Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Thúc đẩy cải cách để gỡ bỏ các ràng buộc tăng trưởng
Sáng ngày 29/5/2014, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam (Báo cáo), được xây dựng lần đầu tiên vào năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn trong một năm, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tiếp theo và khuyến nghị các chính sách trong bối cảnh hiện tại.
Trong lời giới thiệu của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 của Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã một lần nữa khẳng định: “Báo cáo trở thành một thương hiệu không chỉ của VEPR mà của cả ĐHQGHN. Chúng tôi tin rằng Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: ‘Những ràng buộc đối với tăng trưởng’ sẽ tiếp tục đưa đến cho độc giả - những người đã quen thuộc với chuỗi Báo cáo trong suốt 5 năm qua – những phân tích sâu sắc về các vấn đề căn bản của kinh tế Việt Nam, thông qua cách tiếp cận mang tính hàn lâm và bài bản”.
Phát biểu khai mạc tại buổi công bố, Phó giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, ĐHQGHN đã lựa chọn giải pháp dài hạn là xây dựng các chương trình nghiên cứu chiến lược có tính chất dẫn dắt, chất lượng đỉnh cao với khả năng ứng dụng cao, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Một trong những chương trình đó là “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam,” được giao cho Trường Đại học Kinh tế chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế thực hiện.
Trên cơ sở thành công bước đầu của chương trình này, từ năm 2013, ĐHQGHN đã đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm, với tên gọi “Kinh tế học vĩ mô và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam”. Mục tiêu của Chương trình này là xây dựng thành công hướng nghiên cứu chiến lược mang tính trường phái về lý thuyết và các vấn đề chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay của đất nước, và đi liền với đó là các Nhóm nghiên cứu mạnh có đủ khả năng làm đầu mối triển khai các nghiên cứu đỉnh cao, hướng tới các sản phẩm hoàn chỉnh, từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Sự hình thành và phát triển của Chương trình nghiên cứu này sẽ cho phép Đại học Quốc gia xây dựng một think-tank chiến lược về kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng tại Việt Nam và trong khu vực.
Bà Nadia Krivetz - đại diện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Hà Nội phát biểu tại phiên khai mạc: “Hỗ trợ cho việc thực hiện Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là một phần trong chương trình hợp tác của chúng tôi với Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam nhằm hướng tới việc tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Phía Australia mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong việc đối diện với các thách thức gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đồng thời tránh được vấn đề bẫy thu nhập trung bình mà rất nhiều quốc gia đã gặp phải”.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trong các cấu phần tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng kinh tế luôn được coi là yếu tố quyết định nhất, là tiền đề giúp giải quyết các vấn đề khác như bất bình đẳng, cải thiện giáo dục hay bảo vệ môi trường sống. Vì lý do đó, đạt được mức tăng trưởng cao, bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia đang phát triển và do đó đồng thời cũng là vấn đề nghiên cứu trọng tâm nhất của kinh tế phát triển. Câu hỏi về sự khác biệt trong tăng trưởng giữa các quốc gia cũng như các lý do tại sao một quốc gia không đạt được mức tăng trưởng cao mang nhiều ý nghĩa thực tiễn to lớn. Tuy vậy, xác định các ràng buộc về tăng trưởng của các nền kinh tế là một công việc học thuật phức tạp, đang dần được giải đáp qua nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Trình bày Báo cáo, TS. Nguyễn Đức Thành, đại diện cho nhóm nghiên cứu đã nêu ra các ràng buộc đối với tăng trường như: Môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường tài chính, các yếu tố đầu vào của nền kinh tế như năng lượng, nguồn nhân lực... và cả các yếu tố liên quan quan đến mối quan hệ kinh tế, chính trị, lãnh thổ với Trung Quốc thời gian gần đây. Theo Báo cáo, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi từ năm 2013 và đầu năm 2014 nhưng rất "mong manh", do năng lực của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc khi khối doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Báo cáo 2014 khẳng định thâm hụt ngân sách và chi phí đầu vào cao là một trong những ràng buộc cho tăng trưởng ở Việt Nam. Theo Báo cáo, tổng thuế trên lợi nhuận thương mại ở VN đang chiếm 35% trong khi ở Indonesia là 32%, Thái Lan 30% và Trung Quốc là 64%. Dù mức thuế của Việt Nam không hẳn là quá cao so với khu vực nhưng tham nhũng ở Việt Nam lại được đánh giá có mức độ nghiêm trọng. Báo cáo thẳng thắn khẳng định “đây chính là một ràng buộc trong tăng trưởng trọng yếu”.
Các nhà nghiên cứu kinh tế phản biện Báo cáo Kinh tế thường niên 2014 đều thống nhất đánh giá cao tính khoa học và những thông tin mà Báo cáo mang lại. Báo cáo đã trở thành một trong những kênh thông tin khoa học độc lập, tin cậy quan trọng để Đảng, Nhà nước và Chính phủ có những quyết sách vĩ mô quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước.
TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (thành viên phản biện) đánh giá cao tính chuyên nghiệp Báo cáo và nhóm nghiên cứu, các vấn đề đặt ra từ Báo cáo đầu tiên năm 2009 đến Báo cáo năm 2014 trở thành một chuỗi thông tin, khuyến nghị logic với nhau trở thành một chỉnh thể thống nhất. Góp ý cho Báo cáo, TS. Vũ Viết Ngoạn muốn nhóm nghiên cứu cần làm rõ và cụ thể hơn việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm để đạt được sự bền vững và ổn định xã hội. TS. Ngoạn cũng đề nghị nhóm nghiên cứu cân nhắc thời gian công bố Báo cáo kỳ sau sớm hơn thường lệ.
TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (thành viên phản biện) cũng cho rằng Báo cáo 2014 đã cho thấy nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng dưới tiềm năng. TS. Doanh đề xuất thêm phân tích các yếu tố về việc sáp nhập, thâu tóm của các công ty nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là một hiện tượng cần được xem xét một cách thấu đáo.
TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (thành viên phản biện) đưa ra ý kiến cần đơn giản hóa việc áp dụng các mô hình phân tích.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng gây được sự chú ý của cử tọa, như GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, nhóm nghiên cứu cần quan tâm đến số liệu đầu vào của mô hình phân tích, vì số liệu đầu vào chưa chuẩn thì kết quả phân tích sẽ không còn chính xác nữa.
TS. Trần Đình Thiên thì nhấn mạnh đến việc nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn những ràng buộc nào là mấu chốt, là quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.
TS. Nguyễn Mại khuyến nghị nhóm nghiên cứu cần đưa thêm những nghiên cứu từ hoạt động thực tế của các doanh nghiệp kết hợp với các mô hình lý thuyết kinh tế để có một bản báo cáo toàn diện hơn, từ đó có các lời giải thiết thực cho nền kinh tế đất nước.
Bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam - VTV1:
 
