Tin tức  Đảng - Đoàn thể 22:58:10 Ngày 17/01/2025 GMT+7
Nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã có những khoảnh khắc đất nước ta vươn mình, để lại dấu ấn sâu đậm trong cảm thức lịch sử của dân tộc. Những cảm thức đó suốt dặm dài lịch sử như một nguồn năng lượng thắp sáng hy vọng, khơi dậy khát vọng, củng cố niềm tin, tiếp thêm năng lượng cho dân tộc ta trong những thời khắc bước ngoặt lớn của tiền đồ dân tộc, vận mệnh quốc gia.

1. Dân tộc Việt Nam - những thời khắc vươn mình trong cảm thức lịch sử

Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã có những khoảnh khắc đất nước ta vươn mình, để lại dấu ấn sâu đậm trong cảm thức lịch sử của dân tộc. Những cảm thức đó suốt dặm dài lịch sử như một nguồn năng lượng thắp sáng hy vọng, khơi dậy khát vọng, củng cố niềm tin, tiếp thêm năng lượng cho dân tộc ta trong những thời khắc bước ngoặt lớn của tiền đồ dân tộc, vận mệnh quốc gia.

Trước tiên là huyền thoại về Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương trong kỷ nguyên khởi nguồn dân tộc. Trước thử thách sống còn của giống nòi, nghe lời truyền gọi của vua Hùng “tìm người tài ra giúp nước”, một cậu bé lên ba bỗng chốc vươn mình thành người anh hùng kỳ vĩ có sức vóc vươn tận trời xanh,   phò vua, giúp nước đánh tan giặc ngoại xâm. Ngàn đời nay, Thánh Gióng đã đi vào tâm thức nhân dân ta như một trong bốn vị thánh “tứ bất tử”, góp phần nuôi dưỡng ý chí quật cường và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Tiếp đến đầu thế kỷ XI, sau khi kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc và củng cố được khối thống nhất quốc gia, với chủ ý “mưu nghiệp lớn, chọn chỗ ở giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời”(1), Hoàng đế Lý Thái Tổ đã quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Tương truyền, khi đoàn thuyền của nhà vua vừa tới, rồng vàng đã hiện ra và vươn mình bay lên trời xanh. Lý Thái Tổ nhân đó đặt tên kinh đô mới của đất nước là Thăng Long(2), mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên quân chủ độc lập văn trị, võ công rực rỡ của dân tộc suốt hơn 9 thế kỷ với thế nước “rồng bay lên”.

Kịp tới mùa Thu năm 1945, diễn biến mau lẹ của cuộc Chiến tranh thế giới II và tình hình trong nước đã đặt dân tộc ta trước một thời cơ lịch sử “ngàn năm có một”. Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi lời hiệu triệu thống thiết: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta!(3). Dưới ngọn cờ đại nghĩa chói lọi của Đảng, dân tộc ta đã nhất tề vươn mình đứng dậy làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước, kỷ nguyên độc lập, tự do với những võ công hiển hách vang dội năm châu.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986

Tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã diễn ra trong một bối cảnh thế giới phức tạp, khôn lường. Ở trong nước, cách mạng Việt Nam cũng phải đương đầu với những khó khăn rất gay gắt, vận mệnh quốc gia và chế độ đứng trước những thử thách sống còn. Giữa lúc đó, sau những thử nghiệm dũng cảm và sự cân nhắc chiến lược cẩn trọng và quyết đoán, Đảng ta đã tuyên bố đường lối Đổi mới với phương châm “Lấy dân làm gốc” và “Đổi mới tư duy”. Đường lối mới từ Đại hội VI của Đảng một lần nữa lại khai mở ra một kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên Đổi mới, từng bước đưa đất nước ta vượt qua trình trạng khủng hoảng trầm trọng, từng chuyển đổi mô hình phát triển, chủ động hội nhập quốc tế thành công, đạt được những thành tựu to lớn có tầm vóc lịch sử lớn lao. Nhờ đó mà chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ vững chắc, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Nhìn lại lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, “kỷ nguyên” chính là một khoảng thời gian lịch sử với độ dài, ngắn khác nhau, nhưng, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, đều “được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội - văn hóa - chính trị - tự nhiên”(4). Những sự kiện và những đặc điểm quan trọng đó là những chỉ dấu để nhận biết, định vị và đánh giá về ý nghĩa và tầm vóc của từng kỷ nguyên, còn xét về bản chất, mỗi kỷ nguyên mới là sự kết hợp biện chứng giữa tính kế thừa, tiếp nối của những thành tựu và nền tảng từ kỷ nguyên hay thời kỳ phát triển trước đó với những chuyển biến căn bản, có tính đột phá mạnh mẽ trong thời kỳ phát triển mới để đưa vận mệnh, tiền đồ đất nước – dân tộc lên một tầm cao mới, với một vị thế và tầm vóc mới.

