Tới dự buổi tọa đàm, ngoài cán bộ lãnh đạo Nhà trường, sinh viên, cựu sinh viên những người đã tham gia học tập trong chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao kinh tế đối ngoại còn có rất nhiều nhà tuyển dụng, giám đốc các doanh nghiệp đến từ: Tập đoàn Gami, Tập đoàn AON, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Handico, Công ty cổ phần tầm nhìn Đại Việt, Công ty cổ phần đầu tư PV - Inconess, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng An Bình…
|
|
Tại buổi tọa đàm, một số tham luận đánh giá tổng quát về khung chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao kinh tế đối ngoại đã được trình bày… Trong bản tham luận về “Khung chương trình đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao ngành kinh tế đối ngoại”, TS. Khu Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế nhấn mạnh: "Chương trình đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại được soạn thảo theo hướng đáp ứng tốt nhất mục tiêu đặt ra là: đào tạo những sinh viên giỏi, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế đối ngoại cho xã hội. Song chương trình vẫn phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các đơn vị trực tiếp sử dụng sản phẩm đào tạo. Vì vậy: cần chú ý bổ sung những môn học mới để đảm bảo sự cân đối giữa các khối kiến thức, những môn học góp phần trang bị kỹ năng cần thiết cho sinh viên, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhà tuyển dụng…”.
Với tư cách là một người lãnh đạo, tuyển và sử dụng các sinh viên của chương trình đã tốt nghiệp, TS. Đào Minh Phúc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận xét: “Nhìn chung chất lượng của các sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân chất lượng cao là tương đối tốt so với sinh viên của Nhà trường trong nhiều năm qua. Các em đã biết nắm bắt, tiếp cận và xử lý công việc nhanh, có khả năng tổng hợp, phân tích, nghiên cứu, không thụ động và khá độc lập, đã có những sáng tạo nhất định trong công việc và có trình độ ngoại ngữ tương đối vững - đây là nét đặc trưng so với sinh viên ở các đơn vị đào tạo khác như Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân hay Đại học Ngoại thương. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo Trường ĐHKT cần cập nhật thông tin nhiều hơn về nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động, có sự điều chỉnh nhanh chóng, hợp lý về nội dung đào tạo để sinh viên luôn tin tưởng và khẳng định được mình khi tốt nghiệp”.
|
|
Cùng chung quan điểm trên, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự tọa đàm đều nhất trí rằng: cần thiết phải gắn chặt nhu cầu của doanh nghiệp với đào tạo, sản phẩm đào tạo ra phải đáp ứng cao nhất đòi hỏi của thực tế. Bà Trần Thị Hoàng Lan - Giám đốc điều hành Tập đoàn AON cho rằng: Các kỹ năng mềm như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tổ chức, điều hành công việc, quản lý hồ sơ… là hết sức cần thiết đối với sinh viên trước khi tìm kiếm việc làm. Những kỹ năng này Nhà trường có thể đào tạo cho sinh viên trong những chương trình ngoại khóa, ngoài giờ, thậm chí tổ chức thu phí để đào tạo cho họ.
Thay mặt lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế, Phó Hiệu trưởng TS. Nguyễn Ngọc Thanh đã phát biểu cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắng, chân thành từ các đại biểu và nhấn mạng: Những ý kiến này sẽ là gợi ý thiết thực cho Ban quản lý dự án “Chương trình cử nhân kinh tế đối ngoại chất lượng cao” tiếp tục điều chỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng của chương trình.
Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên HANDICO trao tặng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN 50 bộ mũ áo cử nhân. Đây là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Công ty đối với sự nghiệp "trồng người" của nhà trường.
|