Get the Flash Player to see this player.

 

 

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục.
Chương 1, “Tổng quan kinh tế thế giới 2013” tóm lược những biến động kinh tế trên toàn cầu trong giai đoạn 2013-2014, cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với những sự kiện lớn như Mỹ cắt giảm QE3, phục hồi kinh tế của EU, việc thúc đẩy đàm phán các hiệp định TPP và TIPP, suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc v.v. Đồng thời nhận định những ảnh hưởng của môi trường toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Chương 2, “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2013” cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Năm 2013 đặc trưng bởi trạng thái ổn định ở cấp vĩ mô và những nỗ lực thoát khỏi trạng thái trì trệ ở cấp vi mô. Các chỉ báo gợi ý nền kinh tế đã lấy lại cân bằng từ cú sốc lạm phát cao năm 2011 và suy giảm kinh tế năm 2012. Đồng thời phân tích các khuynh hướng chính về tăng trưởng và lạm phát, các cân đối vĩ mô, chu kỳ kinh tế và đánh giá diễn biến chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua, làm cơ sở để nhìn nhận triển vọng kinh tế trong năm 2014.
Chương 3, “Xác định các ràng buộc từ phương pháp chẩn đoán tăng trưởng cho Việt Nam”đã sử dụng cách tiếp cận mới để chẩn đoán tăng trưởng kinh tế và chỉ rõ ra những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung-dài hạn.Các ràng buộc này thể hiện chủ yếu qua hệ thống tài chính, thị trường lao động, thị trường năng lượng, môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện và thủ tục hành chính chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp và tinh thần khởi nghiệp. Những ràng buộc nội bộ này cũng là rào cản tiềm tàng trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Chương 4, “Đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs)” công bố những tính toán của nhóm nghiên cứu về các chỉ số FSIs áp dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam, đồng thời đưa ra những nhận định ban đầu về độ lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2008-2012.
Chương 5, “Hành trình hội nhập kinh tế quốc tế: Đằng sau sự kỳ vọng của Việt Nam”, khái lược về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cho tới nay, đặc biệt nhấn mạnh những ràng buộc khiến Việt Nam không thể phát huy tối đa nội lực và nâng cao hiệu quả hội nhập như kỳ vọng. Các tác giả cũng phân tích về việc Việt Nam tham gia TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Thực tiễn cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, mặc dù có những tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng kỳ vọng về việc phát huy tối đa nội lực từ quá trình hội nhập này đã không thực hiện được. Những lợi ích mà Việt Nam thu được phần lớn chỉ là những lợi ích “tĩnh” của hội nhập, các lợi ích “động” mang tính chất dài hạn chưa được khai thác.
Chương 6, “Lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam” sử dụng mô hình tỷ suất hoàn vốn nội bộ để so sánh điện hạt nhân, địa nhiệt, thủy điện nhỏ, nhiên liệu sinh khối (xử lý yếm khí và hóa gas), năng lượng mặt trời và điện gió. Kết quả cho thấy địa nhiệt và xỷ lý yếm khí nên được tiếp tục khảo sát, tuy nhiên các công nghệ đều có thể đóng vai trò nhất định kể cả những công nghệ điện gió hay năng lượng mặt trời đắt đỏ cũng có thể sử dụng để cấp điện cho các khu vực nằm xa lưới điện quốc gia. Báo cáo chỉ ra Việt Nam thực sự đang đứng trước một ngã ba đường: nên tự do hóa thị trường hơn nữa và chấp nhận giá điện tăng lên để phản ánh chi phí sản suất, hay vẫn theo mô hình kế hoạch hóa và tìm kiếm nguồn đầu tư cần thiết vào năng lượng tái tạo.
Thay cho lời kết, Chương 7 của Báo cáo về “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2014 và khuyến nghị chính sách” đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2014, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2014 như tăng trưởng, lạm phát và khuynh hướng chung của các biến vĩ mô quan trọng khác.
Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2013, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý 1 năm 2014.
Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào đầu tháng 7 năm 2014. Báo cáo tiếng Anh dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 9, phát hành trên thị trường quốc tế.
(Nguồn: VEPR)

