TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 09/10/2024 GMT+7
Trường ĐH Việt Nhật – Hành trình 10 năm trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc
Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN (VJU) được thành lập theo Quyết định số 1186/QĐ-TTg ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, dựa trên sáng kiến chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Trải qua 10 năm thành lập và hoạt động, Trường ĐH Việt Nhật đã không ngừng phát triển và đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một đại học mạnh trong khu vực về khoa học công nghệ tiên tiến và khoa học xã hội liên ngành, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trường ĐH Việt Nhật, chia sẻ về hành trình xây dựng và phát triển của Nhà trường, GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng, cho biết:

Những nỗ lực chung của lãnh đạo cấp cao hai nước đóng vai trò quan trọng trong sự ra đời của VJU. Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam và Liên đoàn nghị sĩ hữu nghị trong nghị viện hai nước (do ông Tô Huy Rứa đứng đầu phía Việt Nam và ông Tsutomu Takebe và ông Toshihiro Nikai đứng đầu phía Nhật Bản) ủng hộ dự án xây dựng Trường ĐH Việt Nhật, kêu gọi Chính phủ hai nước hợp tác thực hiện dự án này nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Đáp lại, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thành lập VJU.

Đồng thời, VJU còn là sản phẩm của sự phát triển trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt là giữa ĐHQGHN và các trường đại học Nhật Bản. Với tư cách là đối tác, các trường đại học Nhật Bản bày tỏ mong muốn mạnh mẽ thành lập VJU với ĐHQGHN, đơn vị có truyền thống trao đổi học thuật với Nhật Bản, và Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập VJU là thành viên của ĐHQGHN.

- Với sự hợp tác của Nhật Bản, Trường ĐH Việt Nhật vừa là một trường đại học thành viên của ĐHQGHN, vừa hướng đến một mô hình trường đại học mới có tính tự chủ cao, Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn mô hình này?

Trường ĐH Việt Nhật được thành lập với tư cách là một trường thành viên của ĐHQGHN. So với các trường đại học quốc tế đi trước như trường Việt Đức và trường Việt Pháp, VJU có vị trí pháp lý rõ ràng nhất và ổn định nhất, rất thuận lợi cho việc vừa nhận được sự hỗ trợ đắc lực của ĐHQGHN vừa phát phát huy tính độc lập của mình. Vị trí trường thành viên ĐHQGHN là điều kiện rất thuận lợi cho VJU trong giai đoạn sơ khai. VJU có thể triển khai tuyển sinh dưới danh tiếng ĐHQGHN, mời được nhiều học giả ưu tú tham gia giảng dạy tại Trường, được dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất của ĐHQGHN như thư viện, phòng thí nghiệm và các trang thiết bị v.v... Đồng thời, với vị trí thành viên của ĐHQGHN, VJU dễ dàng hơn trong việc vận động hợp tác với các trường đại học chủ chốt ở Nhật Bản và trên thế giới. Các trường thành viên của ĐHQGHN cũng được hưởng tính tự chủ tương đối cao. Thêm vào đó, VJU có nền tảng pháp lý riêng của mình là Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 31/3/2017.

Học viên VJU tiến hành các thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nhật Bản

Chúng tôi kỳ vọng Trường ĐH Việt Nhật trở thành một trường đại học độc đáo phát huy thế mạnh của cả Việt Nam và Nhật Bản.

Một trong những điểm độc đáo của Trường ĐH Việt Nhật nằm ở chỗ Trường nêu cao hai triết lý cơ bản là giáo dục khai phóng và phát triển bền vững. Ở Nhật Bản, các đại học hàng đầu đều có truyền thống mạnh về giáo dục khai phóng, chú trọng đào tạo tầm nhìn rộng và k năng ứng phó với biến đổi lớn trong xã hội. Vì vậy, tôi lựa chọn giáo dục khai phóng làm triết lý cơ bản của Trường. Tuy nhiên, khi áp dụng vào Việt Nam, chúng tôi cố gắng làm sao để triết lý này phù hợp với tình hình Việt Nam. Giáo dục khai phóng cổ điển coi trọng triết học Hy Lạp, nhưng Trường ĐH Việt Nhật cho rằng nội dung then chốt của giáo dục khai phóng sẽ thay đổi theo từng thời kỳ và từng nơi, và giáo dục khai phóng thế kỷ 21 nên coi khoa học bền vững là nội dung then chốt. Hiện nay, đối với xã hội loài người nói chung, đối với Việt Nam hay Nhật Bản nói riêng, việc tìm kiếm sự phát triển bền vững chính là vấn đề căn cốt.

- Trường ĐH Việt Nhật đào tạo những lĩnh vực liên ngành gồm cả các ngành tự nhiên và ngành xã hội, tại sao lại có sự kết hợp đào tạo như vậy, thưa Giáo sư?