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (Ảnh: TTXVN)

Tiếp cận tư duy chiến lược biện chứng như thế, có thể thấy đất nước ta, dân tộc ta, chế độ ta thực sự đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới với những cơ hội và thách thức mới. Với dự cảm đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước Nhân dân, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã định danh một cách chính xác kỷ nguyên mới đó là “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc Việt Nam. Nhận định này có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc, đang truyền cảm hứng và khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí vươn lên của toàn Đảng và toàn dân ta.

2. Bối cảnh thời đại và đòi hỏi khách quan đặt ra đối với đất nước ta trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích và chỉ ra, rằng: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”(5).

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”

Về đặc điểm, tính chất, Tổng Bí thư xác định: “Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại”(6).

Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng: “Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới”(7).

Chúng tôi cho rằng cần tập trung nghiên cứu, làm rõ hơn nhận định trên đây của TBT Tô Lâm về các thời cơ và các lợi thế cơ bản, chủ yếu cũng như các nguy cơ và thách thức nghiêm trọng nhất đối với dân tộc ta trong các thập kỷ tiếp theo. Đặc biệt là làm rõ “mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới”. Trên cơ sở đó xác định tầm nhìn và điểm đột phá, những giải pháp có tính chất “quyết chiến chiến lược” của đất nước trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu cơ bản trong kỷ nguyên mới.

Nhiều nghiên cứu dự báo chiến lược đều cho rằng trong những thập kỷ tiếp theo, tương lai của toàn nhân loại sẽ được định đoạt bởi bốn quá trình biến đổi có tính thời đại, bao gồm: 1) toàn cầu hóa sâu rộng và tăng tốc; 2) cuộc cách mạng công nghiệp mới (4.0); 3) biến đổi khí hậu và 4) những biến đổi an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Bao trùm lên tất cả là quá trình biến đổi toàn cầu (global changes), trong đó cốt lõi là toàn cầu hóa trên nền tảng của cách mạng 4.0 và biến đổi khí hậu. Những biến đổi to lớn và sâu rộng này đã và đang đưa tới cho các quốc gia, cho từng cộng đồng, từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân những điều kiện thuận lợi chưa từng có và những thời cơ lịch sử để phát huy được những lợi thế, gia cường sức cạnh tranh và khẳng định vị thế ưu trội của mình. Đồng thời, quá trình biến đổi toàn cầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp mới cũng đặt các quốc gia, cộng đồng, doanh nghiệp và cá nhân trước những thách thức to lớn và những nguy cơ sống còn: nếu không giành được lợi thế và vượt lên trong cuộc cạnh tranh đó thì sẽ bị tụt hậu, bị lệ thuộc, bị chi phối và bị “hòa tan”.

Đương nhiên, tính chất và quy mô của thời cơ và thách thức đặt ra cho từng nhóm nước và mỗi quốc gia trong bối cảnh biến đổi toàn cầu đó cũng rất khác nhau. Đối với các nước “đi sau” – xét về trình độ phát triển, trong đó có Việt Nam, thì thời quá trình biến đổi toàn cầu dựa trên nền tảng của cách mạng 4.0 đã và đang đưa lại thời cơ lịch sử với những điều kiện thuận lợi ngày càng to lớn hơn để hiện thực hóa thành công “chiến lược phát triển rút ngắn” để gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phát triển nhất.

Nhưng khó khăn nan giải nhất và cũng là thách thức có tính chất sống còn với Việt Nam và các nước thuộc nhóm “đi sau” là sự gia tăng nhanh chóng khoảng cách tụt hậu về trình độ phát triển, rõ nhất là tụt hậu về kinh tế. Đây chính là một trong bốn nguy cơ chủ yếu đối với sự tồn vong của chế độ, của quốc gia dân tộc đã được Đảng ta liên tục cảnh báo từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) đến nay. Đại hội lần thứ XIII Đảng ta tiếp tục nhận định: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn(8). Gần đây, ngày 13-3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục nêu nhận định: “Bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng và tệ quan liêu, "diễn biến hòa bình") mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn”(9). Đây cũng là nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra ngày 30-1-2024: “nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển”(10).

3. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - khâu đột phá chiến lược then chốt nhất trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

3.1. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Ngay từ năm 1991, trong Cương lĩnh (sửa đổi) và trong Chiến lược phát triển quốc gia trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã xác định phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”(11). Tiếp đó, từ Đại hội XI (2011) đến nay Đảng ta luôn luôn xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba “đột phá chiến lược” trong chiến lược phát triển quốc gia. Đây là chủ trương nhất quán, là những lựa chọn ưu tiên chiến lược hoàn toàn đúng đắn của Đảng, bởi con người luôn luôn vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất của quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, phát triển nguồn nhân lực nói riêng càng có ý nghĩa then chốt, quyết định nhất. Bởi lẽ, như đã chỉ ra ở bên trên, để dân tộc Việt Nam có thể vươn mình, “tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình” và gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phát triển tiên tiến, “sánh vai với các cường quốc năm châu” được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc các thế hệ người Việt Nam trong tương lai có đủ năng lực và phẩm chất để đưa đất nước ta vượt qua được tình trạng tụt hậu về trình độ phát triển hay không. Đây chính là điều đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-9-1945: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.(12)

3.2. Cấu trúc đội ngũ của nguồn nhân lực chất lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Để “quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước, thực sự đưa sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực là một “đột phá chiến lược” then chốt của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì điều quan trọng đầu tiên cần phải làm rõ là: Trong những thập kỷ tiếp theo đất nước ta cần có nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao có cấu trúc đội ngũ và cấu trúc năng lực, phẩm chất như thế nào.

Trên cơ sở của nhiều nghiên cứu của các chuyên gia ở trong và ngoài nước về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, chúng tôi có thể trình bày khái quát về cấu trúc tổng thể nguồn nhân lực của nước ta trong kỷ nguyên mới.

Cấu trúc tổng quát nguồn nhân lực Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thực tế, đây cũng là cấu trúc chung của đội ngũ nhân lực của nhiều nước trên thế giới và của nước ta hiện nay. Vấn đề là trong kỷ nguyên mới, chúng ta phải tại ra sự dịch chuyển như thế nào trong cấu trúc nói trên, xét về trình độ được đào tạo và năng lực làm việc ?

Việc đội ngũ lao động phổ thông chiếm phần đông về số lượng là một tất yếu, và là một xu hướng cần được hỗ trợ bởi chính sách dân số - dân cư, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số toàn cầu. Tuy nhiên, điểm then chốt là trong kỷ nguyên mới, hệ thống giáo dục và đào tạo nước ta phải tạo điều kiện để đội ngũ này sớm chuyển hóa và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, việc tiếp tục, kiên quyết thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện toàn bộ nền GD&ĐT nước ta theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW của Đảng là vô cùng quan trọng. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần có ngay những giải pháp để dẫn dắt và hỗ trợ cho quá trình “chuyển đổi ngang” đối với đội ngũ nhân lực phổ thông ở nước ta hiện nay thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong trên nền tảng Cách mạng 4.0.

Một số người ở Việt Nam và nước ngoài thường nêu ra và nhấn mạnh quá mức, rằng trong vòng 10-15 năm nữa, do Cách mạng 4.0 mà khoảng hơn 70% nghề nghiệp hiện nay sẽ biến mất, thay vào đó là những nghề nghiệp mới với đòi hỏi quá cao, khiến cho phần đông dân cư sẽ bị thất nghiệp, bị “gạt ra bên lề” và trở thành gánh nặng cho xã hội. Qua nghiên cứu thực tế và những khảo sát công phu, nghiêm túc trên thế giới lại cho chúng ta một nhận thức ngược lại, giàu tính thực tiễn hơn: việc chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng 4.0 không phải là vấn đề quá phức tạp, khó khăn như trước đây, bởi đã có sự hỗ trợ của Giáo dục 4.0. Tờ Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) đã cho biết sự thực sau đây từ kết quả của một cuộc khảo sát toàn cầu (xem Hình 2). Theo đó, có đến 46% số người tham gia chuyển đổi nghề nghiệp mà không cần đào tạo lại. 13% số người chỉ cần đào tạo lại trong thời gian dưới một tháng. 12% số người chỉ cần đào tạo lại trong thời gian từ 1-3 tháng. 10% số người cần đào tạo lại trong thời gian từ 3-6 tháng. 9% số người cần đào tạo lại trong thời gian từ 6-12 tháng và chỉ có khoảng 10% số người cần đào tạo lại trong thời gian hơn một năm.

