Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Mở hướng hợp tác mới với các đại học hàng đầu Liên bang Nga
Theo Quyết định của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đoàn công tác do Phó Giám đốc Vũ Minh Giang làm trưởng đoàn và 7 cán bộ lãnh đạo ban chức năng và đơn vị thành viên của ĐHQGHN đã sang thăm và làm việc tại Liên Bang Nga vào trung tuần tháng 5 năm 2010.

Đoàn đã tham dự lễ khai trương Viện Nghiên cứu Việt Nam mang tên Hồ Chí Minh (Viện Hồ Chí Minh) và khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia St. Petersburg. Trong thời gian ở LB Nga, đoàn cũng có những buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Hữu nghị Mátxcơva (PFUR), lãnh đạo ĐHQG Mátxcơva (MSU), lãnh đạo ĐHQG St. Petersburg (SPbSU).

Đ/C Tô Huy Rứa tặng quà lưu niệm cho Viện Hồ Chí MInh, ĐH St Peteburg

I. ĐẠI HỌC HỮU NGHỊ  CÁC DÂN TỘC, MÁTXCƠVA (PFUR)

Một số thông tin về PFUR:

Hiệu trưởng Vladimir Philippov nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục LB Nga từ năm 1998 – 2004. Trường đại học Hữu nghị các dân tộc (PFUR) kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào ngày 05/02/2010. Nhân dịp này, được sự ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Bùi Đình Dĩnh đã trao tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" của Việt Nam cho Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị giữa các dân tộc của LB Nga và 12 giáo viên của trường. Hơn nửa thế kỷ qua, PFUR đã đào tạo gần 70 nghìn chuyên gia, trong đó có hơn 4000 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đang làm việc ở 170 quốc gia.

Hiện nay, tại Matxcơva và các chi nhánh của PFUR có gần 27 nghìn sinh viên đang học tập. "Một trong những ưu điểm chính của chúng tôi là khả năng cho phép đồng thời nhận vài bằng cấp: theo chuyên ngành đã chọn và một hoặc hai ngoại ngữ ", - ông Vladimir Philippov, Hiệu trưởng Trường đại học cho biết.

PFUR còn "phóng" tiếng Nga lên quỹ đạo ngoài khoảng không: Hầu hết các nhà du hành vũ trụ nước ngoài đều do các giảng viên tiếng Nga của trường hướng dẫn. Vì thế mà một hành tinh nhỏ trong hệ Mặt trời đã được đặt tên RUDruNA”. Trường có 10 khoa: Khoa Kĩ sư, khoa Y Dược, Khoa Toán – Lý và Khoa học tự nhiên, Luật, Kinh tế, Văn học, Khoa học xã hội và nhân văn, Nông nghiệp, Môi trường và khoa Ngoại ngữ.

Trong số 2200 giảng viên của trường có hơn 1300 người là giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 57 viện sĩ, viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, Viện sĩ Viện hàn lâm Y học LB Nga, Viện hàn lâm khoa học tự nhiên LB Nga…

GS.TSKH Vũ Minh Giang và  GS. Denisennko V.N - Phó Hiệu trưởng PFUR

Ngày thứ Hai, 17/5/2010 Đoàn ĐHQGHN đã dành cả ngày làm việc với PFUR, thăm quan KTX dành cho sinh viên nước ngoài, các phòng được xây dành cho 3 hoặc 5 sinh viên với các công trình phụ khép kín. Dịch vụ trong toàn khu KTX được đảm bảo đầy đủ.

Tiếp đó, đoàn ĐHQGHN đã thăm và làm việc với bệnh viện thành phố số 25. Đây là bệnh viện được xây dựng và trang bị máy móc thiết bị ban đầu bằng kinh phí từ PFUR. Về mặt chuyên môn, nhân sự và tiền lương bệnh viên chịu sự quản lý trực tiếp từ Sở Y tế của Thành phố. Bệnh viện được xây dựng nhằm mục đích phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho sinh viên và cán bộ của PFUR. Các bác sĩ của bệnh viện cũng đồng thời tham gia giảng dạy tại Khoa Y của PFUR và bệnh viện cũng là một địa chỉ để các sinh viên Y khoa của PFUR tới thực tập.

