- Ấn tượng lớn nhất của anh trong ngày kỷ niệm thành lập Đoàn 26/3?
Tôi nhớ nhất khi tôi học năm thứ 2, BCH Đoàn Trường ĐHKHXH&NV tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đoàn ở dãy nhà A. BCH có hoạt động: dựng hội trại, tổ chức đêm liên hoan văn nghệ. Lúc ấy, tôi mới cảm nhận hết được sức mạnh của Đoàn. 26/3 đem lại tinh thần đoàn kết, làn sóng của 26/3 đã thôi thúc tôi, quấn tôi đi theo. Có lẽ từ đó, tôi thấy gắn bó với hoạt động của Đoàn trường, tính đến nay đã được tròn 10 năm.
- Những hoạt động chính của Đoàn trường KHXHXH&NV để chào mừng Tháng Thanh niên?
Trong Tháng Thanh niên, Đoàn trường có một chuỗi hoạt động để hướng tới ngày thành lập Đoàn 26/3. Có ba hoạt động nổi bật: 1. Cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm giáo dục Chính trị - Tư tưởng hướng đến cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 2. Liên hoan tiếng hát sinh viên 4 trường do Hội sinh viên đăng cai. 3. Chương trình chuẩn bị hội trại ĐHQGHN vào 28, 29/3.
- Người thủ lĩnh Đoàn có vai trò như thế nào trong việc khuấy động phong trào chung, theo anh?
Thủ lĩnh Đoàn phải hòa đồng vào các hoạt động chung. Thủ lĩnh Đoàn phải bỏ cái mác quan chức đi mới gần gũi được mọi người, đi sâu đi sát để hiểu được các bạn Đoàn viên của mình. Đoàn vẫn là tổ chức chính trị nên vẫn phải có kỷ cương, vẫn phải nghiêm khắc để quản lý có hiệu quả.
Thủ lĩnh Đoàn là đầu tầu khởi xướng mọi hoạt động của Đoàn. Vạn sự khởi đầu nan, vì vậy người thủ lĩnh phải lăn lộn, phải suy nghĩ, phải hòa mình vào từng hoạt động, để làm gương cho mọi người làm theo, xóa bỏ rào cản tâm lý của các Đoàn viên.
- Anh có thể kể tên một số người đã trưởng thành từ hoạt động Đoàn Trường ĐHKHXH&NV?
PGS.TS Đinh Hường - Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ 1 hiện là Trưởng ban Tuyên huấn của Đảng ủy, Trưởng khoa Báo chí Trường ĐHKHXH&NV.
PGS.TS Kim Sơn - Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ 2 - hiện là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Trường.
Lại Quốc Khánh - Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ 3 - hiện là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Chính trị, Trường ĐHKHXH&NV.
Trần Văn Kham - Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ 4 - hiện đang đi du học ở nước ngoài.
- Khi khởi xướng một chương trình hoặc một hoạt động Đoàn theo anh yếu tố nào là quan trọng nhất?
Một hoạt động thực sự bổ ích phải được xây dựng trên hai tiêu chí; kinh phí triển khai và cơ chế tiến hành. Quan trọng là hoạt động Đoàn phải đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên. Người cán bộ Đoàn là người định hướng nhu cầu đó. Cán bộ Đoàn phải có mặt tuyên truyền ở những khâu cần thiết để Đoàn viên hiểu được ý nghĩa, tác dụng của từng hoạt động.
- Những khó khăn hay vấp phải khi triển khai những hoạt động Đoàn?
Thuận lợi của hoạt động của Đoàn trường ĐHKHXH&NV luôn được Đảng ủy BGH Nhà trường ủng hộ. Bên cạnh đó, Đoàn vẫn gặp một số khó khăn:
1. Trong quá trình tổ chức khó khăn nhất là liên kết với các tổ chức bên ngoài để hoạt động. Vì Đoàn vẫn là một tổ chức chính trị. Cần có một nguyên tắc để tạo cầu nối cho Đoàn có thể liên kết với tổ chức bên ngoài.
