VNU Logo

Định hình chiến lược phát triển giai đoạn 2025–2035: ĐHQGHN hướng tới đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu

Chiều 30/6/2025, tại Hòa Lạc đã diễn ra phiên họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo mở rộng với sự chủ trì của GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng và PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Giám đốc ĐHQGHN để bàn những vấn đề trọng tâm, mang tính chiến lược trong hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ của ĐHQGHN trong giai đoạn 2025–2035. Phiên họp có sự tham dự của Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Phạm Bảo Sơn và các thành viên Hội đồng, đại diện lãnh đạo các ban chức năng và đơn vị thành viên.

 

Bước ngoặt chiến lược trong bối cảnh mới

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh: Cuộc họp lần này diễn ra trong thời khắc đặc biệt, khi Việt Nam chính thức vận hành bộ máy hành chính hai cấp từ ngày 1/7/2025. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu mới cho ĐHQGHN – không chỉ duy trì vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học mà còn phải tiên phong đổi mới, thích ứng mạnh mẽ với chuyển động của thời đại.

Theo GS. Vũ Minh Giang, đây là giai đoạn bản lề để định hình các trụ cột chiến lược của ĐHQGHN, từ nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đến hội nhập quốc tế. Trong đó, việc phát huy thế mạnh đặc thù, xây dựng mô hình đại học đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt.

Xác định 8 lĩnh vực công nghệ ưu tiên

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất danh mục công nghệ ưu tiên đầu tư giai đoạn 2025–2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trình bày dự thảo, Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú cho biết các lĩnh vực được lựa chọn bao gồm công nghệ chip bán dẫn; trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; robot và tự động hóa; công nghệ y – sinh tiên tiến; công nghệ lượng tử; năng lượng và vật liệu mới; nông nghiệp thông minh; và công nghệ môi trường, phát triển bền vững.

Đây là các lĩnh vực có khả năng tạo ra đột phá, dẫn dắt nền kinh tế tri thức và phù hợp với định hướng phát triển quốc gia.

Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Phạm Bảo Sơn khẳng định: Sáu trong tám lĩnh vực công nghệ nói trên đã và đang được ĐHQGHN tập trung đầu tư. Cần tiếp tục cụ thể hóa thành các chương trình, nhiệm vụ gắn với nhu cầu thực tiễn và sự tham gia của doanh nghiệp.

Các thành viên hội đồng đánh giá cao các danh mục này và việc chú trọng các nhóm lĩnh vực này không chỉ đúng mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn. ĐHQGHN có đủ tiềm lực để phát triển sâu từng lĩnh vực, nếu có cơ chế triển khai phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kiến nghị các nhóm lĩnh vực cần thực hiện linh hoạt, hiệu quả cần mở rộng theo hướng liên ngành.

Các giáo sư phân tích thực trạng của xã hội hiện nay và cho biết lợi thế của ĐHQGHN trong việc đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, xuyên ngành. Các nghiên cứu nghiên cứu công nghệ của ĐHQGHN cần gắn với những thách thức xã hội như an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng.

GS.TS Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc ĐHQGHN đề xuất việc lồng ghép nghiên cứu cơ bản vào tất cả các nhóm công nghệ, nhằm tạo nền tảng bền vững. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ rõ ràng cho các nhiệm vụ trọng điểm.

GS.TSKH Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh vai trò nền tảng của khoa học cơ bản – thế mạnh đặc hữu của ĐHQGHN – trong phát triển các công nghệ ứng dụng. Muốn có công nghệ vững chắc, phải bắt đầu từ nghiên cứu nền tảng.

Đổi mới đào tạo theo chuẩn quốc tế

Về lĩnh vực đào tạo, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trình bày dự thảo quy chế đào tạo đại học và tiến sĩ mới, định hướng tiệm cận quốc tế. Ba điểm đột phá của quy chế gồm: tối thiểu 80% học phần giảng dạy bằng tiếng Anh; chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc tiến sĩ đạt B2 trở lên; và thời gian đào tạo đại học rút xuống còn 3 năm.

Mục tiêu là xây dựng đội ngũ người học có khả năng sử dụng công nghệ số, AI để học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế thông qua trao đổi giảng viên, liên kết chương trình đào tạo với 100 đại học hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, quy chế đào tạo tiến sĩ áp dụng cho các lĩnh vực chiến lược như khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ, chip bán dẫn, công nghệ sinh học và khoa học sức khỏe.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường cho biết: ĐHQGHN đang triển khai mô hình “VNU 12+”, cho phép học sinh tài năng học liên thông từ cử nhân đến tiến sĩ với học bổng toàn phần. Đây là chiến lược bồi dưỡng nhân tài dài hạn, gắn với nghiên cứu và thực tiễn.

