
Đào tạo trực tuyến là xu thế tất yếu tại ĐHQGHN Trong thời đại số hóa và công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến không chỉ là một sự tiến bộ mà còn là một yếu tố quan trọng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học, của xã hội, giúp các cơ sở giáo dục đại học tối ưu hóa bài toán nguồn lực và chất lượng giảng dạy. Trong bất kỳ hình thức đào tạo nào, chất lượng đào tạo vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của ĐHQGHN. Công tác đào tạo trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQGHN trong năm 2025, cũng là nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác đào tạo của ĐHGQHN thời gian tới. Việc tổ chức đào tạo trực tuyến học phần Nhà nước & pháp luật đại cương và tiếng Anh B1 là viên gạch đầu tiên để xây dựng nên mô hình đào tạo trực tuyến hiện đại, đa dạng, hiệu quả của ĐHQGHN trong thời gian tới. ĐHQGHN xem đào tạo trực tuyến là một phương thức đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện hiệu quả triết lý lấy người học làm trung tâm theo tiếp cận cá thể hoá giáo dục. Các môn học phần chung dành cho sinh viên mở đầu cho một chặng đường mới, chứng minh cho sự thay đổi quan trọng trong cách ĐHQGHN tiếp cận giáo dục - sự thay đổi gắn với đào tạo trực tuyến, một cột mốc quan trọng trong công tác chuyển đổi số của ĐHQGHN. 
Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường chủ trì cuộc họp về công tác đào tạo trực tuyến của ĐHQGHN tổ chức sáng nay 14/3/2025 Theo Phó Giám đốc Đào Thanh Trường, ĐHQGHN đảm bảo việc tổ chức đào tạo trực tuyến vẫn giữ được tinh thần của giáo dục truyền thống, nơi mà sự tương tác giữa người dạy và người học luôn được coi trọng. Các môn học trực tuyến sẽ có hoạt động học tập và học liệu đa dạng để mọi sinh viên không chỉ tích lũy được kiến thức, kỹ năng mà còn được sự phát triển về mặt con người. 
Nhiều sinh viên ĐHQGHN khi tham gia học phần môn chung đánh giá cao công tác giảng dạy trực tuyến. Bởi khi học trực tuyến, sinh viên có thể tham gia học tập chủ động hơn khi được tiếp cận với hệ thống bài giảng, học liệu, các hoạt động học tập đã được thiết kế có hệ thống và khoa học. Đặc biệt, hệ thống quản lý học tập trực tuyến VNU LMS được thiết kế thân thiện và linh hoạt, có khả năng tổ chức kho học liệu đa dạng, liên kết tới hệ thống Bookworms của Trung tâm Thông tin Thư viện và Tri thức số (VNU LIC), giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với tri thức phục vụ việc học tập. Các bạn sinh viên cho biết, việc tham gia học trực tuyến còn tiết kiệm thời gian di chuyển và linh hoạt để xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. 
Một số cán bộ tham dự cuộc họp là cán bộ đào tạo, cũng là giảng viên tham gia đào tạo học phần trực tuyến cho rằng việc ĐHQGHN triển khai đào tạo trực tuyến một số học phần chung vừa qua là vô cùng thiết thực và bổ ích cho cả sinh viên và giảng viên. Các đại biểu cũng chia sẻ những vướng mắc còn gặp phải trong quá trình dạy học, đặc biết là về kỹ thuật. Đồng thời các đại biểu cho biết, ĐHQGHN cần mở rộng thêm công tác này cho nhiều môn học đại cương khác cho sinh viên. Việc triển khai xây dựng và tổ chức giảng dạy học phần môn chung theo mô hình đào tạo trực tuyến của ĐHQGHN phù hợp với vai trò sứ mệnh tiên phong của đất nước của ĐHQGHN, đồng thời giảng viên cũng sắp xếp được thời gian cho nghiên cứu và giảng dạy. 