Như vậy là quá trình chuyển đổi nghề nghiệp lớn nhất trong lịch sử loài người do Cách mạng 4.0 gây ra thực chất không quá phức tạp, nếu nó được Giáo dục 4.0 hỗ trợ. Và như vậy, hệ thống giáo dục phổ thông và hệ thống trường nghề cùng với các khóa huấn luyện ngắn hạn sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi này diễn ra nhanh gọn và hiệu quả.

Đây chính là điểm tác động chính sách quan trọng mà thời gian tới Đảng, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm.

Yêu cầu tái đào tạo khi chuyển đổi việc làm do Cách mạng 4.0(13)

Bộ phận thứ hai, đóng vai trò rất quan trọng là nguồn nhân lực chất lượng cao. Một phần chính, cơ bản của đội ngũ này là sản phẩm đào tạo của hệ thống các trường đại học và cao đẳng ở nước ta. Trước yêu cầu bức thiết của sự nghiệp vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới, tất cả các trường đại học và cao đẳng, ở cả khu vực công và khu vực ngoài công lập đều bắt buộc phải tập trung hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ nhâ lực này vừa phải rất đông đảo, đủ về số lượng để cung cấp cho yêu cầu ngày một gia tăng nhanh chóng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa và quốc phòng, an ninh của đất nước, đồng thời lại phải đa dạng, linh hoạt về cấu trúc ngành nghề, không chỉ bao gồm các ngành công nghệ cao, kinh tế, kinh doanh mà còn gồm cả các ngành nghề thuộc nhóm khoa học sự sống, xã hội nhân văn vv.

Điểm cốt yếu nhất của đội ngũ nhân lực chất lượng cao này của nước ta là: họ phải có một cấu trúc năng lực và phẩm chất hoàn toàn mới.

Bộ phận thứ ba, đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vai trò dẫn dắt, mở đường trong toàn bộ cấu trúc nguồn nhân lực Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình chính là đội ngũ nhân tài, hay nói khác đi là nguồn nhân lực tinh hoa của đất nước.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và cách mạng 4.0, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Singapore… đều ra sức triển khai chiến lược quốc gia về nhân tài. Mỗi nước có cách tiếp cận và giải pháp riêng, nhưng chắc chắn Trung Quốc là quốc gia thành công nhất trong chiến lược này. Trước khi tiến hành cải tổ (1978) có thể nói số lượng các nhà khoa học, kinh tế - kinh doanh tầm vóc thế giới của Trung Quốc là không đáng kể. Còn ngày nay, nhân tài người Trung Quốc đã có mặt ở hầu hết các trung tâm đổi mới sáng tạo nổi tiếng toàn cầu, và nhiều người trong số họ giữ những vị trí then chốt. Chính đội ngũ nhân lực tinh hoa đã giúp cho Trung Quốc nhanh chóng trở thành nền kinh tế thứ II trên thế giới, với ảnh hưởng có sức chi phối toàn cầu.

Singapore, Mỹ, Đức và gần đây là Hàn Quốc, Qatar, Arab Saudi và một số nước Trung Đông đã trở thành điểm đến của nguồn nhân lực tinh hoa toàn thế giới và chính điều này đã gia cường năng lực cạnh tranh quốc gia của họ trên phạm vi toàn thế giới.

Những kinh nghiệm hay của nhiều nước trên thế giới có giá trị tham khảo cao đối với Việt Nam. Trong kỷ nguyên mới, nếu chúng ta không đạt được bước chuyển biến đột phá đáng kể trong phát triển đội ngũ nhân lực tinh hoa thì đất nước khó có thể vươn mình, cất cánh thành công. Bởi lẽ bản chất của cuộc cạnh tranh toàn cầu trong kỷ nguyên mới sẽ là cuộc cạnh tranh gay gắt về đổi mới sáng tạo (innovation), trong đó hai nội dung cạnh tranh quyết định nhất chính là cạnh tranh về tốc độ đổi mới tri thức khoa học và tốc độ rút ngắn vòng đời công nghệ.