 

CHỦ BIÊN: TS. Nguyễn Đức Thành: Nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế Phát triển tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS); chuyên gia về kinh tế vĩ mô; thành viên Nhóm tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Giám đốc kiêm Kinh tế trưởng của VEPR.
NHÓM TÁC GIẢ:
TS. Nguyễn Tiến Dũng: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Phát triển tại Đại học Nagoya, (Nhật Bản); chuyên gia về Kinh tế Quốc tế, về tác động của quá trình hội nhập tới nghèo đói và tăng trưởng. Hiện là giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Kinh tế (UEB), Đại học Quốc gia Hà Nội.
NCS. Phạm Văn Đại: Hiện làNghiên cứu sinh chuyên ngành  Kinh tế Tài chính tại Trường kinh doanh Flinders, Đaị học Flinder, Adelaide (Australia); chuyên gia Ban nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng Hàng Hải (Việt Nam); cộng tác viên của VEPR.
PGS.TS. Hà Văn Hội: Nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế Thế giới và Quan hệ Kinh tế quốc tế tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; chuyên gia về các vấn đề kinh tế và chính trị thế giới. Hiện là Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.Hướng nghiên cứu chính là thương mại quốc tế bao gồm cả thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Vũ Minh Long: Cử nhân danh dự chuyên ngành Tài chính tại Đại học Latrobe (Australia) theo học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là nghiên cứu viên tại VEPR.
TS. Nguyễn Cẩm Nhung: Nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản); giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Kinh tế (UEB), Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS. Lê Kim Sa: Nhận bằng Thạc sỹ Kinh tế tại Đại học Brown (Hoa Kỳ), hoàn thành chương trình đào tạo Nghiên cứu sinh tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ) và Tiến sỹ Kinh tế tại Viện Kinh tế Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam; Phó tổng biên tập Tạp chí Châu Á – Thái Bình Dương.
ThS. Phil Smith: Nhận bằng Thạc sỹ Kinh tế tại Đại học Cardiff (Vương quốc Anh); chuyên gia về Kinh tế Phát triển và Năng lượng; cộng tác viên của VEPR; Giám đốc điều hành tại các công ty Hoshin, Data Hoshin, Studio Hoshin (Vương quốc Anh); chuyên gia tư vấn cho PT Multi-Interdana (Indonesia); chuyên gia về năng lượng sạch cho Tập đoàn One Asia tại Hồng Kông, Indonesia, Sri Lanka và Singapore.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn: Nhận bằng Tiến sĩ về Kinh tế Chính trị tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xcơ-va (Liên bang Nga); chuyên gia về chính sách công và phát triển quốc gia. Hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (UEB), Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngô Quốc Thái: Nhận bằng cử nhân chuyên ngành Kinh tế học Đại học Quốc gia Australia (ANU) theo chương trình chuyển tiếp từ Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế học. Ngô Quốc Thái từng đoạt Giải Bạc sinh viên nghiên cứu khoa học do VEPR tổ chức vào năm 2010. Ngô Quốc Thái hiện là nghiên cứu viên của VEPR.
Hoàng Thị Chinh Thon: Nhận bằng Cử nhân Kinh tế học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội; giảng viên Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; cộng tác viên nghiên cứu của VEPR. Hiện đang theo học tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
TS. Nguyễn Anh Thu: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Phát triển Quốc tế tại Trường Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản); chuyên gia về thương mại quốc tế, tăng trưởng xanh. Hiện là Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Kinh tế (UEB), Đại học Quốc gia Hà Nội.
(Nguồn: VEPR)

 

>>> Các tin liên quan:

Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội: Hội thảo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014

 >>> Các hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ nhất 18/5/2014

 






 Bùi Tuấn - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :