Tham dự Hội nghị có đồng chí Châu Văn Minh - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học của ĐHQGHN.
Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh được xác định vừa là phương thức vừa là mục tiêu để ĐHQGHN phát triển tiềm lực KH&CN, nâng cao khả năng triển khai các nghiên cứu đỉnh cao và hình thành các trường phái khoa học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; tạo động lực gia tăng các giá trị khoa học và công nghệ, các yếu tố cạnh tranh cả trên phương diện quốc gia và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển ĐHQGHN và các đơn vị theo định hướng nghiên cứu.
Tiên phong trong hệ thống giáo dục đào tạo cả nước, năm 2013, ĐHQGHN đã ban hành hướng dẫn “Xây dựng và phát triển các Chương trình nghiên cứu trọng điểm và Nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN”.
Đến năm 2014, ĐHQGHN đã hình thành được hệ thống trên 80 nhóm nghiên cứu mạnh ở các cấp độ khác nhau. Trong số đó, có 16 nhóm được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN năm 2014.
Các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN được hình thành và phát triển đồng thời với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; thông qua hợp tác quốc tế, hoạt động chuyển giao tri thức với các doanh nghiệp và địa phương; thông qua việc kết hợp với thực hiện nhiệm vụ và chương trình nghiên cứu.
Thời gian qua, các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và kinh tế mũi nhọn, khoa học tự nhiên và y dược, công nghệ và kỹ thuật và khoa học liên ngành. Những công bố của các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu đã góp phần quan trọng vào việc đưa ĐHQGHN nâng cao thứ bậc trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Theo bản công bố xếp hạng năm 2014 của tổ chức QS (Vương quốc Anh), ĐHQGHN đã vươn lên vị trí 161-170 của Châu Á và giữ vị trí số 1 của Việt Nam. Với vị trí này, ĐHQGHN cách xa vị trí xếp hạng của 2 đại học khác của Việt Nam xuất hiện trong Bảng xếp hạng này là ĐHQG Tp Hồ Chí Minh ở vị trí 191-200 và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vị trí 251-300.
Tại hội nghị, đại diện các nhóm nghiên cứu xuất sắc của ĐHQGHN đã cùng trao đổi kinh nghiệm và kiến nghị nhiều giải pháp xây dựng, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh tại ĐHQGHN.
GS.TS Phạm Hùng Việt - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững (CETASD - Trường ĐHKHTN) nêu quan điểm: các nhóm nghiên cứu chính là các tế bào cơ sở của một đơn vị nghiên cứu. Từ các nhóm nghiên cứu, ĐHQGHN cần hướng tới xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc với nhiều nhóm nghiên cứu đơn ngành hoặc đa ngành. Các trung tâm này không phải được hình thành trên cơ sở các đơn vị hành chính mà là tập hợp nhiều nhà khoa học ở nhiều đơn vị khác nhau.
Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng các nhóm nghiên cứu đạt đẳng cấp quốc tế. Theo đó, hợp tác quốc tế phải là điều kiện tiên quyết để xây dựng các nhóm nghiên cứu này và công bố quốc tế là chứng chỉ khoa học, là phương tiện chia sẻ các thành tựu khoa học với bạn bè thế giới, tạo động lực phát triển cho các nhóm nghiên cứu. Từ kinh nghiệm thành công của nhóm nghiên cứu về môi trường ở CETASD trong hoạt động hợp tác và công bố quốc tế, GS. TS Phạm Hùng Việt cho rằng, để phát triển vững mạnh, các nhóm nghiên cứu cần được đầu tư theo 3 hướng: tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực trình độ cao và tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - chỉ ra hai điều kiện vô cùng quan trọng để các nhóm NC tồn tại bền vững và lâu dài, đó là môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và vai trò của người trưởng nhóm. Trong đó, trưởng nhóm nghiên cứu phải là nhà khoa học có năng lực vạch ra hướng nghiên cứu dài hạn của nhóm; có khả năng kết nối và dẫn dắt thành viên trong hoạt động chung; tìm kiếm được nguồn tài trợ cho hoạt động của nhóm bằng uy tín và các mối quan hệ của mình.
Về giải pháp hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đề xuất: đẩy mạnh hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và thông tin khoa học cho các nhà khoa học; tạo cơ chế đặt hàng nghiên cứu thường xuyên; hỗ trợ phát triển năng lực của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là cơ hội hội nhập quốc tế; có chính sách khen thưởng cho các cá nhân đề xuất được ý tưởng nghiên cứu độc đáo, có giá trị khoa học và thực tiễn.
GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp giúp thu hút nguồn lực cho nghiên cứu và xác định rõ địa chỉ ứng dụng cho công trình nghiên cứu của nhóm. Ông cũng đề xuất mô hình hợp tác với sự phối hợp của chính phủ - đại học - doanh nghiệp – hội chuyên môn nghề nghiệp để thúc đẩy hoạt động của nhóm nghiên cứu.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển - cho rằng: ĐHQGHN cần tận dụng lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực để tổ chức các nhóm nghiên cứu khoa học liên ngành. Đây sẽ là hướng đi giúp ĐHQGHN có những đóng góp hữu ích cho đất nước cũng như khẳng định vị thế riêng trong hoạt động KH của mình. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng nêu lên tầm quan trọng của việc phải có cơ chế khai thác tiềm năng của đội ngũ chuyên gia đầu ngành để việc xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, có cơ chế bồi dưỡng các chuyên gia đầu ngành từ đội ngũ các cán bộ trẻ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Xuân Tùng đánh giá cao tính tiên phong của ĐHQGHN trong việc xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh làm nền tảng xây dựng tiềm lực khoa học của ĐHQGHN và của đất nước. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động NCKH theo hướng trọng dụng cán bộ khoa học, tăng tính tự chủ cao cho các nhóm nghiên cứu… Thứ trưởng cũng khẳng định: ủng hộ và phối hợp với ĐHQGHN trong mục tiêu xây dựng ĐHQGHN thành trung tâm nghiên cứu lớn, với các nhóm nghiên cứu xuất sắc đạt tầm khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy hoạt động hội nhập quốc tế của KHCN Việt Nam.
Tổng kết hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận một số điểm:
ĐHQGHN kiên định định hướng nghiên cứu cơ bản vì đây là thế mạnh cũng là sứ mạng của ĐHQGHN. Do đó, các nhóm nghiên cứu cần lấy hướng nghiên cứu cơ bản làm nền tảng cho các hoạt động của mình. Nhưng nghiên cứu cơ bản phải là nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng hướng tới giải quyết các bài toán của thực tiễn.
Phát huy lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN định hướng xây dựng tổ hợp nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực tạo nên bản sắc riêng của mình. Đó cũng là tiền đề của các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
Mục tiêu quan trọng hàng đầu của hoạt động KHCN là thông qua nghiên cứu để nâng cao chất lượng của sản phẩm đào tạo, đặc biệt là đào tạo SĐH. NCKH thúc đẩy hình thành các sản phẩm đào tạo mới, đặc sắc và chất lượng cao.
NCKH phải hướng tới giải quyết các bài toán của cuộc sống, đặc biệt là giải quyết nhiều vấn đề cấp bách hiện nay như bệnh dịch, đạo đức lối sống, bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo… Để làm được điều đó, các trường ĐH, các nhóm nghiên cứu cần xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ… nhằm thu hút nguồn lực cho đầu tư, đồng thời tìm ra địa chỉ ứng dụng cho sản phẩm KH của mình. Đây cũng là cách nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín của các nhà khoa học.
Chính các nhà khoa học cùng các sản phẩm KH của mình làm nên thương hiệu của ĐHQGHN. Các nhóm nghiên cứu mạnh đóng vai trò là xương sống trong hoạt động NCKH của ĐHQGHN. ĐHQGHN đề cao sự sáng tạo và ý tưởng khoa học mới của các nhóm nghiên cứu và tiếp cận xây dựng kế hoạch và chiến lược KHCN dựa trên điều kiện thực tiễn của các nhóm nghiên cứu. Do đó, cần quan tâm củng cố lại các nhóm nghiên cứu đã có cùng với việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mới liên ngành, liên lĩnh vực. Thí điểm thành lập một vài trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
Hoạt động NCKH cần gắn với hoạt động nghiên cứu thị trường, dịch vụ KHCN và thương mại hóa sản phẩm KHCN. Để làm được điều đó cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, mở rộng liên kết quốc tế trong NCKH. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu phát triển, ĐHQGHN sẽ có chính sách cụ thể để xây dựng môi trường khoa học lành mạnh và thuận lợi, tạo động lực cho nghiên cứu. Các nhà khoa học không chỉ được tạo điều kiện đãi ngộ tối đa về vật chất mà còn cả ở tinh thần tự do học thuật và các điều kiện phát triển năng lực sáng tạo cá nhân. Các nhóm nghiên cứu cũng cần chủ động và tiên phong đề xuất những hướng nghiên cứu có giá trị, đồng thời đóng góp cho việc xây dựng chiến lược KHCN của ĐHQGHN.
Tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã trao bằng khen cho 16 nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN năm 2014. Danh sách các nhóm NC mạnh xem tại đây.
Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày KHCN Việt Nam, ngày 17/5/2014, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên ĐHQGHN đã tổ chức Festival KH&CN trẻ lần thứ nhất. Festival gồm 35 gian trưng bày các sản phẩm, thành tựu KHCN của các nhà khoa học trẻ và sinh viên thuộc các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trực thuộc ĐHQGHN. Đây là cơ hội để các nhà khoa học trẻ và sinh viên giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu và các sản phẩm KHCN tham gia phục vụ nhu cầu thiết thực của đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Festival là diễn đàn để các nhà khoa học và sinh viên ĐHQGHN giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KHCN góp phần vào sự nghiệp phát triển KHCN của đất nước.
|
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen cho các nhóm nghiên cứu mạnh 2014
|