Về quy chế đào tạo, các chuyên gia, nhà khoa học đều nhất trí cao với nội dung của đề án. Bên cạnh đó, các thành viên hội đồng cũng đề nghị, đề án cần tập trung nâng cao chất lượng thực chất thay vì rườm rà quy trình, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm để đảm bảo chuẩn đầu ra.

GS.TS Phạm Hồng Tung – nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN đề xuất tích hợp công nghệ đào tạo thông minh, ứng dụng AI và Big Data trong giảng dạy, đánh giá. Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật GS.TS Furuta Motoo chia sẻ kinh nghiệm Nhật Bản, nhấn mạnh vai trò tự chủ của nghiên cứu sinh và việc số hóa quy trình để nâng cao hiệu quả.

GS.TS Phùng Hữu Phú – nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương lưu ý, cần rà soát lại các mô hình đào tạo, bỏ những nội dung lạc hậu, giữ lại phần tinh túy, phát triển kỹ năng tự học – tự nghiên cứu – tự thích ứng của sinh viên.

Thu hút giáo sư thỉnh giảng – tăng cường chất xám quốc tế

Một nội dung đặc biệt quan trọng tại phiên họp là Chương trình thu hút giáo sư thỉnh giảng do TS. Trương Việt Hà, đại diện Ban Tổ chức và Thanh tra trình bày. Mục tiêu của chương trình là mời khoảng 100 giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu tại ĐHQGHN giai đoạn 2026–2031.

Đội ngũ chuyên gia sẽ trực tiếp giảng dạy các học phần chuyên sâu, tổ chức seminar, hướng dẫn nghiên cứu sinh, công bố quốc tế, thành lập nhóm nghiên cứu mạnh và đóng vai trò kết nối hợp tác quốc tế. Chương trình đặc biệt chú trọng các học giả có ảnh hưởng xã hội lớn, nhằm truyền cảm hứng học thuật, kết nối người học với thực tiễn và tư duy toàn cầu.

Các thành viên hội đồng tham gia phiên họp đều đánh giá cao nội dung này, đây là sáng kiến đột phá, cần triển khai sớm. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cũng đề xuất, ĐHQGHN cần mở rộng đối tượng chuyên gia tham gia thỉnh giảng, họ không chỉ là nhà khoa học mà còn có thể là chính khách, doanh nhân uy tín để tăng sự hứng thú và trải nghiệm thực chiến cho người học.

Với chương trình giáo sư thỉnh giảng, các chuyên gia cũng đề xuất mở rộng đối tượng, tăng tính linh hoạt, và huy động đa dạng nguồn lực tài chính để tạo tính bền vững và sớm ban hành để triển khai rộng rãi đề án này.

Hoàn thiện cơ chế – thúc đẩy đại học đổi mới sáng tạo

Phát biểu tổng kết phiên họp, Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: Hội đồng đã làm việc nghiêm túc, khoa học, thể hiện trách nhiệm và đồng thuận cao. Đây là bước đi quan trọng để ĐHQGHN chuyển mình mạnh mẽ.

Ông đặc biệt lưu ý: cần phát huy thế mạnh khoa học cơ bản, kết nối liên ngành; thúc đẩy các chương trình gắn với xã hội, doanh nghiệp; đồng thời cụ thể hóa cơ chế hợp tác quốc tế, tinh giản thủ tục hành chính trong đào tạo và nghiên cứu.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường bày tỏ cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học và chuyên gia. Ông nhấn mạnh hai định hướng đột phá sắp tới là hoàn thiện và triển khai hiệu quả chương trình giáo sư thỉnh giảng; điều chỉnh chiến lược khoa học công nghệ bám sát định hướng quốc gia và thế mạnh riêng có của ĐHQGHN. Trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên Hội đồng, các đơn vị chuyên môn của ĐHQGHN tiếp tục rà soát lại các dự thảo, hoàn thiện và trình lãnh đạo ĐHQGHN sớm triển khai trong toàn hệ thống.

Trong giai đoạn 2025–2035, với sự đồng hành của Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN kỳ vọng sẽ định hình rõ nét mô hình đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu, phát huy vai trò dẫn dắt quốc gia trong đào tạo, nghiên cứu và hội nhập toàn cầu.

Thùy Dương - VNU Media