Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Kế hoạch triển khai dự án tăng cường năng lực giảm thiểu, thích ứng với địa tai biến liên quan đến môi trường và phát triển năng lượng ở Việt Nam
Ngày 16/12/2008, Trường ĐHKHTN đã tổ chức Hội thảo về kế hoạch triển khai chương trình tổng thể và chi tiết dự án tăng cường năng lực giảm thiểu, thích ứng với địa tai biến liên quan đến môi trường và phát triển năng lượng ở Việt Nam năm 2008 - 2009.

Chủ trì dự án là ĐH Quốc gia Hà Nội. Các đối tác tham gia có Công ty Xây dựng Điện I, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội, Viện Kỹ thuật Na Uy, Ủy ban các nguồn tài nguyên nước và năng lượng Nauy.

Tham dự hội thảo có GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS Bùi Duy Cam - Hiệu trưởng ĐHKHTN cùng đại diện lãnh đạo Ban Khoa học Công nghệ, Ban Quan hệ Quốc tế và đại diện các đối tác.

Dự án đã tiến hành tổng hợp tài liệu nghiên cứu về địa tai biến đã có trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Các khu vực tập trung nghiên cứu chính là thủy điện Cửa Đạt (Thanh Hóa), TP Hà Nội, và các huyện ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng. Tổng số vốn đầu tư vào dự án là 2,3 triệu USD bao gồm vốn ODA và vốn đối ứng.

Mục tiêu dài hạn của dự án hướng đến việc tăng cường năng lực và xây dựng đội ngũ chuyên gia của Việt Nam có trình độ cao về địa tai biến; hình thành nhóm nghiên cứu có trình độ quốc tế; cung cấp luận chứng cơ sở khoa học, quy trình nghiên cứu, đánh giá giảm nhẹ địa tai biến ở các khu vực nhà máy thủy điện, thành phố và đới ven biển Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; góp phần tăng cường giao lưu hợp tác khoa học, giáo dục, văn hóa giữa Việt Nam và Nauy.

Mục tiêu ngắn hạn của dự án làm sáng tỏ nguyên nhân, cơ chế tác động và mức độ ảnh hưởng của các tai biến trượt lở, lũ lụt, xói lở bờ biển, sụt lún mặt đất và động đất ở các khu vực (thủy điện Cửa Đạt, TP Hà Nội, đới ven biển đồng bằng sông Hồng); có quy trình công nghệ điều tra, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các tai biến địa chất; đề ra các giải pháp phòng chống thích hợp; đánh giá tính khả thi của mô hình cảnh báo sớm các tai biến lũ lụt trượt lở và lũ bùn đá; nâng cao trình độ của cán bộ Việt Nam về lĩnh vực này.

Kết quả chủ yếu của dự án là tăng cường năng lực nghiên cứu, hướng dẫn triển khai công tác cụ thể và trao đổi kinh nghiệm giữa nhà khoa học Na uy và Việt Nam về nghiên cứu, đánh giá, dự báo, phòng tránh và giảm nhẹ các tai biến địa chất; cơ sở khoa học và dữ liệu có thể đưa lên trang web về các địa tai biến trượt lở, lũ lụt, xói lở bờ biển sụt lún tại ba khu vực trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, đánh giá dự báo và giảm nhẹ tai biến này ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; công trình, tài liệu, hướng dẫn khoa học và kết quả khác thu được từ dự án được chuyển giao cho cơ quan hữu quan. 

 Lưu Thị Vân - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :