Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính Phạm Xuân Hoan, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Nguyễn Thị Anh Thu, Trưởng Ban Quản lý Dự án Trường ĐH Việt Nhật Trần Việt Dũng. Dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN” vay vốn Ngân hàng Thế giới đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 739/QĐ-TTg ngày 02/6/2020 và Chủ tịch nước phê duyệt về việc đàm phán Hiệp định tài trợ cho Phát triển Đại học Việt Nam tại Quyết định số 839/QĐ-CTN ngày 9/6/2020. Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nghe và trao đổi về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN”. Các công việc chính được đưa ra thảo luận gồm: phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (Feasibility Study – FS), ký kết Hiệp định tài chính, ký kết Hiệp định vay lại, phê duyệt các báo cáo thành phần… Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đã được các Bộ, Ngành thẩm định và cho ý kiến theo đúng các quy định hiện hành của Việt Nam. Hiện nay, ĐHQGHN đang tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định để hoàn thiện báo cáo Nghiên cứu khả thi và phê duyệt Dự án. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bà Carolyn (Carrie) Turk khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và ĐHQGHN. Phía Ngân hàng Thế giới sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐHQGHN để đảm bảo rằng các tài liệu của Dự án có mức độ chi tiết và cách tiếp cận phù hợp. Bà mong rằng hai bên sẽ cùng nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ của Dự án hơn nữa trong thời gian tới. Tiểu dự án ĐHQGHN với tổng kinh phí là 125,18 triệu USD. Trong đó vốn từ Ngân hàng Thế giới là 100,87 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 24,31 triệu USD. Với khoản tín dụng này, ĐHQGHN sẽ đầu tư xây dựng tổ hợp gồm 18 tòa nhà từ một đến tám tầng với các lớp học, văn phòng, thư viện, hệ thống phòng thí nghiệm, khu điều hành trung tâm, khu thể thao và một phần các công trình hạ tầng cơ bản như hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, giao thông nội bộ… Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chào mừng bà Carolyn (Carrie) Turk đảm nhiệm vị trí Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và bày tỏ trân trọng trước những đóng góp của bà trong việc giảm nghèo và bất bình đẳng tại nhiều quốc gia. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, ĐHQGHN luôn đề cao tính hiệu quả khi triển khai Dự án này. Dự kiến sẽ có từ 15 đến 20 nghìn sinh viên trong tổng quy mô khoảng 50 nghìn sinh viên của ĐHQGHN học tập thường xuyên, sử dụng cơ sở vật chất của Dự án, đảm bảo chỉ tiêu về hiệu quả phục vụ đào tạo. Dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN” được triển khai song song với Dự án Đại học số của ĐHQGHN, Giám đốc Lê Quân tin rằng việc này không chỉ giúp phát huy nguồn lực cơ sở vật chất mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, xuyên suốt, phục vụ nhu cầu đào tạo, nghiên cứu của ĐHQGHN. Giám đốc Lê Quân mong rằng qua Dự án này, ĐHQGHN không chỉ được đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị tiên tiến mà thông qua đó, ĐHQGHN được tiếp cận hơn nữa nhiều công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại, góp phần tăng cường năng lực thể chế và thúc đẩy áp dụng công nghệ kỹ thuật số mới, đảm bảo phù hợp với các mục tiêu phát triển chiến lược của ĐHQGHN đến năm 2045. Bà Carolyn (Carrie) Turk đảm nhiệm vị trí Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam kể từ ngày 01/7/2020. Bà Turk, quốc tịch Anh, đã tham gia công tác tại Ngân hàng Thế giới từ năm 1998. Bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, trong đó có Chuyên gia Cao cấp về Giảm nghèo tại Việt Nam, Chuyên gia Phát triển Xã hội Cao cấp và Chuyên gia Trưởng về Phát triển Xã hội tại Đông Âu và khu vực Trung Á, và Giám đốc Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Rwanda. Vị trí gần nhất mà bà đảm nhiệm là Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới của nhóm các nước Ethiopia, Nam Sudan, Sudan và Eritrea. Trước khi làm việc tại Ngân hàng Thế giới, bà Turk công tác tại Bộ Phát triển Quốc tế của Vương quốc Anh. Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ về Kinh tế của Đại học Cambridge và là tác giả của nhiều báo cáo về giảm nghèo và bất bình đẳng, trong đó có một cuốn sách dựa trên nghiên cứu về vấn đề bất bình đẳng giới tại 20 quốc gia. Bà Turk đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nhằm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư của Ngân hàng Thế giới và các chương trình chia sẻ tri thức với Việt Nam, bao gồm trao đổi ở cấp địa phương, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. | Tin liên quan: Ngân hàng Thế giới cấp tín dụng để xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione: đồng hành cùng xây dựng đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc
|