Với chủ đề “Phát triển tài năng để dẫn dắt sáng tạo trong một xã hội toàn cầu”, Hội nghị quy tụ 222 đại biểu từ 90 đại học nghiên cứu lớn đại diện cho các châu lục, trong đó có sự tham dự và phát biểu tham luận của 60 Giám đốc và Hiệu trưởng các đại học danh tiếng trên thế giới. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo một số tập đoàn công nghiệp, doanh nghiệp lớn như Boeing, BP, Exelon, Elsivier hay Ngân hàng dự trữ Chicago.
ĐHQGHN là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Giáo dục toàn cầu lần thứ 5 tại Chicago, Hoa Kỳ.
Mục tiêu chính mà Hội nghị hướng tới gồm: Xác định các vấn đề và đề xuất kiến nghị với Hội nghị Thượng đỉnh G8; Duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa các đại học trên toàn thế giới. Các mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy nghiên cứu và khám phá, phá bỏ những rào cản hợp tác và tăng cơ hội tiếp cận giáo dục; Kết nối với lãnh đạo tập đoàn công nghiệp và chính phủ để thảo luận về mối quan hệ giữa nghiên cứu, khám phá và ứng dụng, dỡ bỏ rào cản tiếp cận giáo dục đại học đỉnh cao thế giới của công dân khắp toàn cầu; Hội nghị tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo giáo dục đại học lên kế hoạch và hành động đúng với vai trò của đại học trong một xã hội mở, tăng vai trò thiết yếu của đại học trong việc giải quyết các thách thức lớn của mọi thời đại.
Với các mục tiêu như vậy, Hội nghị đã tập trung thảo luận các chủ đề theo các tiểu ban: Thế giới đang thay đổi; Thúc đẩy sáng tạo thông qua giáo dục đại học: triển vọng học thuật; Thúc đẩy sáng tạo thông qua giáo dục đại học: triển vọng công nghiệp; Thách thức trong trao đổi giáo dục đại học quốc tế; Thiết lập hợp tác quốc tế thành công. Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo đề dẫn đặc sắc và thảo luận về khai thác vai trò của giáo dục đại học hướng đến các vấn đề xã hội phức hợp góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho quốc gia và khu vực thông qua sáng tạo và khám phá, đồng thời thúc đẩy phát triển con người và xã hội vì một thế giới thịnh vượng. Vai trò của hợp tác giữa các đại học và với khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề trên cũng được đề cập.
Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận- Giám đốc ĐHQGHN, với nhận thức về một thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, nhu cầu hợp tác giữa các đại học trở nên cấp thiết và góp phần quyết định mức độ phát triển bền vững của mỗi đại học và qua đó, góp phần vào sự phát triển của quốc gia, khu vực và quốc tế.
GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, khi tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế cho phép một số lượng lớn những người tiếp cận giáo dục đại học, sẽ đồng thời, tạo ra những thách thức về chất lượng giáo dục, và làm sao để giải phóng năng lượng sáng tạo nhằm tạo ra những đổi mới cần thiết để thích ứng với những thách thức của thế kỷ 21. Các đại học ở các nước phát triển và đang phát triển đang phải đối diện với không ít những vấn đề mà nếu thiếu sự hợp tác quốc tế hiệu quả thì khó có thể giải quyết được.
Nhân dịp này, Giám đốc ĐHQGHN đã có các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị với Giám đốc Đại học Illinois, Giám đốc Đại học Iowa, Phó Giám đốc Đại học Tokyo và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều lãnh đạo các đại học lớn trên thế giới về các thách thức đặt ra cũng như cơ hội hợp tác quốc tế giữa các đại học.
Xuất phát từ sáng kiến của Đại học Tokyo, Hội nghị thượng đỉnh Giáo dục đại học toàn cầu được tổ chức lần đầu tiên năm 2008 do Nhật Bản đăng cai. Các năm tiếp theo, Hội nghị được tổ chức tại Canada (năm 2009), Italia (năm 2010), CH Pháp (năm 2011). Hội nghị được tổ chức luân phiên trong các nước G8 với mục tiêu thu hút sự chú ý của lãnh đạo thế giới đối với sự cần thiết của giáo dục đại học cũng như vai trò thiết yếu của đại học trong việc giải quyết các thách thức lớn hiện nay. Hội nghị thượng đỉnh Giáo dục đại học thường được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G8 và lãnh đạo các đại học tham dự Hội nghị ký tuyên bố chung gửi tới lãnh đạo các nước G8, trong đó khẳng định rõ vai trò của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy sáng tạo, đồng thời cam kết hành động để giáo dục thế hệ tương lai thông qua sáng tạo và phổ biến tri thức, từ đó đề xuất với lãnh đạo các nước G8 nhìn nhận vai trò sáng tạo của đại học đóng góp cho sự phát triển bền vững toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh Giáo dục đại học lần thứ 6 dự kiến được tổ chức năm 2013 tại Vương quốc Anh.
|
|