Chúng tôi cũng hiểu rõ, kỳ vọng chính phía Việt Nam vào Trường ĐH Việt Nhật là lĩnh vực công nghệ tiên tiến và Trường trở thành nơi chuyển giao công nghệ. Nhưng khoa học bền vững là ngành khoa học yêu cầu sự tích hợp và liên kết của nhiều lĩnh vực từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên, nhằm tạo ra một xã hội bền vững. Đây cũng chính là ngành khoa học sẽ đem lại một tầm nhìn rộng không thể thiếu cho những nhà lãnh đạo của thế kỉ 21, tức là nội dung then chốt của giáo dục khai phóng thế kỷ 21 phù hợp với tình hình Việt Nam. Với suy nghĩ như vậy, VJU lần lượt mở các chương trình đào tạo những lĩnh vực liên ngành gồm cả các ngành tự nhiên và ngành xã hội đang có nhu cầu ở Việt Nam có thế mạnh ở Nhật Bản. Cụ thể ở giai đoạn thạc sỹ có các chương trình Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh, Lãnh đạo toàn cầu, Công nghệ môi trường, Công nghệ nano, Kỹ thuật xây dựng, Biến đổi khí hậu và phát triển; Ở bậc đại học có các chương trình Nhật Bản học, Khoa học và kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật xây dựng, Nông nghiệp thông minh và bền vững, Cơ điện tử thông minh và sản xuất của Nhật Bản, Công nghệ thực phẩm và sức khỏe.

- Trong suốt 10 năm qua, Trường ĐH Việt Nhật đã có những thuận lợi và khó khăn gì trong hành trình từng bước hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một đại học mạnh trong khu vực về khoa học công nghệ tiên tiến và khoa học xã hội liên ngành, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, thưa Giáo sư?

Về thuận lợi thì không thể không kể đến đó là sự quan tâm đặc biệt của hai chính phủ: Một cơ sở giáo dục đại học được Thủ tưng đến thăm là một vinh dự và là động lực quan trọng cho sự phát triển của Nhà trường. VJU được cả Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Nhật Bản đến thăm. ĐHQGHN và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã hỗ trợ VJU rất nhiều.

 Trong lộ trình phát triển Trường ĐH Việt Nhật trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực ứng biến thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản, ĐHQGHN đồng hành cùng các đối tác, trong đó có Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu theo hướng phát huy thế mạnh của Trường và đáp ứng nhu cầu của xã hội

Các hỗ trợ chính bao gồm việc chính phủ Việt Nam thực hiện cơ chế tài chính đặc thù, ĐHQGHN cung cấp cơ sở QGHN04 tại Hòa Lạc và JICA triển khai hai giai đoạn Dự án hợp tác kỹ thuật.

Trường ĐH Việt Nhật đã khai thác được tương đối nhiều đối tác. Từ Nhật Bản, chúng tôi nhận được sự hợp tác từ nhiều trường đại học. Hiện nay, ở Nhật Bản có một liên minh các trường đại học Nhật Bản hợp tác với VJU hơn 30 trường đại học là thành viên của liên minh này. Đồng thời, VJU có mối quan hệ hợp tác với hơn 200 công ty Nhật Bản và Việt Nam.

Một thách thức lớn đối với VJU là sự chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng khuôn viên trường bằng vốn vay bằng đồng Yên của Nhật Bản. Kế hoạch ban đầu của VJU là xây dựng một khuôn viên quy mô đầy đủ càng sớm càng tốt, và cho đến lúc đó, VJU dự kiến vẫn đang là một trường đại học nhỏ chỉ có chương trình thạc sĩ, cung cấp nền giáo dục chú trọng chất lượng hơn số lượng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải thay đổi do dự án ODA bị chậm trễ và từ năm 2020, trường đặt mục tiêu tăng nhanh số lượng sinh viên bằng cách mở chương trình đại học. Giữa sự cạnh tranh khốc liệt để thu hút sinh viên đại học, kể cả từ các trường đại học tư thục, VJU gặp bất lợi vì là đơn vị non trẻ. Mãi đến năm học 2024 - 2025, VJU mới đạt được chỉ tiêu tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, VJU vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu có trình độ cao.

GS.TS. Lê Quân - Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Việt Nhật:

Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Trải qua hơn 50 năm, hai bên đã triển khai nhiều nhiều hoạt động hợp tác. Trường ĐH Việt Nhật đang được ĐHQGHN ưu tiên đầu tư, được Chính phủ hai nước quan tâm, ủng hộ để trở thành biểu tượng của hợp tác giữa hai bên.