ĐHQGHN tiên phong trong đào tạo kết hợp, lấy đào tạo trực tuyến làm yếu tố then chốt ĐHQGHN đang tích cực triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy và mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên. Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (VNU LMS) đã được đưa vào vận hành từ năm 2021, thu hút hơn 65.000 người dùng và tạo ra hơn 15.000 lớp học phần. Hiện tại, hơn 12.000 sinh viên chính quy của các trường thành viên như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Việt Nhật, … đang theo học các môn chung theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt, trong hai năm học 2023-2024 và 2024-2025, ĐHQGHN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc tổ chức giảng dạy trực tuyến và tổ chức thi trên máy tính. Số lượng sinh viên tham gia học tập các học phần chung như học phần Nhà nước & pháp luật đại cương, tiếng Anh B1 đã tăng từ 11.575 lên 31.156 sinh viên. Công tác tổ chức thi trên máy tính đã phục vụ 64.365 lượt thí sinh, với tỷ lệ sinh viên đạt kết quả tốt ở mức cao. ĐHQGHN đã giao nhiệm vụ đào tạo trực tuyến cho Viện Đào tạo số & Khảo thí; Trung tâm Đại học số nhằm phát triển các mô hình giảng dạy hiện đại. Viện không chỉ tổ chức các khóa học trực tuyến mà còn đào tạo, bồi dưỡng năng lực giảng viên và hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục quốc tế để nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến. Ngoài việc giảng dạy cho sinh viên chính quy, ĐHQGHN cũng tăng cường đẩy mạnh việc hợp tác với các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, hướng đến cung cấp các chương trình đào tạo từ xa theo tiêu chuẩn quốc tế. 
Trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Đào tạo số & khảo thí Nghiêm Xuân Huy đã đưa ra một số đề xuất, giải pháp hữu ích nhằm cải thiện công tác giảng dạy trực tuyến như: cải thiện quy trình đăng ký; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị học phần; nâng cấp hệ thống công nghệ. Ngoài ra, để mở rộng quy mô đào tạo trực tuyến và đảm bảo chất lượng, Viện trưởng nhấn mạnh, cần cải thiện công tác tổ chức thi trên máy tính để cải thiện chất lượng nội dung học tập trực tuyến và hệ thống tổ chức thi, đảm bảo tính chính xác, công bằng và hiệu quả trong đánh giá kết quả học tập. Những nỗ lực này cho thấy ĐHQGHN đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đào tạo số hóa, đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt của sinh viên trong thời đại công nghệ 4.0. Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường ghi nhận nỗ lực của đơn vị trong thời gian qua trong công tác đào tạo trực tuyến. Trong thời gian tới, các đơn vị rà soát lại các chương trình để ĐHQGHN thẩm định, ban hành, trước khi giao cho đơn vị thực hiện. Phó Giám đốc đề nghị các đơn vị liên quan cần rà soát, tham mưu và xây dựng bộ tiêu chí, quy định cụ thể về công tác đào tạo trực tuyến nhằm hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị. Đặc biệt, trong công tác phân bổ nguồn nhân lực giảng dạy học phần khoa học chung nhằm phát huy được nguồn lực chung của ĐHQGHN. ĐHQGHN lấy tiêu chí chất lượng làm yếu tố tiên quyết, chương trình đào tạo gắn với đảm bảo chất lượng, thống nhất đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp với các học phần chính trị trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Đào tạo trực tuyến phải đảm bảo tính liên thông, liên kết trong toàn ĐHQGHN (OneVNU); Các đơn vị đào tạo phối hợp công tác chuyên môn với các đơn vị liên quan. Các bài giảng cần cập nhật, làm mới để đảm bảo chất lượng và sinh viên dễ thích nghi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Phó Giám đốc cũng đề nghị các đơn vị cần phối hợp để chuẩn hóa chương trình; kịp thời báo cáo ĐHQGHN để giải quyết các vướng mắc nhằm đảm báo tính tường minh, nội dung và giảng dạy trên ứng dụng VNU LMS. Dựa trên các nguyên tắc an toàn và bảo mật dữ liệu; đồng bộ và liên thông, quản lý được dữ liệu người học và người dạy, liên thông học liệu tới hệ thống ĐHQGHN; chuẩn hóa bằng văn bản trong công tác xây dựng, thiết kế chương trình giảng dạy; chuẩn hóa các văn bản trực tuyến trên các chương trình đào tạo. Các đơn vị xây dựng chương trình theo chuẩn của ĐHQGHN và Bộ Giáo dục & Đào tạo đề ra, đảm bảo đào tạo trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến. >>> Tin bài liên quan: - Lần đầu tiên sinh viên ĐHQGHN được tiếp cận và học tập trực tuyến học phần “Nhà nước và pháp luật đại cương” - Những xu thế và thách thức trong đào tạo trực tuyến: Kinh nghiệm triển khai trên thế giới và bài học cho giáo dục đại học Việt Nam |