Đến dự Hội nghị tại điểm cầu ĐHQGHN có PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN; ngài Jesper Moller - Phó trưởng Đại diện Văn phòng UNICEF tại Việt Nam.
Tại điểm cầu Trường ĐH Vinh có bà Đinh Thị Lệ Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An; TS. Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh.
Tham dự còn có Đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện các ban, ngành đoàn thể của Trung ương: Bộ Y tế, Trung ương đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp khu vực Miền bắc và đại diện 7 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Hải Phòng cùng đại diện các tổ chức quốc tế.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại nằm gần 1 trong 5 ổ bão lớn của thế giới. Bão tố, lũ lụt hàng năm xảy ra thường xuyên ở hầu hết các vùng trong cả nước, gây những thiệt hại nặng nề cả về người và của cải vật chất. Hàng năm, ngành giáo dục phải gánh chịu những tác hại không nhỏ do thiên tai gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động dạy và học của học sinh và giáo viên.
Làm tốt công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trong cả nước, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ghi nhận trong thời gian qua việc thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định. Công tác truyền thông, giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học đã được thực hiện không chỉ ở trên các phương tiện truyền thông, không chỉ trong các hoạt động chính khóa mà cả ở trong các hoạt động ngoại khóa trong trường học... Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là kế hoạch có ý nghĩa cấp thiết không chỉ riêng với ngành Giáo dục mà còn mang ý nghĩa cấp quốc gia và quy mô toàn cầu.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng yêu cầu sau hội nghị, các đơn vị liên quan triển khai những nội dung sau: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020” và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã trình bày tại Hội nghị báo cáo “Biến đổi khí hậu: thách thức, cơ hội và ứng phó ở Việt Nam; một số hoạt động tiên phong của ĐHQGHN”.
Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động, tổn thương lớn nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Có nhiều thiên tai liên quan tới BĐKH như bão, lũ, lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn... Các ngành sản xuất chính như nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp dễ bị tác động của BĐKH. Khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, tiềm lực kinh tế ở Việt Nam chưa phát triển, còn thấp so với yêu cầu chống lại BĐKH. Do đó, cần có những giải pháp khôn ngoan để ứng phó với BĐKH.
BĐKH là vấn đề của mỗi quốc gia và toàn nhân loại. GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, BĐKH phải giải quyết theo quan điểm: khoa học - thể chế, chính sách - công nghệ; gắn với phát triển bền vững, tư duy toàn cầu, hành động phù hợp với hoàn cảnh địa phương; tổng hợp, liên ngành, liên lĩnh vực; điều phối và tích hợp qua các ngành, địa phương. Đặc biệt, cần đề cao vai trò của ĐH với sứ mạng nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay.
Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, giữ vững vai trò tiên phong trong các hoạt động KHCN và đào tạo phục vụ phát triển bền vững, ĐHQGHN luôn chú trọng xây dựng và phát triển ngành BĐKH (qua nghiên cứu và đào tạo) nhằm ứng phó với BĐKH. Hiện tại, Khoa Sau đại học, ĐHQGHN đã tổ chức đào tạo chuyên ngành Biến đổi khí hậu, bậc đào tạo thạc sĩ, chương trình đã tuyển sinh được 3 khoá và đã đào tạo được 2 khoá.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng tiên phong trong nghiên cứu về BĐKH với các nghiên cứu tiêu biểu như:Khảo sát xu thế và chu kỳ biến đổi của nhiệt độ và lượng mưa trên một số vùng lãnh thổ Việt Nam; Đặc điểm hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực biển Đông - Việt Nam trong mối quan hệ với ENSO và khả năng dự báo mùa; Tác động của biến đổi khí hậu đến biến đổi sử dụng đất và thay đổi sinh kế cộng đồng trên đồng bằng sông Hồng; Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó; Đánh giá năng lực thích ứng đối với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Hồng; Tăng cường năng lực giảm thiểu và thích ứng với địa tai biến liên quan đến môi trường và phát triển năng lượng ở Việt Nam; Phát triển năng lương tái tạo, năng lương sạch như khai thác năng lượng địa nhiệt (geothermal energy, năng lượng sinh học (biodiesel)…
ĐHQGHN tin tưởng với các hoạt động nghiên cứu và chương trình đào tạo về BĐKH, ĐHQGHN có thể biến thách thức thành cơ hội, góp phần hạn chế những tác động của BĐKH, phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng và Phó trưởng Đại diện Văn phòng UNICEF tại Việt Nam Jesper Moller thăm phòng truyền thống của ĐHQGHN
Các vị đại biểu tham dự Hội nghị
Tin liên quan:
|