Thầy giáo Trần Hinh - người phụ trách và là MC của buổi giao lưu giữa nhà văn Pháp nổi tiếng này với sinh viên nhà trường cũng đã phải thốt lên: “Thật là quá bất ngờ vì chúng tôi không nghĩ là đông các bạn sinh viên quan tâm đến nhà văn này đến thế. Thật cứ như một giấc mơ vậy”.
Nhà văn Pháp đã bước vào hội trường chật cứng người trong tiếng vỗ tay rộn ràng và trong tình cảm phấn khích của các bạn sinh viên. Rất đông các sinh viên không có chỗ ngồi nên đã phải đứng chen chúc khắp khán phòng để cố nhìn được lên bục sân khấu theo dõi buổi giao lưu. Cao ráo, đẹp trai, lịch thiệp nhưng giản dị, dễ gần, Marc Levy đã tạo được nhiều thiện cảm đối với khán giả ngay từ những giây phút đầu tiên. Có mặt để cùng trò chuyện với nhà văn còn có nhà giáo Lê Hồng Sâm - người đã dịch cuốn tiểu thuyết thứ tám “Những đứa con của tự do” của Marc Levy ra tiếng Việt.
|
|
Câu hỏi đầu tiên của một sinh viên đặt ra là: “Trong mỗi tác phẩm của ông là một câu chuyện về tình yêu, phải chăng đó là phong cách của Marc Levy ?”. Nhà văn cho biết: tình cảm con người là một điều rất thiêng liêng và đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Nó vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Tình cảm xuất hiện trong phong tục tập quán, trong truyền thống văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc. Ví dụ: dù ở châu lục nà
o trên thế giới thì các bậc cha mẹ đều yêu con theo cùng một kiểu và xuất phát từ đáy lòng. Vì lẽ đó, tôi có thể bỏ cả đời mình để viết và ca ngợi tình cảm, tình yêu của con người, đó là vấn đề tôi thích và muốn đề cập trong tác phẩm của mình. Tôi nghĩ điều quan trọng của nhà văn là phải thể hiện được trong tác phẩm của mình tình yêu và lòng nhân ái.
Một khán giả khác thì nhận xét cách viết của nhà văn có sự đan xen giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn. Marc Levy khẳng định đó là cách viết có chủ ý của ông khi để các yếu tố hiện thực và lãng mạn đan xen. Những tác phẩm của ông đều đề cập đến một câu chuyện đời thường nhưng có lồng những yếu tố siêu thực. Và đó là phong cách riêng của ông: lối viết văn mang tính ẩn dụ cao.
|
|
Trả lời về mối liên hệ giữa nghề kiến trúc sư - công việc trước khi viết văn của Marc Levy với nghề viết văn, Marc đã diễn giải rất hóm hỉnh: đây đều là những công việc dựa trên trí tưởng tượng - một điều vô cùng quan trọng trong cả hai nghề. Mỗi một công trình khi thi công thì phải có bố cục, cũng như một tác phẩm trước khi viết phải hình dung ra sườn chính, từ đó tác giả mới tìm cách chắp nhặt những chi tiết rời rạc thành những mảng khối thống nhất. Từ những công cụ cụ thể và có thật, chúng ta mới diễn tả cái mà chúng ta tưởng tượng thành hiện thực. Nhưng một điều khác biệt duy nhất là nếu nhà văn viết ra một tác phẩm không hay thì cũng không nguy hiểm gì mấy nhưng nếu một kiến trúc sư làm ra một sản phẩm tồi thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho con người.
|
|
Cũng trong khi trao đổi cùng độc giả, Marc Levy nói nhiều về tình yêu và sự tự do trong nghề văn. Văn chương như một cuộc dạo chơi tình cờ và cũng bất ngờ đem lại cho ông thành công ngoài mong đợi, điều mà tới giờ ông vẫn chưa lý giải được là tại sao. Đối với ông, văn chương là một mảnh đất rộng lớn để nhà văn tìm thấy sự tự do trong suy nghĩ, tư duy. Nhà văn sẽ quan sát cuộc sống, những con người xung quanh để đem điều đó vào trong tác phẩm của mình. Đối với Marc Levy, tình yêu con người là chủ đề vô tận, là điều gì đó vĩnh cửu, vượt ngoài cả ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trong tác phẩm của Marc, từng chi tiết nhỏ đều là những trải nghiệm của nhà văn trong cuộc sống. Các nhân vật trong truyện chính là những cảm nhận của nhà văn về những người thân thương nhất như bà, mẹ, cha và cả người vợ sắp cưới của ông. Ông nói để tạo ra mùi hương riêng cho tác phẩm của mình là rất khó, trong truyện của ông không chỉ có hương cà phê, mùi mưa, mà còn có nhiều mùi hương khác như mùi hoa hồng dại, mùi chanh, mùi lửa... - những hương vị của cuộc sống mà ông đã cảm nhận và mang vào câu chuyện của mình. Có lẽ chính những điều đó làm nên sự gần gũi và vẻ đẹp cho tác phẩm của ông.
Nhận xét về “Những đứa con của tự do” - cuốn truyện gần đây nhất của nhà văn đã được dịch sang tiếng Việt, dịch giả Lê Hồng Sâm cho rằng: đây là cuốn sách khác hẳn về bút pháp so với 7 cuốn trước. Yếu tố kỳ ảo, siêu nhiên không đóng vai trò gì trong tác phẩm mà ở đây yếu tố hiện thực chiếm ưu thế. Câu chuyện là sự ca ngợi, tôn vinh tuyệt vời đối với những người nước ngoài chiến đấu chống phát xít trên đất Pháp, có những tình tiết cảm động lấy từ những dữ kiện trong cuộc đời thật của nhà văn. Và theo lời nhà giáo Lê Hồng Sâm thì với tác phẩm này thì quả thực, “vẻ đẹp của hiện thực đã vượt quá sự kỳ ảo”.
* Vài nét về chân dung Marc Levy
Marc Levy sinh năm 1861 tại Boulogne-Billiancourt (Pháp). Khởi đầu nghiệp viết văn một cách tình cờ với cuốn sách “Nếu em không phải là một giấc mơ”, tác phẩm này đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng tại Pháp, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Dù còn nhiều ý kiến bình luận khác nhau về phong cách văn chương của Marc Levy nhưng người ta không thể phủ nhận sức hút của tên tuổi ông đối với độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ tuổi. Ông hiện là một trong những nhà văn ăn khách hàng đầu tại Pháp. Ông được tờ Le Figaro công bố là tác giả có số lượng sách tiêu thụ nhiều nhất tại Pháp trong 4 năm qua tính đến năm 2007. Tại Việt Nam, Marc Levy là nhà văn nước ngoài đầu tiên có Fanclub. Các tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt: Nếu em không phải là một giấc mơ, Kiếp sau, Bạn tôi tình tôi, Bảy ngày cho mãi mãi, Gặp lại, Em ở đâu, Những đứa con của tự do, Những điều ta chưa nói. |
|