Tại buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Văn Khánh đã giới thiệu đôi nét về tình hình đào tạo của Trường, đặc biệt là các ngành nghiên cứu về châu Á. Ông cũng nói thêm rằng từ lâu, Nhà trường đã có dự định mở ngành nghiên cứu chuyên về khu vực Trung Đông nhưng do chưa đủ điều kiện về cán bộ, tài liệu nên hiện nay đây mới chỉ là một nhánh nghiên cứu nhỏ trong bộ môn Ấn Độ và Tây Á của Khoa Đông phương học. Thời gian qua, Đại sứ quán Cộng hoà Iran tại Việt Nam đã giúp đỡ Nhà trường xây dựng Phòng Iran để trưng bày một số hiện vật, tranh ảnh, sách dịch, truyện dân gian để giới thiệu về đất nước, con người, văn hoá Iran vốn còn hết sức mới mẻ đối với sinh viên. Nhà trường rất vui mừng nếu mối quan hệ này được tiếp tục mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Đáp lại, ông Hussein M. Abdullahi đề xuất tổ chức một số hoạt động hợp tác cụ thể cho hai bên: Một là trao đổi sinh viên và giáo sư giữa hai bên; Hai là tổ chức các đoàn gồm các giảng viên, sinh viên đến thăm hai nước để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; Ba là tổ chức hội thảo về mối quan hệ giữa Việt Nam - Iran, về nền văn minh, văn hoá hai nước; Bốn là mở các khoá dạy tiếng Ba Tư ở Việt Nam và dạy tiếng Việt Nam ở Iran; Năm là tổ chức dịch sách về văn hoá, lịch sử hai nước sang tiếng Ba Tư và Việt Nam; Sáu là phối hợp tổ chức xuất bản một cuốn tạp chí nhỏ về bất kỳ lĩnh vực nào mà hai bên cùng quan tâm. Ông Hussein M. Abdullahi khẳng định Đại sứ quán Iran tại Việt Nam sẽ ủng hộ về mọi mặt cho các hoạt động trên.
Sau khi bàn bạc, hai bên đã đi tới thống nhất: việc dịch sách và tổ chức hội thảo sẽ được xúc tiến trước tiên trong năm tới. Hai bên cũng sẽ chuẩn bị biên bản ghi nhớ các hoạt động và kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác làm cơ sở cho việc thực thi sau này. Theo lời mời của PGS. TS. Nguyễn Văn Khánh, tháng 9 này, ông Hussein M. Abdullahi sẽ có một buổi nói chuyện với sinh viên Khoa Đông phương tại Trường ĐHKHXH&NV.
|