Sản phẩm nhiều tính mới Sự phát triển của kinh tế, xã hội và công nghệ, sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của mọi người nói chung và trẻ em nói riêng ngày càng được nâng cao và chú trọng hơn. Liên quan đến sức khỏe tâm thần có rất nhiều vấn đề mà thanh niên gặp phải: các vấn đề về mặt cảm xúc – hành vi, khó khăn liên quan đến học tập, định hướng nghề nghiệp, các mối quan hệ, v.v. Giao diện ứng dụng Tư vấn Tâm lý học đường Một bài nghiên cứu trước đó đã chỉ ra: có 71,1% tổng số khách thể nghiên cứu đã chọn mức “rất cần thiết” khi được hỏi về nhu cầu tham vấn trong học tập; 35,8% trong lĩnh vực về bản thân và 29,2% trong mối quan hệ với bạn bè, v.v. Khi được khảo sát về mong muốn nhà trường có phòng tư vấn tâm lý, 56,7% tổng số khách thể đã lựa chọn “thường xuyên đến xin ý kiến chuyên gia về các vấn đề của mình”. Trong một nghiên cứu tại Úc khảo sát thái độ của cộng đồng trong việc sử dụng điện thoại di động để theo dõi và quản lý trầm cảm, lo âu và stress; kết quả chỉ ra rằng: 76% khách thể báo cáo rằng họ quan tâm đến việc sử dụng điện thoại di động để theo dõi sức khỏe tâm thần và tự quản lý nếu dịch vụ này miễn phí, đảm bảo các quy định về riêng tư và an toàn. Ứng dụng Tâm lý học đường được ra đời dựa trên những thực trạng trên. Nhằm giải đáp phần nào những khó khăn về vấn đề của các bạn học sinh một cách khách quan và khoa học. Ứng dụng này cho phép người sử dụng kiểm tra được những vấn đề tâm lý mà đang gặp phải, sau đó tổng kết mức độ và đưa ra lời khuyên có nên đến gặp bác sĩ tâm lý hay không. Trong ứng dụng cũng có tích hợp thêm những địa chỉ của các chuyên gia tâm lý theo từng khu vực như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… Điểm khiến ứng dụng này thu hút người sử dụng là sự chi tiết trong các câu hỏi và những câu trả lời cụ thể, sát với những tình trạng mà người dùng đang gặp phải. Sự tích hợp giữa tư vấn tâm lý kết hợp với việc sử dụng ngôn ngữ lập trình của công nghệ thông tin đã mang đến một ứng dụng hỗ trợ tương đối khách quan đối với những vấn đề tâm lý học đường mà hiện nay đa số học sinh trung học đều gặp phải. Tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cung cấp ứng dụng/ phương tiện tư vấn tâm lý thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tác giả của một sản phẩm sáng tạo Để có được một ứng dụng như trên, sinh viên Hoài Phương đã cùng với giáo viên hướng dẫn của mình có một quá trình nghiên cứu hết sức khoa học. Trao đổi với tác giả đề tài nghiên cứu, Phương nhấn mạnh: “Tuy có rất nhiều lý do để chọn đề tài này, nhưng lý do lớn nhất khiến mình chọn nó là do chịu ảnh hưởng từ giáo viên hướng dẫn - TS. Trần Văn Công. Thứ hai là xuất phát từ việc quan sát cuộc sống, mình thấy có nhiều học sinh gặp khó khăn và không dễ để có sự trợ giúp (khó khăn ở đây là việc các em cảm thấy ngại khi đến gặp trực tiếp các chuyên gia tâm lý), trong khi đó ứng dụng trên điện thoại rất tiện ích và chưa được khai thác nhiều trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam”. Cô cho biết thêm: “Các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy bên cạnh việc gặp trực tiếp người hỗ trợ như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý, v.v., học sinh còn có nhu cầu được tư vấn tâm lý thông qua các phương tiện công nghệ như email, thư từ, điện thoại. Nghiên cứu của tác giả Bùi Thị Thanh Diệu (2014) cho thấy tham vấn qua email, thư từ là hình thức được các em học sinh lựa chọn nhiều nhất để tham vấn. Trong bối cảnh xã hội thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng của công nghệ vào tư vấn tâm lý đang thu hút nhiều sự quan tâm.” Nội dung chính của bài nghiên cứu là xây dựng một ứng dụng nhằm đánh giá, tư vấn và hỗ trợ tâm lí cho học sinh trung học trên điện thoại thông minh. Trong