Không riêng gì Việt Nam mà tất cả các quốc gia nếu không giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh này thì sẽ bị rơi vào tình trạng tụt hậu càng ngày càng xa và sẽ bị lệ thuộc lâu dài vào các nước phát triển cả về trí tuệ, công nghệ và văn hóa(14).

Vì vậy, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần dứt khoát phải ban hành và thực hiện thành công chiến lược nhân tài quốc gia hay chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực tinh hoa với một hệ thống các giải pháp đột phá mạnh, kiên quyết, khả thi để nhanh chóng có được một đội ngũ nhân lực tinh hoa, nhân tài đảm đương nhiệm vụ dẫn đường, mở lối cho sự vươn mình của từng ngành, từng lĩnh vực và của cả nước.

Một trong những điểm then chốt của chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực tinh hoa là phải phát triển cho được một hệ thống trường đại học và viện nghiên cứu tinh hoa. Hợp tác quốc tế vô cùng quan trọng, nhưng phải nhớ rằng có những bộ phận nhân lực tinh hoa chỉ có Việt Nam mới có thể đào tạo cho Việt Nam. Đây là sứ mệnh của ĐHQGHN, ĐHQG Tp. HCM và các đại học khác trên cả nước, nhưng cũng là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và của toàn thể các ngành, các địa phương.

3.3. Cấu trúc phẩm chất và năng lực của nguồn nhân lực tinh hoa, chất lượng cao trong kỷ nguyên mới

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và Cách mạng 4.0, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện với nỗ lực phác họa ra cấu trúc năng lực và phẩm chất của các thế hệ “công dân toàn cầu”, và nhất là của nguồn nhân lực tinh hoa trong tương lại. Xin dẫn ra đây một mô hình có tầm ảnh hưởng cao trong giới khoa học giáo dục toàn cầu. Năm 2020 Diễn đàn kinh tế thế giới (Word Economic Forum) đưa ra một mô hình dự báo như sau (xem Hình 3). Đây cũng là mô hình năng lực được UNESCO sử dụng khi đề cập đến Giáo dục 4.0(15).

Mô hình năng lực của học sinh trong Giáo dục 4.0(16)

Theo đó, 8 năng lực được cho là những năng lực mà nền giáo dục trong cuộc Cách mạng 4.0 sẽ giúp cho học sinh phát triển là:

(1) Các kỹ năng công dân toàn cầu: Bao gồm các nội dung tập trung vào việc xây dựng nhận thức về thế giới rộng lớn hơn, về tính bền vững và việc cần đóng vai trò tích cực trong cộng đồng toàn cầu.

(2) Các kỹ năng đổi mới và sáng tạo: Bao gồm các nội dung thúc đẩy các kỹ năng cần thiết cho đổi mới sáng tạo, bao gồm giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phân tích, sáng tạo và phân tích hệ thống.

(3) Các kỹ năng công nghệ: Bao gồm các nội dung dựa trên việc phát triển các kỹ năng kỹ thuật số, như lập trình, trách nhiệm kỹ thuật số và sử dụng công nghệ.

(4) Các kỹ năng giao tiếp liên cá nhân: Bao gồm các nội dung tập trung vào trí tuệ cảm xúc liên cá nhân, như sự đồng cảm, hợp tác, đàm phán, nghệ thuật lãnh đạo và nhận thức xã hội.

(5) Học tập cá nhân hóa và theo nhịp độ riêng: Chuyển từ những hệ thống nơi việc học tập chuẩn hóa (như trường học hiện nay chẳng hạn) sang một hệ thống, môi trường học tập dựa trên nhu cầu cá nhân đa dạng của từng người học và đủ linh hoạt để cho phép mỗi người học tiến bộ theo cách thức và nhịp độ riêng của họ.

(6) Học tập dễ tiếp cận và hòa nhập: Chuyển từ một hệ thống, nơi việc học tập chỉ giới hạn ở những người có quyền tiếp cận các trường, lớp học chính quy sang một hệ thống trong đó mọi người đều có quyền tiếp cận học tập và do đó mang tính hòa nhập.

