Từ hành trình gắn bó với ĐHQGHN, những đóng góp trong đào tạo, nghiên cứu đến góc nhìn chiến lược về vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng môi trường học thuật, bà không chỉ thể hiện trách nhiệm của người đảng viên mà còn truyền cảm hứng về một thế hệ trí thức trẻ bản lĩnh, sáng tạo và dấn thân.
Dấu mốc quan trọng cho một giai đoạn phát triển mới
![]() |
GS.TS Đặng Hoàng Minh |
Mở đầu cuộc trao đổi, GS.TS Đặng Hoàng Minh khẳng định, Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VII là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với tổ chức Đảng mà còn là bước định hướng phát triển toàn diện của toàn ĐHQGHN trong thời gian tới.
Theo bà, đây là dịp để đánh giá những thành tựu và hạn chế trong nhiệm kỳ 2020-2025, từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược cho chặng đường phát triển tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Một điểm nhấn quan trọng của Đại hội là việc bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là lực lượng lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để cụ thể hóa các chủ trương, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược, phát huy vai trò đầu tàu của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia.
Bà khẳng định: “ĐHQGHN cần tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức hàng đầu, đồng thời là mô hình mẫu về quản trị đại học, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế”.
Hạt nhân dẫn dắt môi trường học thuật tiên phong
Là một đảng viên lâu năm, GS.TS Đặng Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức Đảng trong xây dựng môi trường học thuật chất lượng cao. Theo bà, Đảng bộ các cấp tại ĐHQGHN không chỉ quán triệt và thực thi các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, mà còn có vai trò cụ thể hóa, tích hợp các định hướng chính trị vào chiến lược phát triển học thuật, khoa học và đào tạo.
“Đảng bộ giữ vai trò định hướng và kiến tạo tầm nhìn, không chỉ trong quản lý mà cả trong việc xây dựng văn hóa học thuật - nơi đề cao sự trung thực, khách quan, sáng tạo, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau”, GS.TS Đặng Hoàng Minh chia sẻ.
Không dừng lại ở định hướng chiến lược, tổ chức Đảng còn trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo các hoạt động chuyên môn như: xây dựng chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng nghiên cứu, phát triển đội ngũ giảng viên, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển và cống hiến – cũng là giá trị mà tổ chức Đảng không ngừng vun đắp tại ĐHQGHN.
![]() |
Dấu ấn khoa học gắn với tâm huyết giáo dục và trách nhiệm cộng đồng
Trong suốt hơn hai thập niên gắn bó với ĐHQGHN, GS.TS Đặng Hoàng Minh đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng và sức khỏe tâm thần trẻ em - một lĩnh vực tuy còn mới tại Việt Nam nhưng đang dần khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội.
Năm 2006, bà cùng GS.TS Bahr Weiss (ĐH Vanderbilt, Hoa Kỳ) đồng chủ trì dự án “Phát triển hạ tầng về khoa học tâm lý lâm sàng tại Đông Nam Á”, được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ. Đây là nền tảng để ĐHQGHN mở chương trình Thạc sĩ đầu tiên về Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên (năm 2009) và sau đó là chương trình Tiến sĩ cùng chuyên ngành (năm 2016) – đánh dấu mốc tiên phong trong đào tạo chuyên gia tâm lý lâm sàng tại Việt Nam.
Các chương trình này đã không chỉ đào tạo ra lực lượng nòng cốt cho ĐHQGHN mà còn lan tỏa ra cả nước. Nhiều đơn vị khác đã mở chương trình đào tạo tương tự với đội ngũ giảng viên từng học tại ĐHQGHN. Đây là minh chứng sống động cho sức lan tỏa học thuật và đóng góp vào việc xây dựng mạng lưới chuyên gia quốc gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động đào tạo, GS.TS Đặng Hoàng Minh cùng nhóm nghiên cứu “Tâm lý học lâm sàng” đã thực hiện nhiều công trình có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại Việt Nam.
Năm 2012, nhóm đã tiến hành nghiên cứu dịch tễ học với mẫu đại diện quốc gia đầu tiên về sức khỏe tâm thần trẻ em - một công trình khoa học mang tính nền tảng, cung cấp những bằng chứng quan trọng phục vụ cho việc hoạch định chính sách cũng như thiết kế hệ thống dịch vụ can thiệp và hỗ trợ.
Tiếp nối thành công đó, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào trường học, dành cho học sinh tiểu học - một mô hình lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, đánh dấu bước đi tiên phong trong việc đưa dịch vụ tâm lý học đường vào môi trường giáo dục phổ thông.
Gần đây nhất, nhóm tiếp tục thử nghiệm mô hình trị liệu trầm cảm dựa vào chánh niệm tại các chùa, theo hướng chuyển giao nhiệm vụ cho phật tử và các tu sĩ để trực tiếp thực hiện trị liệu nhóm. Đây là một mô hình hoàn toàn mới không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, mở ra cách tiếp cận cộng đồng sáng tạo, linh hoạt trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.
![]() |
Khi nhìn nhận lại hành trình phát triển của ĐHQGHN, GS.TS Đặng Hoàng Minh cho rằng, thành công trong đào tạo và nghiên cứu là sự kết tinh của nhiều yếu tố cốt lõi. Trước hết, đó là sự đổi mới liên tục về chương trình và phương pháp giảng dạy, theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính cập nhật và phù hợp với yêu cầu xã hội. Bên cạnh đó, việc chú trọng phát triển và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, chuyên gia đầu ngành - những người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tầm nhìn - là một điểm nhấn quan trọng. ĐHQGHN cũng đi đầu trong công tác kiểm định chất lượng, xây dựng các cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế để nâng cao vị thế học thuật. Cùng với đó, ĐHQGHN đã chủ động hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đầu tư cho các viện nghiên cứu, tạo nền tảng vững chắc cho khoa học phát triển có chiều sâu và ứng dụng thực tiễn. Cuối cùng, việc tăng cường hợp tác quốc tế không chỉ giúp mở rộng cơ hội học thuật mà còn thúc đẩy việc tích hợp hiệu quả giữa đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao, từ đó đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Những yếu tố này đã góp phần củng cố vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học và tạo ra những mô hình kiểu mẫu cho đổi mới giáo dục tại Việt Nam.
Kỳ vọng cho tương lai
Nói về kỳ vọng cá nhân, GS.TS Đặng Hoàng Minh tin tưởng rằng Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VII sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới với nhiều quyết sách mang tính đột phá.
Bà kỳ vọng ĐHQGHN sẽ tiếp tục đổi mới quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo, gắn với trách nhiệm phụng sự cộng đồng, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ và cạnh tranh ngày càng lớn giữa các cơ sở giáo dục đại học.
![]() |
“Chúng tôi kỳ vọng Đảng bộ sẽ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, đồng thời tạo động lực để mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh phụng sự của mình”, bà nhấn mạnh.
Trước thềm Đại hội, GS. Đặng Hoàng Minh mượn lời bài thơ “Bài ca chúc Tết thanh niên” của Phan Bội Châu để gửi gắm thông điệp đặc biệt đến thế hệ trí thức và đảng viên trẻ:
“Nhật nhật tân, hựu nhật tân”
“Ghé vai vào gánh vác cựu giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan”
Bà mong muốn thế hệ trẻ hôm nay không ngừng học hỏi, đổi mới từng ngày, mạnh dạn đảm nhận vai trò lãnh đạo và phụng sự xã hội bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự trung thực học thuật. Đó cũng là cách để mỗi người góp phần đưa ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong - vì một nền giáo dục đại học đổi mới, hội nhập và phục vụ sự phát triển của đất nước.