Ngài Đại sứ cho biết mục đích của chuyến thăm là tìm hiểu các thông tin để có thể xúc tiến, hỗ trợ các hoạt động hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và các trường đại học, các tổ chức khác của New Zealand.
Theo ngài Đại sứ, Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có số lưu học sinh đông nhất tại New Zealand và sinh viên Việt Nam là những người thông minh, học giỏi. Nếu trước kia, New Zealand thường tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài sang học tiếng Anh là chủ yếu thì hiện nay, đất nước này muốn mở rộng cánh cửa đón sinh viên nước ngoài sang học các ngành khoa học cơ bản và ứng dụng khác tại các trường đại học. Bên cạnh đó, việc thiết lập quan hệ hợp tác về khoa học và giáo dục với các trường đại học Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đang là một mối quan tâm đặc biệt của New Zealand.
GS. Nguyễn Văn Khánh cũng đã giới thiệu về hoạt động của Trường ĐHKHXH&NV, đặc biệt là các chương trình hợp tác hiệu quả của trường với các trường đại học và tổ chức nước ngoài trong thời gian gần đây. Trường ĐHKHXH&NV hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với Đại học Victoria, New Zealand. Ông cũng đề cập đến một số chuyên ngành mới mở tại Việt Nam hiện đang cần sự hỗ trợ phát triển của các chuyên gia nước ngoài. GS. Khánh cũng đề nghị ngài Đại sứ giúp đỡ trong việc mời các giáo sư của New Zealand sang giảng dạy tại Việt Nam. Với cá nhân ngài Kember, GS. Nguyễn Văn Khánh bày tỏ hy vọng sẽ được gặp lại ngài Đại sứ trên cương vị là giáo sư giảng dạy tại Trường ĐHKHXH&NV sau khi ngài kết thúc nhiệm kỳ ngoại giao của mình.
|
|
Sau buổi gặp mặt chính thức, ngài James Kember đã có buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐHKHXH&NV với chủ đề: Hoạt động ngoại giao của New Zealand ở Đông Nam Á giai đoạn 1950-1980. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và New Zealand từ năm 1977 cho đến nay. Quan hệ ngoại giao hai nước vẫn còn sơ khai vào thời điểm năm 1977 khi New Zealand ủng hộ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp quốc. Trải qua nhiều giai đoạn, có những lúc quan hệ hai bên bị hạn chế do hoàn cảnh khách quan. Năm 1995, đại sứ quán cùng lãnh sự quán tại TP.HCM được khai trương với sự hiện diện của Thủ tướng Jim Bolger và phái đoàn gồm nhiều quan chức và đại diện thương mại. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo New Zealand tới Việt Nam.
Từ năm 2005, quan hệ hợp tác hai bên phát triển mạnh hơn với tần suất tăng dần các hợp tác song phương và đa phương. Nhiệt tình ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, New Zealand luôn tin tưởng, đánh giá cao ảnh hưởng, triển vọng phát triển cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam vào sự thịnh vượng chung của khu vực. New Zealand cũng cam kết sẽ xây dựng một mối quan hệ mở rộng, sâu sắc hơn với Việt Nam và sẽ tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện cam kết này.
Trước khi là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của New Zealand tại Việt Nam, ngài Kember là chuyên gia nghiên cứu lịch sử. Ông từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Á châu, Đại học Quốc gia Auckland. Ông cho rằng nghiên cứu về quan hệ hợp tác Việt Nam - New Zealand trong quá khứ đã cho ông nhiều kinh nghiệm tốt trong công tác ngoại giao những năm qua.
Xung quanh bài thuyết trình, ngài Đại sứ cũng nhận được nhiều câu hỏi đến từ sinh viên đề nghị ngài bình luận về vai trò của New Zealand trong khu vực, định hướng của chính phủ New Zealand về công tác ngoại giao với các nước ở Đông Nam Á, cụ thể hoá những chính sách ngoại giao của New Zealand đối với Việt Nam ở từng giai đoạn trong quá khứ và hiện tại, chính sách học bổng của New Zealand dành cho học viên Việt Nam...
|