(7) Học tập dựa trên vấn đề và hợp tác: Chuyển từ phân phối nội dung dựa trên quy trình sang dựa trên dự án và vấn đề, đòi hỏi sự hợp tác ngang hàng và phản ánh chặt chẽ hơn tương lai của công việc.

(8) Học tập suốt đời và lấy học sinh làm định hướng trung tâm: Chuyển từ một hệ thống mà việc học tập và kỹ năng giảm dần theo tuổi đời của một người sang một hệ thống mà mọi người liên tục cải thiện các kỹ năng hiện có và tiếp thu những kỹ năng mới dựa trên nhu cầu cá nhân của họ(17).

Chỉ mới phác qua những nét cơ bản và tiếp cận chủ yếu từ phương diện yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của người học, chúng ta đã thấy cuộc Cách mạng 4.0 đang và sẽ đặt ra những yêu cầu rất mới mẻ, rất khác biệt cho giáo dục và đào tạo. Điều này xuất phát từ những chuyển biến mà cách mạng công nghiệp mới đưa lại cho thế giới, làm nảy sinh muôn vàn nghề nghiệp mới, yêu cầu mới, cơ hội mới, lựa chọn mới trong cuộc sống. Những điều này đến lượt nó khiến cho toàn bộ nền giáo dục phải thay đổi, và khi nền giáo dục thay đổi, nó lại góp phần rất tích cực thúc đẩy cách mạng công nghiệp mới, càng làm cho thế giới và cuộc sống của con người thay đổi nhanh hơn. Đó chính là “vòng xoáy công nghệ cao – giáo dục - nhân sinh” vô cùng vô tận, được đẩy tới với tốc độ ngày càng cao, càng sâu sắc, toàn diện, quy mô to lớn hơn. Vòng xoáy này kết hợp với quá trình toàn cầu hóa sẽ cùng định nghĩa lại tương lai nhân loại, và đó chính là xu thế không thể đảo ngược, con người không có lựa chọn khác.

Trong bối cảnh của đất nước ta và của thời đại, chúng tôi đề xuất một mô hình cấu trúc năng lực cốt lõi của nguồn nhân lực tinh hoa, chất lượng cao Việt Nam.

Cấu trúc năng lực của nguồn nhân lực tinh hoa, chất lượng cao Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Năm nhóm năng lực cốt lõi trong mô hình trên đây đều quan trọng, nhưng ở vị trí trung tâm, quan trọng nhất chính là nhóm “năng lực đổi mới sáng tạo”. Điều này do tính chất của kỷ nguyên văn minh trí tuệ và Cách mạng 4.0 quyết định và đây cũng là yêu cầu cốt lõi nhất đối với nguồn nhân lực này trong sứ mệnh dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua tình trạng tụt hậu, gia nhập vào hàng ngũ những quốc gia phát triển tiên tiến nhất trên thế giới trong vòng một vài thập kỷ tiếp theo.

Trong điều kiện nguồn lực quốc gia của Việt Nam còn chưa dồi dào và xuất phát từ yêu cầu thực tế của công cuộc Đổi mới, nhất là yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển rút ngắn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng tôi cho rằng trước hết cần tập trung ưu tiên tối đa cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tinh hoa ở một số lĩnh vực sau đây. Đây cũng là kinh nghiệm được rút ra từ việc nghiên cứu, tham khảo chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài ở một số nước.

Một số nhóm nhân lực tinh hoa chủ chốt của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