Sinh viên nước ngoài học tại PFUR phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc 200 USD/1năm và được khám chữa bệnh miễn phí cũng như kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm (kiểm tra HIV, viêm gan B, tiêm phòng cúm, kiểm tra tai mũi họng, răng hàm mặt …). Tất cả các kết quả xét nghiệm hàng năm của sinh viên được lưu lại dưới dạng cơ sở dữ liệu máy tính, thuận tiện cho việc theo dõi sức khỏe của sinh viên.

Sau khi đi thăm một số phòng khám răng hàm mặt, nhãn khoa, tim phổi, Đoàn ĐHQGHN đã tới làm việc với Khoa Y - một trong những khoa có truyền thống và uy tín của PFUR.

Tại Khoa Y, đoàn đã làm việc với GS. Frolov V.A. - Chủ nhiệm khoa. Hai bên đã trao đổi thông tin về việc thành lập Khoa Y dược và Bệnh viện tại ĐHQGHN, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đào tạo cán bộ ngành y, kinh nghiệm quản lý đồng thời cán bộ làm việc tại bệnh viện và tham gia giảng dạy tại khoa Y. GS.TSKH Vũ Minh Giang và GS. Frolov đều nhất trí đối với việc đào tạo Y khoa, không thể thiếu việc nghiên cứu khoa học, và Khoa Y PFUR sãn sàng cử cán bộ, chuyên gia sang giúp đỡ ĐHQGHN trong việc xây dựng và phát triển Khoa Y dược.

Tiếp đó, Đoàn ĐHQGHN đã đi thăm những phòng thí nghiệm trọng điểm của PFUR, thăm hệ thống thiết bị phân tích GCMS, LCMS, NMR 600MHz … phục vụ cho nghiên cứu và phát triển thuốc và hóa chất bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng…

Chiều cùng ngày, đã diễn ra buổi làm việc giữa đoàn ĐHQGHN và lãnh đạo PFUR. Hai bên đã trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ tiếng Nga tại ĐHQGHN.

GS.TSKH Vũ Minh Giang đã ghi nhận đề nghị của phía PFUR về việc mở trung tâm ngôn ngữ Nga tại ĐHQGHN. Hoạt động của trung tâm này có thể dựa vào một phần kinh phí từ quỹ “Russkii Mir”, từ học phí của người học và từ các nguồn khác. Sự hình thành và hoạt động của trung tâm này tại ĐHQGHN cũng góp phần vào việc nâng cao trình độ và chất lượng đào tạo tiếng Nga tại ĐHQGHN, các cán bộ và sinh viên khoa Nga có thể tham gia thực tập tại đây.

GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh

Quỹ “Русский Мир” được thành lập theo quyết định của Tổng thống Nga Putin vào ngày 21/06/2007 với mục tiêu chính là phát triển và phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Nga trên toàn thế giới và ủng hộ, duy trì các chương trình học và nghiên cứu tiếng Nga tại trong và ngoài nước Nga.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Hỗ trợ cho việc tổ chức học tập, tổ chức giáo dục đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa Nga, hỗ trợ tài chính cho các dự án liên quan liên quan đến thế giới Nga.

2. Hỗ trợ các trung tâm Nga học ở trong ngoài nước Nga.

3. Định hướng tư tưởng xã hội vì lợi ích của Nga, phổ biến kiến thức, thông tin về đất nước Nga.

4. Trao đổi, tương tác với Nga kiều, thúc đẩy môi trường tôn trọng và hòa hợp dân tộc.

5. Tạo điều kiện về sự trở lại của người Nga đã di cư ra nước ngoài;

6. Xây dựng hệ thống kỹ thuật để đảm bảo thước đo nhân đạo trong các chính sách đối ngoại của Nga;

7. Xây dựng các kênh khoa học và chính trị trong sự phát triển những mối quan hệ song phương với nước ngoài và các tổ chức quốc tế;

8. Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ giáo dục;

9. Phát triển mối quan hệ quốc tế cho các vùng của LB Nga.

10. Thúc đẩy sự trao đổi chuyên gia, trao đổi về khoa học và giáo duc.

11. Hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông sử dụng tiếng Nga và các nguồn lực thông tin ở nước ngoài; Sự hỗ trợ này được thực hiện với mục tiêu tập trung vào các mục tiêu của Quỹ.

12. Hỗ trợ cho các hiệp hội cựu sinh viên tốt nghiệp tại Nga /Liên Xô. Tổ chức các hoạt đông giao lưu (hoạt động tương hỗ) với các cựu sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài của Nga;

13. Hỗ trợ cho các Website tiếng Nga nước ngoài;

14. Đẩy mạnh việc hình thành các tổ chức, hội Phụ nữ nói tiếng Nga, Thanh niên, trẻ em nói tiếng Nga tại các nước khác nhau.

15. Hỗ trợ cho việc bảo tồn các bản thảo, sách cổ của Nga.

Kết hợp với Giáo hội chính thống Nga và các tôn giáo khác thúc đẩy và phát triển ngôn ngữ và văn hóa Nga.

GS.TSKH Vũ Minh Giang trình bày tham luận tại Lễ khai trương Viện Hồ Chí Minh

II. ĐẠI HỌC QUỐC GIA ST. PETERSBURG

Thông tin về Đại học Quốc gia Saint Peterburg:

Đại học Quốc gia SP là một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng của LB Nga, được xếp trong top đầu cùng với ĐHQG Lômônôxốp và đứng thứ 84 trên thế giới. ĐH có 20 khoa và 13 viện nghiên cứu với hơn 4000 cán bộ giảng dạy. Tổng thống Nga Medvedev và Thủ tướng Nga Putin đều là cựu sinh viên khoa Luật của Trường ĐHQG Saint Peterburg. Gần đây nhất, Tổng thống Liên bang Nga Medvedev đã ký sắc lệnh đặc biệt về quyền tự chủ của 2 ĐHQG Lômônôxốp và Saint Peterbourg.

Thế mạnh của trường là Đông phương học, Toán, Vật lý, Năng lượng, Hóa học, CNTT, Tự động học, Roobot, Vật liệu, Công nghệ nano, Xây dựng và Sinh học.

Giám đốc của ĐHTHQG SP là GS.TSKH Kropatrev N.M và Chủ nhiệm khoa Đông phương học, GS.TSKH Zelenhev E.I – được ĐHQGHN trao tặng Bằng Tiến sĩ danh dự vào tháng 3 năm 2010.

Sáng ngày 18/5/2010, đoàn ĐHQGHN đã lên đường đi St. Petersburg. GS Nina, Phó chủ nhiệm Khoa Phương Đông, SPbSU đã đón đoàn tại sân bay. Chiều cùng ngày, hai bên đã làm việc, thảo luận, thống nhất và chuẩn bị các văn bản sẽ ký kết nhân dịp khai trương Viện Hồ Chí Minh.

Ngày 19/05/2010 – kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời mời của ĐH St. Petersburg.

Đoàn đại biểu của TW Đảng CS Việt Nam do đồng chí Tô Huy Rứa làm trưởng đoàn, đoàn ĐHQGHN đã cùng với các đoàn đại biểu của Học viện Hành chính - Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga … đã tham dự lễ khai trương Viện Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh việc khai trương Viện Hồ Chí Minh đã củng cố hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, hai nhà nước, và khẳng định sự hợp tác ngày càng bền chặt của nhân dân hai nước. Giáo sư cũng giới thiệu sơ lược về ĐHQGHN, với rất nhiều cán bộ đã được đào tạo tại Liên Xô (cũ) và LB Nga ngày nay, giới thiệu về truyền thống hợp tác giữa ĐHQGHN với các ĐH của LB Nga mà cụ thể là với SPbSU trên các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và trong ngành Việt Nam học.

Sau lễ khai trương Viện Hồ Chí Minh, đoàn ĐHQGHN cùng với các đoàn khách đã tham dự lễ khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh, tượng Hồ Chủ tịch đang đọc báo Nhân Dân được đặt trang trọng trong khuôn viên của trường, nơi được ví nhu bảo tàng nghệ thuật ngoài trời với các bức tượng của Khổng Tử và các vĩ nhân khác.

