trong khi đó, các trường đại học chuyên ngành lại tập trung vào đào tạo các ngành nghề thiên về ứng dụng, hầu như không quan tâm đến nghên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu đòi hỏi cần được đầu tư.

Tình trạng tách rời nghiên cứu cơ bản với ứng dụng thực tế đã khiến cho thị trường khoa học & công nghệ ở Việt Nam hầu như thiếu vắng trong một thời gian dài. Chất lượng đào tạo ở các trường chuyên ngành cũng chủ yếu dừng ở việc dạy nghề. Chất lượng nghiên cứu khoa học chính là thước đo chất lượng đào tạo ở các trường đại học.

Khi bước vào thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vẫn được định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đã vận hành theo quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường, trong đó có thị trường lao động. Trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp Đổi mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đỉnh cao thực hiện sứ mệnh quốc gia và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã đưa ra quyết định có tầm chiến lược: thành lập Đại học Quốc gia. Thực hiện chủ trương này, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ngày 10/12/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/CP về ĐHQGHN với sứ mệnh là đại học trọng điểm quốc gia - một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, làm nòng cột và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà.

Trong suốt hơn 30 năm từ thời khắc lịch sử đó, ĐHQGHN luôn đi tiên phong, sáng tạo, được Đảng, Nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp tin cậy và có mạng lưới đối tác quốc tế rộng khắp. Giờ đây sau gần 40 năm Đổi mới và phát triển, đất nước ta đang có một cơ đồ chưa từng có trong lịch sử và đứng trước một vận hội mới, thời cơ mới để thực hiện khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường, một dân tộc phồn vinh. Hơn bao giờ hết, ĐHQGHN nhận thấy trách nhiệm lớn lao của mình trước kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc.

Từ kinh nghiệm của một số nước đã có những bước tiến thần kỳ đưa đất nước từ trình độ đang phát triển trở thành những quốc gia hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…, Chính phủ đều đầu tư vun cao cho đại học quốc gia về cả nguồn lực vật chất và cơ chế đặc biệt. Với Đề án 985, Trung Quốc đã đưa Đại học Bắc Kinh lên thứ 23, Đại học Thanh Hoa xếp thứ 39 trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Singapore luôn tự hào rằng chỉ số đánh giá nhà trường nằm ở sự phát triển của nước Cộng hoà Singapore. Năm 2023, Đại học Quốc gia Singapore xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới.

Sự nghiệp Đổi mới đang bước vào giai đoạn bứt phá quyết liệt, đã đến lúc ĐHQGHN phải vươn lên với một nỗ lực phi thường. Nhưng cũng hơn bao giờ hết ĐHQGHN cần nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo và của xã hội với ý nghĩa quyết tâm dồn lực cho một đạo quân tiên phong. Khó khăn hiện nay của chúng ta không chỉ ở nguồn lực, điều kiện vật chất còn hạn hẹp mà còn bị chi phối bởi tâm lý bình quân.

Khát vọng vươn tới vị thế một quốc gia hùng cường, một dân tộc phồn vinh đang thôi thúc chúng ta hành động. Với ý chí quyết tâm chưa từng có chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được trọn vẹn ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà 80 năm về trước, trong bộn bề công việc, đã dành thời gian đến chủ trì lễ khai giảng năm học độc lập đầu tiên của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam.

-----------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

(2) Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học từng là Chủ tịch Việt Nam Quốc dân đảng. Ông Đặng Xuân Khu chính là Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp từng được phong hàm Đại tướng khi mới 36 tuổi và giữ cương vị Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam. GS. Tôn Thất Tùng là một bác sĩ danh tiếng trên toàn thế giới.