Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
VNU-UED: hướng tới đào tạo chuẩn quốc tế về Tâm lý học đường
Trong khuôn khổ hợp tác với tổ chức Liên hiệp phát triển Tâm lí học đường thế giới (CASP) của Hoa Kỳ, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế về Tâm lý học học đường lần thứ IV vào ngày 14-15/8/2014 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, số 19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học Quốc tế về Tâm lý học học đường lần thứ IV
Tham dự Hội thảo có TS. Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện lãnh đạo, chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước.
PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho biết: Trường ĐH Giáo dục là một trong 7 trường ĐH thành viên của ĐHQGHN – ĐH hàng đầu Việt Nam và là một trong những thành viên tích cực của CASP, Trường luôn đi đầu trong việc ứng dụng Khoa học tâm lý trong giáo dục, đặc biệt trong môi trường giáo dục phổ thông, nhằm hỗ trợ quá trình dạy và học của thầy và trò diễn ra hiệu quả nhất, hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em nói riêng và người học nói chung.
Trường ĐH Giáo dục chú trọng việc phát triển nghề nghiệp của nhà tâm lý chuyên nghiệp trong các cơ sở lao động khác nhau. Để làm được điều đó, quản lý chất lượng đào tạo và thực hành là những hướng đi chiến lược để đảm bảo đào tạo được cho xã hội những người hành nghề một cách chuyên nghiệp, có kĩ năng và tay nghề tốt.
Với 50 báo cáo tham luận bằng tiếng Anh và tiếng Việt, Hội thảo đã đề cập đến các vấn đề hấp dẫn và thiết thực hiện nay như: (1) Kiến thức và kỹ năng của các chuyên viên Tâm lý học đường (TLHĐ) trên thế giới và ở Việt Nam; (2) Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo chính quy về TLHĐ trên thế giới; (3) Các tiêu chí xây dựng chương trình đào tạo chính quy về TLHĐ ở Việt Nam và các phương thức xây dựng; (4) Tiêu chí và cách thức quản lý chất lượng đào tạo; (5) Quy trình xây dựng cơ sở thực hành; (6) Tiêu chí hoạt động của các cơ sở thực hành (trong trường đại học, trường tiểu học, các chương trình truyền hình dành cho trẻ em và các trung tâm dịch vụ ở cộng đồng) và cách thức quản lý chất lượng dịch vụ của các cơ sở thực hành.
Các nhà khoa học trình bày tham luận tại Hội thảo
Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục tin rằng Hội thảo khoa học quốc tế Tâm lý học đường Việt Nam sẽ tạo lập một diễn đàn cho các nhà tâm lý học trong nước và trên thế giới đánh giá những thuận lợi, khó khăn và chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quản lý chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở thực hành tâm lý học học đường đồng thời tăng cường sự hợp tác và phối hợp giữa các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành cũng như những người làm chính sách ở Việt Nam. Hội thảo cũng mang lại cho những nhà nghiên cứu và những ai quan tâm một bức tranh từ tổng quan đến chi tiết nhất về hoạt động tâm lý học đường thế giới và Việt Nam.
Các nhóm nghe và thảo luận xoay quanh các chủ đề của Hội thảo

Một nửa số rối loạn tâm lý bắt đầu xuất hiện ở tuổi 14. Tuy nhiên hầu hết những biến đổi đó đều không được chú ý đến và dẫn tới những vết sẹo tâm lý đi theo cả đời người. Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hàng năm có hơn 100.000 thanh, thiếu niên đã tự đánh mất mạng sống của chính mình. Hơn một nửa trong số đó là phụ nữ. (Theo UNICEF, ngày Quốc tế Thanh niên 12/08 với chủ đề năm nay là “Giới trẻ và sức khỏe tâm thần”).
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của Tâm lý học đường trong ngành Tâm lý học nói chung và rõ ràng, việc thực hành Tâm lý học đường ở trường học thôi chưa đủ. Ở các nước, tâm lý học đường đã rất phát triển nhưng ở Việt Nam, ngành tâm lý mới mẻ này bắt đầu được quan tâm vài năm gần đây.Tâm lý học đường (hay còn gọi là Tâm lý trường học - School Psychology) là một chuyên ngành Tâm lý ứng dụng nhằm thực hiện công tác phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em - thanh thiếu niên trong các lĩnh vực nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội không chỉ ở môi trường học đường, mà những môi trường cần thiết không kém là gia đình và cộng đồng, như các nhà văn hóa, các trung tâm dịch vụ đào tạo cộng đồng hay những chương trình truyền hình dành cho trẻ em…
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành Tâm lí học đường ở Việt Nam, bước đầu gỡ những nút thắt khó khăn và chuyên nghiệp hóa các mô hình hoạt động, Liên hiệp phát triển Tâm lí học đường tại Việt Nam (Consortium to Advance School Psychology - Vietnam: CASP-V) đã được thành lập. Từ năm 2010 đến nay, Liên hiệp đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả: thúc đẩy sự phát triền tâm lí học đường ở Việt Nam như tổ chức tập huấn về hoạt động tham vấn, tư vấn học đường tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ Tâm lí học đường cho các trường đại học ở Việt Nam; tổ chức các chương trình Hội thảo khoa học Quốc tế về Tâm lí học đường cùng một số chương trình tập huấn khác trong các năm tiếp theo. Năm 2013, Liên hiệp đổi tên thành Liên hiệp phát triển Tâm lý học đường Thế giới (Consortium to Advance School Psychology-International: CASP-I), với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển Tâm lý học đường ở nhiều quốc gia khác nhau,  trong đó có Việt Nam.

Tin liên quan:





 Sinh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :