Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã đến dự và phát biểu tại buổi thuyết trình. Tham dự chương trình có ông Emmanuel Labrande - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Đại diện cho Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Phạm Khánh Toàn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Xây dựng; bà Trần Thúy Lan – Phó Trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội. Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại buổi thuyết trình Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá cao Viện Quốc tế Pháp ngữ đã có sáng kiến tổ chức buổi thuyết trình này và đánh giá cao chủ đề của buổi thuyết trình bởi chủ đề của nó liên quan đến một biểu tượng của tình hữu nghị và mối quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Việt Nam và Pháp nói riêng, giữa Việt Nam với thế giới nói chung. Buổi thuyết trình này nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu số hóa di sản văn hóa do Viện Quốc tế Pháp ngữ tiến hành với sự tài trợ của Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF). Cùng với đó, ĐHQGHN cũng đang triển khai và đưa vào số hóa nhiều công trình nghiên cứu di sản khác, nhằm góp phần vào sự phát triển công tác quy hoạch, quản lý đô thị cũng như phát triển và bảo tồn văn hóa, giữ gìn các yếu tố bản sắc dân tộc. Tại buổi thuyết trình, PGS.TS Corinne Flicker không chỉ giới thiệu về cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của Claude Bourrin - Giám đốc đầu tiên của Nhà hát lớn, người đã dành trọn cuộc đời mình để truyền bá kịch Pháp sang Đông Dương mà còn giới thiệu quá trình hình thành của kịch nói Việt Nam hiện đại trong bức tranh hiện đại hóa xã hội Việt Nam nói chung đầu thế kỷ XX. Cũng nhân dịp này, bà đã điểm lại danh sách các vở kịch của Pháp đã được du nhập vào Đông Dương và được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. PGS.TS Corinne Flicker Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Quốc tế Pháp ngữ Ngô Tự Lập cho biết, tự hào là đơn vị thành viên của ĐHQGHN và tự hào với các chương trình đào tạo được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) trao danh hiệu “Chương trình đào tạo quốc tế” - chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp đầu tiên trên thế giới được cấp chứng nhận chương trình đào tạo quốc tế đạt chẩn của AUF, Viện không ngừng tăng cường các hoạt động, dự án nghiên cứu liên ngành, mở rộng hợp tác với các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước để đưa Viện phát triển thành Viện nghiên cứu và đào tạo quốc tế liên ngành, chất lượng cao, với bản sắc là sự hợp tác với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. Corinne Flicker là Phó giáo sư, Tiến sĩ về văn học Pháp thế kỷ XX tại Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp. Bà cũng là chuyên gia về sân khấu kịch Pháp hiện đại và đương đại. Bà đã có nhiều nghiên cứu về sân khấu Việt Nam và Đông Dương. PGS.TS Corinne Flicker là người đầu tiên khám phá khối lượng lớn tài liệu lưu trữ cả ở Pháp và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 ở Việt Nam về Claude Bourrin, cũng như đóng góp của ông đối với sân khấu tại Việt Nam. Claude Bourrin – Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn đến Đông Dương với cương vị công chức sở Hải quan, rồi diễn viên nghiệp dư ở các buổi diễn thường kỳ tại nhiều địa điểm giải trí Hải Phòng, Hà Nội, trước khi Nhà hát Lớn khánh thành 1911. Lần xuất hiện trên sân khấu đầu tiên của ông tại Đà Nẵng năm 1904. Thế chiến thứ nhất buộc ông trở về Pháp, cho tới 1924 quay lại Đông Dương bắt đầu quá trình làm sân khấu chuyên nghiệp. Danh tiếng giúp ông giữ vị trí lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội từ năm 1927 - 1928, lãnh đạo ba nhà hát thành phố tại Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn từ năm 1928 - 1930. Người Pháp tạo nên không khí sôi động của sân khấu tại Đông Dương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng chủ yếu hài kịch bình dân, đáp ứng nhu cầu giải trí của binh lính. Nhờ kiến thức được đào tạo tại trường Copeau ở Pháp, Claude Bourrin đề xuất cải biên các tiết mục. Ông cũng là người đưa kịch Molière, Corneille, Racine lên sàn diễn Nhà hát Lớn thành công, vừa đảm bảo tính giải trí, vừa đề cao giá trị văn học của sân khấu. Tiếp nối thành công đưa kịch Molière diễn bằng tiếng Pháp tới công chúng Việt Nam là vở kịch “Người bệnh tưởng” được trình diễn bằng tiếng Việt tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 1920. Người đầu tiên có công dịch vở kịch Pháp này sang tiếng Việt là học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông cũng dịch vở “Trưởng giả học làm sang” sang tiếng Việt vào năm 1923. Đây cũng là tiền đề để tác giả Vũ Đình Long viết “Chén thuốc độc”, vở kịch hiện đại đầu tiên thuần Việt. Tác giả Vũ Đình Long cũng cải biên, Việt hóa nhiều vở khác của Pháp bao gồm: Thờ nước, Công tôn nữ Ngọc Dung, Tổ quốc trên hết, Gia tài. |
|