Sau lễ khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký kết Bản thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN và SpbSU với sự chứng kiến của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên giáo TW và Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Ngay sau đó, hiện thực hóa Bản thỏa thuận này là việc ký kết hợp tác giữa Khoa Phương đông và Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển về việc phát triển ngành Việt Nam học, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người Nga và các vấn đề lý luận chung về nghiên cứu khu vực học …

ĐH St. Petersburg đã có đề nghị ĐHQGHN giúp xây dựng một bộ TEST tiếng Việt chuẩn, phục vụ cho việc kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo cũng như trình độ của sinh viên Nga, đặc biệt để sử dụng trong đánh giá kỳ thi Quốc gia cuối năm thứ 4 cho các sinh viên theo học tiếng Việt tại Khoa Phương Đông.

Trong buổi lễ khai trương và lễ ký kết, các sinh viên theo học tiếng Việt tại Khoa Phương Đông đã trình bày những bài hát về Việt Nam, ca ngợi Việt Nam làm xúc động lòng người. Các bạn sinh viên đã thể hiện trình độ tiếng Việt được đào tạo rất cơ bản và đầy đủ thông qua những vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nhật Ký Trong Tù) và qua bài thơ Viếng Lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.

Ngày hôm sau, 20/05 Đoàn ĐHQGHN bay về Mátxcơva.

III. ĐẠI HỌC QUỐC GIA MÁTXCƠVA

Thông tin về Đại học Quốc gia Matxcơva

Đại học Quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxôp (MSU) được thành lập từ năm 1755. Đã có 5 cán bộ của Trường MSU nhận giải thưởng Nobel và 4 người được nhận giải thưởng Fields (tương đương như Nobel trong lĩnh vực toán học). Hiệu trưởng hiện nay của trường là GS.VS V.A. Shadovnhichy.

Từ năm 1992 trường được hưởng quy chế đặc biệt từ Chính phủ LB Nga: nhận trực tiếp ngân sách nhà nước không qua Bộ giáo dục.

Trường đã phát huy quyền tự chủ và từ đó đến nay, mặc dù LB Nga trải qua quá trình cải tổ khó khăn, trường đã liên tục phát triển mạnh mẽ, thành lập thêm được 9 khoa mới. Đến nay MSU có rất nhiều khoa, trung tâm và viện nghiên cứu như: Viện Vật lý hạt nhân mang tên Skobeltsyn, Viện Cơ học, Viện Thiên văn học Sternberg, Viện Sinh học - Lý - Hóa mang tên A.N. Belozersky,… với 1 triệu m2 trong khuôn viên chính của trường và hiện nay đang mở thêm 1 triệu m2 nữa. Trường MSU là đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu Liên xô trước đây, nay là Liên bang Nga, và cũng là một trong những đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu cơ bản.

Sáng ngày 21/05/2010, ĐH Quốc gia Mátxcơva đã tiếp đoàn ĐHQGHN tại Tòa nhà chính. Tiếp đoàn có Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế, lãnh đạo Ban Quan hệ Quốc tế, Giám đốc Viện Khổng tử đồng thời là chuyên gia về Đông Á và Đông Nam Á.

Tại buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, MSU hiện nay có hơn 30 khoa, 11 viện nghiên cứu trực thuộc và đang thực hiện đào tạo cho 40 000 sinh viên trong đó có 5000 sinh viên đến từ 80 nước trên thế giới. Đội ngũ cán bộ của MSU với hơn 9000 GS, PGS trong đó 170 người là Viện sĩ, viện sĩ thông tấn Viện HLKH LB Nga, 30% thành viên của Viện Hàn Lâm LB Nga là cán bộ của MSU hoặc đã từng học ở MSU. Hàng năm, MSU đào tạo khoảng 1000 Tiến sĩ với 185 chuyên ngành khác nhau. MSU hiện kết hợp đào tạo theo các hệ: cử nhân – 4 năm, thạc sĩ – 2 năm, chuyên gia – 5 năm, tiến sĩ – 3 năm, thực tập sinh – 1 năm và các khoa đào tạo nâng cao trình độ - 6 tháng.