quá trình thực hiện đề tài, khó khăn lớn nhất tác giả gặp phải là việc tìm lập trình viên, sau đó là đến tài chính và áp lực về thời gian. Tuy nhiên những khó khăn trên không thể cản bước được cô nàng. Phương kể lại mình đã cố gắng tận dụng hết những mối quan hệ xã hội để có thể tìm được lập trình viên đồng hành cùng mình và khá may mắn khi bạn ấy nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình và giảng viên hướng dẫn về cả mặt tinh thần lẫn tài chính, v.v. Đến cuối cùng, sau bao nhiêu nỗ lực thì cả thầy và trò cũng nhận được trái ngọt. Khi thực hiện đề tài, Phương đã đi theo một trình tự logic, nghiên cứu được tiến hành dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về các khó khăn tâm lý mà học sinh Trung học phổ thông hiện nay thường gặp. Công cụ đo đạc có độ tin cậy cao và đã được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, thiết lập được điểm chuẩn để xác định các khó khăn tâm lý xã hội ở học sinh Trung học phổ thông. Xây dựng nền tảng ứng dụng điện thoại trên nền tảng hệ điều hành Android. Tâm lý học đường đang là vấn đề được quan tâm của nhiều Trường Phổ thông Hiện nay, ứng dụng đã hoàn thành và đưa lên cửa hàng ứng dụng Google Play với tên gọi “Tư vấn tâm lý học đường”. Phản hồi của người dùng về ứng dụng là khá tốt, đặc biệt với thông tin mà ứng dụng cung cấp. Các chuyên gia cho rằng nội dung của ứng dụng là khá ổn tuy nhiên còn chưa sâu. Họ cũng góp ý rằng có thể yêu cầu người dùng trả giá theo mức độ nhận lời khuyên, lời khuyên càng chi tiết, cung cấp nhiều thông tin sẽ càng có giá cao hơn. Đối với nhóm học sinh, các em cho rằng nội dung của ứng dụng dễ hiểu, tuy nhiên cần giảm lượng chữ và thay thế bằng các hình ảnh, màu sắc cần tươi sáng hơn. Giáo viên hướng dẫn Phương là TS. Trần Văn Công. Nhắc đến thầy, cô chia sẻ: “Trước hết, thầy là người truyển cảm hứng cho mình làm nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện đề tài này, thầy đã định hướng và dạy mình rất nhiều về những điều mình cần để có thể làm nó: về phương pháp nghiên cứu, về cách xử lý số liệu, v.v. Không chỉ vậy thầy còn là một trong những người trợ cấp tài chính cho đề tài. Thầy đã thực hiện và hướng dẫn rất nhiều sinh viên làm nghiên cứu, số đề tài liên quan đến khó khăn tâm lý của học sinh trung học cũng rất nhiều. Vì vậy, đó là nguồn tài liệu lớn mình có thể tham khảo để hiểu thêm về các vấn đề tâm lý mà học sinh ngày nay đang gặp phải”. Nhận xét về bài nghiên cứu, TS. Trần Văn Công cho biết các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên trong lĩnh vực tâm lý - giáo dục đã đề cập ít nhiều đến các khó khăn tâm lý - xã hội của học sinh. Tuy vậy, một đề tài xây dựng thang đo mới, đo đạc khá toàn diện các vấn đề ở học sinh là khá mới và công phu. Đề tài khoa học bên lĩnh vực công nghệ với kết quả là các ứng dụng (app) hay phần mềm có thể sử dụng được ngay là khá phổ biến. Tuy vậy, đề tài của sinh viên làm về tâm lý - giáo dục lại có kết quả là ứng dụng điện thoại là độc đáo, hiếm có và rất đáng ghi nhận. Ứng dụng điện thoại (Tâm Lý Học Đường trên Android) là sản phẩm của quá trình nghiên cứu cầu kỳ, nghiêm túc và mang tính khách quan, khoa học cao. Vẫn ấp ủ dự định tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu của mình trong tương lai. Cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Phương luôn muốn mở rộng phạm vi của đề tài và đi sâu hơn vào định hướng nghề nghiệp. Đây cũng là một vấn đề đau đầu không chỉ với các bậc phụ huynh mà cả với những lứa học sinh. - Trần Văn Công, Nguyễn Thị Hoài Phương (2017), Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, Kỷ yếu hội thảo khoa học Tâm lý học và sự phát triển bền vững con người trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, ISBN: 978-604-73-5736-9, tr.224. |
|