VNU Logo

Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” và khát vọng phát triển nền giáo dục nước nhà

Ngày 12/5/2025, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” – sự kiện chính trị, khoa học, giáo dục có ý nghĩa sâu sắc hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890–2025), 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (9/1945–9/2025), 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

 
Ảnh: Trần Hiệp
Hội thảo do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng ĐHQGHN tổ chức thực hiện. Sự kiện quy tụ gần 200 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý và sinh viên đến từ các cơ sở giáo dục – đào tạo trên cả nước tham dự.

Giáo dục vì con người, vì sự phát triển toàn diện của con người

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Chúng ta đến với hội thảo này không chỉ với tư cách là những nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… mà quan trọng hơn cả, bằng cả tấm lòng với Bác. Theo đồng chí Trưởng Ban, Hội thảo là dịp để khơi dậy, bồi dưỡng tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và sự ngưỡng vọng sâu sắc của đội ngũ nhà giáo và thế hệ trẻ hôm nay với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại, người thầy lớn của dân tộc và nền giáo dục nước nhà.
 
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
Ông cho rằng, việc tổ chức Hội thảo không chỉ có ý nghĩa kỷ niệm các dấu mốc trọng đại mà còn là dịp quan trọng để nhìn lại, phân tích, làm sâu sắc hơn và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, tư tưởng “trồng người” – coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, con người là trung tâm và mục tiêu cao cả nhất – vẫn luôn là kim chỉ nam trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
“Giáo dục không phải là việc chỉ của riêng ngành, mà là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát triển giáo dục phải dựa vào động lực nội sinh, với niềm tin vào trí tuệ dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Trưởng Ban Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Bày tỏ niềm xúc động và sự trân trọng đối với ý nghĩa của hội thảo, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là kim chỉ nam cho sự nghiệp ‘trồng người’ trong quá khứ mà còn là nền tảng vững chắc và nguồn cảm hứng bất tận cho đổi mới giáo dục hiện nay.
Theo đồng chí, trong hành trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt giáo dục vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Quan điểm “giáo dục vì con người, vì sự phát triển toàn diện của con người” thể hiện tầm nhìn chiến lược vượt thời đại. Việc học tập suốt đời, đề cao người học, khơi dậy khát vọng và năng lực tự thân… là những giá trị mà giáo dục hôm nay cần kế thừa và phát huy.
 Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh – nền tảng vững chắc của sự nghiệp “trồng người”
Trong phát biểu chào mừng và đề dẫn hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà văn hóa kiệt xuất – trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và cao đẹp, luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Người luôn cho rằng: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
 
Hiệu trường Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, CON NGƯỜI trong tư tưởng Hồ Chí Minh là trung tâm và là vốn quý nhất của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, Bác không chỉ đề ra những quan điểm sâu sắc, mang tính chiến lược về giáo dục mà còn bằng hành động cụ thể truyền cảm hứng và khích lệ biết bao thế hệ học trò, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục. Bức thư Bác gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập tháng 9/1945 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và chiều sâu nhân văn đó.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên tiếp tục nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minhtừ đó vận dụng sáng tạo trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo đúng tinh thần Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12/8/2024, Nghị quyết 29-NQ/TW (2013) và Nghị quyết số 57-NQ/TW (2024) của Bộ Chính trị.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm, trong hơn 120 bài viết gửi tới hội thảo, Ban Tổ chức đã chọn lọc một số tham luận tiêu biểu để trình bày trực tiếp. Mỗi bài viết chính là một bông hoa tri thức, là món quà tri ân của thế hệ hôm nay gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người.
Những góc nhìn đa chiều về tinh thần học tập suốt đời và giáo dục khai phóng
Các tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học, học tập suốt đời, vai trò của người học và định hướng phát triển giáo dục nhân văn, hiện đại, gắn với bối cảnh đổi mới.
 
Trong đó nổi bật là các báo cáo: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục Việt Nam: Kiến tạo, nhân văn, tiến cùng thời đại – GS.TS Phùng Hữu Phú (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN);
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ba quan điểm giáo dục vận dụng trong bối cảnh hiện nay – GS.TS Phạm Hồng Quang (Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên);
 
Ảnh: Trần Hiệp
Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc – GS.TS Lại Quốc Khánh (Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN);
 
Ảnh: Trần Hiệp
Học sinh, sinh viên học tập và làm theo tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới – sinh viên Đặng Thị Thu Uyên (Khoa Khoa học Chính trị, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN)
Nhiều tham luận cũng liên hệ trực tiếp việc vận dụng tư tưởng của Bác với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” nhằm thúc đẩy tinh thần học tập bền vững, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Lan tỏa giá trị, khơi dậy khát vọng chấn hưng giáo dục
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao chất lượng khoa học và chiều sâu tư tưởng của các tham luận. Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội thảo không chỉ làm sáng rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục mà còn là dịp để mỗi người trong ngành giáo dục tự soi chiếu lại bản thân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
 
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về những quan điểm về tự học và học tập suốt đời theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Những lời dạy của Bác, dù đã gần 80 năm, vẫn có sức sống mãnh liệt, vẫn là kim chỉ nam cho hành động hôm nay. Bác đã để lại cho giáo dục Việt Nam một nền móng tư tưởng vững chắc, từ đó chúng ta có thể xây dựng và phát triển nền giáo dục phù hợp với thời đại chuyển đổi số, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức”, Bộ trưởng phát biểu.
Hội thảo cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết của tinh thần đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm xã hội trong giáo dục. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới, giáo dục phải thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển bền vững và hưng thịnh của quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh về triết lý Giáo dục – Sự nghiệp của lòng yêu nước và tinh thần nhân văn. Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” không chỉ là một sự kiện học thuật mà còn là nơi hội tụ những giá trị tinh thần, đạo lý và khát vọng đổi mới giáo dục Việt Nam theo con đường mà Bác Hồ đã chỉ ra. Các tham luận, thảo luận tại hội thảo đã góp phần khơi mở tư duy, lan toả tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý và người học trên cả nước.
Với niềm vinh dự được đăng cai tổ chức hội thảo quan trọng này, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Năm 2025 là dấu mốc đặc biệt – không chỉ với đất nước, ngành giáo dục mà còn là dịp kỷ niệm 80 năm Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Ban Đại học Văn khoa – tiền thân của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây là động lực để Nhà trường tiếp tục sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, tư vấn chính sách và cống hiến cho công cuộc phát triển đất nước.
Hội thảo khép lại nhưng dư âm còn vang vọng: về lòng yêu nước, sự tận tâm với nghề giáo, khát vọng vươn lên, và trên hết – là niềm tri ân sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã đặt nền móng cho một nền giáo dục khai phóng, nhân văn và hướng đến phát triển toàn diện con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
 
Thùy Dương - Bình Nguyên