Hàng năm, MSU xuất bản hơn 350 đầu sách và hơn 10 000 bài báo khoa học, MSU đã có 5 cán bộ được nhận giải Nobel là Semionov N.N. (Hóa học), Tamm I.E. (Vật lý), Frank I.M. (Vật lý), Landau L.D. (Vật lý), Kapitza P.L. (Vật lý). Hiện nay, MSU đang tiến hành xây dựng, đầu tư thêm cơ sở vật chất và giảng đường để phục vụ cho đào tạo, nâng quy mô đào tạo và diện tích sử dụng lên gấp 2 lần, dự kiến kế hoạch xây dựng sẽ hoàn thành sau 2 năm nữa. MSU hiện có thư viện đứng hàng thứ 2 ở LB Nga và hàng thứ 10 của thế giới. Siêu máy tính của MSU là một trong 10 siêu máy tính hàng đầu thế giới. MSU có hệ thống đào tạo, kiểm tra, đánh giá và tiêu chuẩn chất lượng tách biệt với các ĐH khác của LB Nga, và ở mức độ cao hơn về tiêu chuẩn.

GS.TSKH Vũ Minh Giang đề nghị cùng thực hiện đào tạo liên kết 2+2 với MSU, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản (Hiện MSU đang có các chương trình đào tạo 2+2 với các ĐH của Trung Quốc trong các ngành Hóa học, Toán cơ, Tin học và Vật lý).

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế đề nghị được hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cử nhân kinh tế và xây dựng các nhóm đồng nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế chính trị Đông Nam Á. Đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ của phía MSU và phía bạn cũng đưa ra kinh nghiệm trong hợp tác đào tạo với Trung Quốc theo mô hình 2+2, cụ thể sau 2 năm học ở Trung Quốc, sinh viên sẽ phải qua một kỳ thi kiểm tra chất lượng và nếu đạt tiêu chuẩn của MSU thì sẽ được học tiếp các năm thứ 3 và thứ 4 tại MSU, sau khi tốt nghiệp sẽ lấy bằng của MSU.

Theo đề xuất của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, có thể kết hợp chương trình sinh viên học tiếng Nga + kinh tế (2 năm đầu) sau đó học 2 năm ở MSU, đây là một hướng đi tốt giải quyết khó khăn tuyển sinh đầu vào của ngành tiếng Nga tại trường ĐH Ngoại ngữ.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đề xuất hợp tác đào tạo và nghiên cứu cho các ngành khoa học xã hội.

Phía MSU đề nghị PGS.TS Phùng Xuân Nhạ chuẩn bị gửi danh sách những chủ đề, hướng nghiên cứu của các cán bộ Trường ĐHKT để có thể xem xét và đề xuất hướng hợp tác chung và cùng nhau xây dựng đề án cho chương trình Nghị định thư giữa hai Chính phủ. Hiện nay, các trường đại học Việt Nam chưa khai thác nhiều chương trình Nghị định thư giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga nên đây sẽ là một lợi thế lớn khi triển khai hợp tác đồng nghiên cứu.

Nhìn chung, chuyến công tác của đoàn đã đạt được những mục tiêu đề ra, mở ra hướng hợp tác mới với các đại học hàng đầu của Liên bang Nga. Chuyến thăm của đoàn nhân dịp khai trương Viện Nghiên cứu Việt Nam mang tên Hồ Chí Minh tại ĐH St.Petersburg đã để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với không chỉ giảng viên, sinh viên Khoa Phương Đông, mà cả đối với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cùng tham gia Lễ khai trương. Điều đó thể hiện cam kết của lãnh đạo ĐHQGHN trong việc phát triển mối quan hệ truyền thống với các đại học hàng đầu của nước Nga, đồng thời khai thác thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu cơ bản của các đại học này. Hướng đi này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

 Nguyễn Anh Thu - Lê Tuấn Anh - tổng hợp
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :