Hội thảo đã nghe TS. Trịnh Trí Thức - Chủ nhiệm Khoa Triết học trình bày “Báo cáo tổng kết 30 năm đào tạo ở Khoa Triết học”. Báo cáo đã đánh giá công tác đào tạo ở Khoa Triết học 30 năm qua (1976 - 2006) trên các mặt: xác định mục tiêu đào tạo; xây dựng chương trình, nội dung đào tạo; biên soạn giáo trình, bài giảng, sách tham khảo; phương pháp đào tạo; nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo; hợp tác trong đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo. Từ thực tế đào tạo 30 năm qua, báo cáo đã rút ra một số bài học chủ yếu trên các phương diện như xác định mục tiêu đào tạo; hợp tác trong đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo; tổ chức quản lý quá trình đào tạo, nhất là quản lý về mặt nội dung đào tạo.
Báo cáo tổng kết “Công tác nghiên cứu khoa học của Khoa trong 30 năm qua - Thực trạng và giải pháp” do TS. Nguyễn Vũ Hảo - Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học trình bày tại Hội thảo đã nêu ra những thành tựu nổi bật trong công tác NCKH của Khoa, như: việc biên soạn giáo trình, bài giảng phục vụ trực tiếp nhiệm vụ đào tạo của tập thể các thầy giáo, cô giáo của Khoa. Các đề tài nghiên cứu của Khoa trong thời gian gần đây đã đề cập và góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra hiện nay. Công tác nghiên cứu khoa trong học sinh viên cũng có những bước phát triển đáng khích lệ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra trong công tác này như giáo trình bài giảng phục vụ sinh viên chưa được đầu tư nhiều, tình trạng học thiếu nguyên tác vẫn còn một số đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng chưa thật cao, vấn đề sử dụng các phương tiện thiết bị hiện đại vào học tập và giảng dạy đối với giáo viên và sinh viên còn gặp nhiều khó khăn,… Trong giai đoạn 2005 - 2010, Khoa đã xác định 5 hướng đề tài chính cần tập trung:
1. Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam (đặc biệt tập trung vào giai đoạn từ giữa thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, đặc điểm cấu trúc và cơ chế hình thành và phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam, vấn đề thông dung tam giáo...).
2. Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh: lý luận và thực tiễn (những vấn đề bức xúc về lý luận do thực tiễn của đất nước đặt ra như vấn đề xây dựng nhà nước, pháp quyền, vấn đề sở hữu, vấn đề dân chủ, vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo, vấn đề đạo đức...).
3. Triết học phương Tây: Lịch sử và hiện đại (những vấn đề triết học, tư tưởng chính trị và tôn giáo trong lịch sử triết học phương Tây; các trào lưu triết học, tôn giáo, xã hội học, chính trị học phương Tây đương đại, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngoài mácxít đương đại...).
4. Triết học phương Đông: Lịch sử và hiện đại (các tư tưởng triết học Châu Á, nhất là của Trung Hoa và Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Triều Tiên..., các vấn đề trong triết học phương Đông đương đại…)
5. Biên soạn các giáo trình, bài giảng, các sách công cụ, sách hướng dẫn, các sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách chuyên đề cho đào tạo đại học và sau đại học
Hội thảo tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, nghiên cứu và giảng dạy lâu năm trong lĩnh vực triết học cũng như các nhà lãnh đạo, quản lý xoay quanh các vấn đề như cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu một cách nghiêm túc về các tác phẩm của Mác - Ăngghen - Lênin cũng như mở ra các hướng nghiên cứu mới, ảnh hưởng của các triết gia đương đại đối với triết học hiện nay; cần phải biên soạn nhiều đầu sách, giáo trình, bài giảng phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy; đặc biệt phải chú ý công tác đào tạo và sử dụng cán bộ.
|