2. Đội ngũ cán bộ Đoàn kế cận thì không được bồi dưỡng thường xuyên. Thường đến từ năm thứ 3 ĐH, những cán bộ Đoàn mới thực sự khẳng định được khả năng của mình. Nhưng năm cuối thì sinh viên học chương trình căng, thực tập, thực tế nhiều nên có ít thời gian triển khai hoạt động Đoàn. Nếu đơn vị Đoàn cơ sở không tìm, bồi dưỡng các người kế nhiệm thì hoạt động của Đoàn không có người triển khai, thực hiện.
3. Hiện nay, Đoàn Hội chưa phân rõ vai trò, CLB tổ đội nhóm hoạt động chưa ổn định, chưa lôi kéo được Đoàn viên, sinh viên tham gia. Đoàn, Hội vẫn gặp khó khăn trong cơ chế và kinh phí. Trong quá trình phối hợp đồng tổ chức các hoạt động Đoàn với doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài không phải trường nào cũng có tiềm năng như nhau. Các doanh nghiệp sẽ chú ý đến các trường có khối kỹ thuật, kinh tế nhiều hơn hơn là các trường thuộc khối ngành xã hội như trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- BCH Đoàn cần làm gì để khắc phục khó khăn đó?
Cần phải phân chia vị trí của tổ chức Đoàn và Hội sinh viên. Tổ chức Đoàn tư vấn về chính trị - tư tưởng, nghĩa là đi vào chiều sâu. Việc lôi kéo đông đảo các bạn Đoàn viên tham gia là nhiệm vụ của Hội Sinh viên. Nên có cơ chế thoáng hơn, tổ chức các hoạt động theo mô hình câu lạc bộ, nhóm sở thích, xây dựng tổ đội nhóm để các bạn hứng thú tích cực tham gia.
Tổ chức Đoàn cần chọn những thủ lĩnh thực sự hứng thú, đam mê và nhiệt huyết với công tác Đoàn. Khi chọn được người có đầy đủ tố chất đảm đương được trách nhiệm thì tổ chức Đoàn phải “dung dưỡng giáo dục” nhằm phát triển hơn nữa khản năng của họ nhưng “giáo dưỡng” phải đi trước. Muốn cán bộ toàn tâm với công tác Đoàn phải có nỗ lực từ hai phía: Tổ chức Đoàn và bản thân chính cán bộ trong tổ chức đó. Tổ chức Đoàn nên tạo điều kiện để họ có thể khẳng định năng lực, khả năng cống hiến.
Bên cạnh đó, phải PR cho chuyên ngành đào tạo của trường. Sản phẩm đào tạo (sinh viên tốt nghiệp) được xã hội công nhận. Phải làm thay đổi nhận thức chung của một lớp người dân và chứng tỏ rằng sinh viên xã hội ra trường làm được tốt và thành công trên đúng lĩnh vực ngành nghề được đào tạo. Bên cạnh đó, đội ngũ này đang góp phần to lớn vào xây dựng và phát triển kinh tế xã hội đất nước
- Làm thế nào để xây dựng một tổ chức Đoàn mang đậm bản sắc của một trường nhân văn, theo anh?
Phải có hoạt động liên quan đến chuyên ngành của trường, ví dụ cuộc thi học tâp và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đoàn trường đầu tư triển khai và làm thực chất. Những kỹ năng về chuyên môn phải được đẩy mạnh trong từng hoạt động. Đồng thời, phải giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên vốn là định hướng, chủ trương nhằm xây dựng phong cách của xã hội nhân văn.
- Để nói một câu ngắn gọn và khái quát nhất về những thành tích mà Đoàn Trường ĐHKHXH&NV đã làm được, anh nói gì?
Theo tôi, cần lấy những thành tích đã đạt được làm động cơ thúc đẩy phong trào của Đoàn trường nhằm tiếp nối truyền thống của phong trào trong những nhiệm kỳ trước. Không được phép hài lòng với những gì đã đạt được, phải luôn luôn đổi mới quan điểm, tư duy, cách nhìn và hướng về phía trước để vững bước đi tiếp.
|