Đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt khi đang diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Diễn đàn lần này có các hoạt động chính: Hội thảo giáo dục đại cương: “Giảng dạy kinh điển trong các đại học Đông Á; Hội thảo sinh viên: “Nhận thức và ứng xử của sinh viên đối với môi trường đô thị”;Tham gia Hội thảo khoa học: “Phát triển thủ đô Hà Nội, văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”; Gặp gỡ và thảo luận của lãnh đạo BESETOHA.
* Sáng 7/10, Hội thảo giáo dục đại cương: “Giảng dạy kinh điển trong các đại học Đông Á đã diễn ra với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học 4 đại học chủ chốt Đông Á.
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN |
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN – nhấn mạnh, việc đẩy mạnh giảng dạy kinh điển trong giáo dục đại học là một sáng kiến đầy ý nghĩa, đặc biệt trong xu thế chung của thế giới đều lấy phát triển dựa vào đại học làm giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, một xu hướng khác đang được nhân rộng là việc các trường đại học, đại học có nhiều đặc điểm tương đồng liên kết tạo thành các mạng lưới để đẩy mạnh hơn nữa vai trò của giáo dục đại học trong việc hoạch định chính sách, đưa ra các giải pháp thông minh, cùng giải quyết những vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu.
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, giáo dục đại cương được coi là lĩnh vực tiên phong trong hợp tác của 4 đại học chủ chốt Đông Á. Với nhiều nét tương đồng về văn hóa, mỗi nước đều có những kho tàng phong phú những tác phẩm kinh điển giá trị, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, cần thiết phải chắt lọc những tác phẩm tinh túy nhất để tập hợp thành tài liệu chung phục vụ giảng dạy và nghiên cứu trong các đại học BESETOHA.
Tại hội thảo, các nhà khoa học trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu trong việc tăng cường, nâng cao hiệu quả việc giảng dạy kinh điển trong trường đại học. Đặc biệt, những ý kiến thảo luận nhằm tìm ra những điểm tương đồng để từ đó các đại học chủ chốt Đông Á cùng hợp tác, hỗ trợ trong việc giảng dạy kinh điển.
Cũng trong sáng 7/9, sinh viên 4 đại học chủ chốt Đông Á tập trung thảo luận xung quanh chủ đề: “Nhận thức và ứng xử của sinh viên đối với môi trường đô thị” với một số nội dung chính như: mối liên hệ giữa môi trường và an ninh; giao thông đô thị, các phương pháp giảm thiểu ô nhiễm ôzôn tầng thấp ở Bắc Kinh; ô nhiễm bụi ở Hà Nội; giải pháp giao thông cho người đi bộ trong những khu vực dân cư đông đúc; chính sách đô thị ở Nhật Bản…
|