Trong 10 năm qua, VJU đã đạt được nhiều thành tựu: ổn định được tổ chức bộ máy, có đội ngũ cơ hữu cũng như đội ngũ giảng viên Nhật Bản tham gia giảng dạy chất lượng, có kết quả tuyển sinh đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, VJU có sự hỗ trợ mạnh mẽ của ĐHQGHN và hệ thống 30 trường đại học hàng đầu Nhật Bản. Sau một thập kỷ, chúng ta đã có những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao và đặc biệt, có nhiều em thành công và được tiếp nhận tại các đơn vị công và tư tại Việt Nam hoặc tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục quốc tế.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Trưởng Ban nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản ông Tokai Kisaburo thăm phòng thí nghiệm của VJU tại Hòa Lạc

Trong thời gian tới, ĐHQGHN ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ cho VJU theo một số định hướng cơ bản. Thứ nhất, VJU phải trở thành trung tâm đào tạo xuất sắc, trong đó tập trung ưu tiên những ngành kỹ thuật công nghệ mũi nhọn và khoa học sức khỏe, tiếp thu những kinh nghiệm quản lý của Nhật Bản và quốc tế.

Thứ hai, VJU phải trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học xuất sắc, nơi thu hút được các nhà khoa học xuất sắc; là trung tâm chuyển giao công nghệ, được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trở thành hình mẫu trong hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo và NCKH. Thứ ba, VJU sẽ trở thành ngôi trường trong ĐHQGHN được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với những điều kiện đảm bảo chất lượng tốt nhất, quản trị theo phương pháp quản trị tiên tiến.  Qua đó, VJU sẽ đóng góp vào phát triển của Việt Nam, vào sự phát triển quan hệ hữu nghị hai nước, thực hiện những trách nhiệm cộng đồng và xã hội, sớm trở thành một trường đại học được xếp hạng cao trong khu vực và quốc tế trong 10 năm tới.

- Xin Giáo sư chia sẻ về những thành tựu nổi bật của Trường ĐH Việt Nhật trong thời gian qua?

VJU đã phát triển thành một trường đại học với ba cấp độ chương trình giáo dục: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (theo kế hoạch sẽ mở trong năm nay), và đã phát triển thành một trường đại học với hơn 1.000 sinh viên đại học và sau đại học, đã đào tạo 370 sinh viên thạc sĩ. Trường đã có danh tiếng là trường đại học cung cấp nền giáo dục chất lượng cao.

VJU đã hình thành cơ chế quản lý, điều hành do Giám đốc ĐHQGHN làm Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là người Nhật Bản, cùng với sự hỗ trợ của Phó Hiệu trưởng người Việt Nam. Trường được quản lý trên cơ sở thỏa thuận chung giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trên cơ sở đó, VJU đang hoàn thành tốt vai trò là biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN trao bằng tốt nghiệp cho các cử nhân khóa đầu tiên

Đội ngũ giảng viên cơ hữu tại Trường vẫn còn non trẻ, số lượng chưa nhiều, nhưng về mặt nghiên cứu khoa học, đã đạt được kết quả đáng mừng như: Tổng số công bố khoa học của Trường được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus sau gần 7 năm hoạt động (từ tháng 9/2016 - tháng 06/2024) là 291 bài trên tổng số 447 công bố. Trong đó có những công bố nằm trong nhóm 1% hay 5% Tạp chí khoa học tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực. Đến nay, Trường cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 04 Quyết định chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.

- Xin Giáo sư chia sẻ thông tin về định hướng phát triển Trường ĐH Việt Nhật trong giai đoạn mới?

Mục tiêu cơ bản của Trường là trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo có uy tín hàng đầu ở châu Á, đạt vị trí hàng đầu châu Á trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học bền vững và công nghệ tiên tiến, hướng về các thị trường Việt Nam, Nhật Bản và ASEAN. Trường cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực vừa có tầm nhìn toàn cầu, vừa có kĩ năng thực hành đáp ứng được nhu cầu xã hội, có cả thế mạnh của Việt Nam và Nhật Bản.

Trong thời gian tới, Trường sẽ tiếp tục huy động vốn vay ODA Nhật Bản, xây dựng một campus chất lượng Nhật Bản có sức hấp dẫn đối với sinh viên, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào việc xây dựng khuôn viên ĐHQGHN tại Hòa Lạc, xây dựng một khu đô thị đại học và phát triển khu vực phía Tây Hà Nội. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ sở, phòng thí nghiệm R&D của doanh nghiệp trong khuôn viên Trường ĐH Việt Nhật trong tương lai.

Chúng tôi cũng dự định xây dựng Trung tâm Văn hóa, Kỹ thuật và Ngôn ngữ Nhật Bản (hay còn gọi tắt là VJU Academy) với tư cách là một trung tâm dịch vụ trực thuộc Trường, được coi là nền tảng hỗ trợ VJU. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực toàn cầu, thực tế, sẵn sàng làm việc và thúc đẩy kết nối hơn nữa giữa VJU với xã hội, cũng như góp phần củng cố nền tảng tài chính của VJU bằng cách đào tạo một số lượng lớn nguồn nhân lực đa dạng.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 Sinh Vũ - Bản tin ĐHQGHN; ảnh: VJU
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