4. Khuyến nghị

Chắc hẳn sẽ cần những diễn giải chi tiết, thực chứng và đầy đủ cho mô hình cấu trúc về đội ngũ, về năng lực và phẩm chất của đội ngũ nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực tinh hoa, chất lượng cao nói riêng phục vụ các yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trên cơ sở những nghiên cứu, kiến giải bước đầu, chúng tôi xin nêu ra một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất là về nhận thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập chế độ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, và có thể khẳng định chắc chắn: ngày nay dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng “dốt tuyệt đối”, có chỉ số dân số biết chữ và chỉ số phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở cao nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, xét về năng lực đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh để làm chủ tri thức khoa học tiên phong và công nghệ nguồn, công nghệ lõi, về hàm lượng chất xám tích hội trong sản phẩm hàng hóa thì Việt Nam đang ở trong tình trạng tụt hậu, tình trạng “dốt tương đối”. Do đó, phải nghiên cứu làm rõ hơn nữa tình trạng “dốt tương đối” của dân tộc Việt Nam so với các dân tộc ở trình độ phát triển tiên tiến nhất. Phải chỉ ra được thật cụ thể là ta đang dốt cái gì? dốt ở mức độ nào? Đây là điều các nhà khoa học giáo dục của chúng ta chưa mạnh dạn chỉ ra được, đội ngũ các nhà khoa học cũng chưa thực sự trung thực và cầu thị để tự mình chỉ ra và thừa nhận yếu kém. Chỉ khi nào nhận thức được đầy đủ và chính xác tình trạng “dốt tương đối” của dân tộc ta thì chúng ta mới có cơ sở đáng tin cậy để đưa ra những giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai là về tổ chức thực hiện, phải phát triển cho bằng được nền giáo dục và đào tạo tiên tiến, hiện đại. Giáo dục và đào tạo, cùng với khoa học và công nghệ có sứ mệnh đi tiên phong, mở đường về trí tuệ thì mới dẫn dắt, đào tạo được con người và dẫn dắt tất cả các lĩnh vực khác của đời sống dân tộc đi lên bền vững. Giáo dục và khoa học công nghệ mà rơi vào tình trạng lạc hậu thì ngược lại kìm hãm sự phát triển của đất nước, của nhân loại.

Trong điều kiện “đi sau”, tụt hậu như nước ta hiện nay thì cần phải cân nhắc để tổ chức cho được một nền giáo dục hiện đại phù hợp. Trong mấy thập kỷ qua thế giới đã thảo luận không dứt về việc lựa chọn giữa giáo dục tinh hoa (elite education” và giáo dục đại chúng (mass education), nhưng dường như Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc thảo luận này. Mỗi mô hình hay triết lý giáo dục trên đều có lợi thế và hạn chế của nó. Chắc chắn, hiện nay và trong khoảng ba thập kỷ tiếp theo Việt Nam cần cả hai mô hình giáo dục đó, kết hợp với nhau một cách hài hòa.

Một mặt chúng ta rất cần có elite education ở một số ngành và lĩnh vực, ví dụ khoa học cơ bản và công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là để phát triển nguồn nhân lực tinh hoa, chất lượng cao. Sự thực là nếu chúng ta không thể đạt tới trình độ tinh hoa ở khoa học cơ bản và công nghệ mũi nhọn, thì vĩnh viễn nền giáo dục và khoa học công nghệ của chúng ta sẽ ở trong tình trạng dốt tương đối, bị lệ thuộc lâu dài.  Đối với mô hình giáo dục đại chúng cũng rất quan trọng và cần thiết cho Việt Nam hiện nay, vì đất nước đang cần một lực lượng lao động được đào tạo đông đảo đủ năng lực tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

Cho nên, cấp bách nhất là cần quy hoạch lại và kiên quyết kiên trì thực hiện được quy hoạch chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam theo hướng kết hợp hài hòa giữa giáo dục tinh hòa và giáo dục đại chúng, trong đó giáo dục và đào tạo tinh hoa phải được ưu tiên rất đặc biệt. Đó chính là điểm mấu chốt nhất để phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, vươn mình của toàn dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Thứ ba, là cần phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ và văn hóa. Trong bối cảnh ngày nay, đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ và văn hóa là đầu tư cho phát triển. “Quốc sách hàng đầu” mà không được quán triệt, thực hiện đầy đủ và sâu sắc như Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị thì là chính chúng ta đang tự tước đoạt tương lai của cả dân tộc.

Tất nhiên, vấn đề đầu tư cho giáo dục, khoa học và văn hóa là vấn đề phức tạp, không phải chỉ của Nhà nước. Thực tế là người dân Việt Nam hiện nay đang tự đầu tư rất lớn cho giáo dục, và chúng ta hoàn toàn có thể đa dạng hóa nguồn đầu tư cho giáo dục, khoa học và văn hóa, nhưng làm thế nào thì đó là trách nhiệm của hệ thống quản trị quốc gia do Đảng tổ chức, lãnh đạo và vận hành.

Thứ tư là phải khơi dậy được khát vọng phát triển và hào khí dân tộc. Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”(18). Điều đó vô cùng cần thiết, nhất là – như phần đầu của báo cáo này đã chỉ ra: trong lịch sử, mỗi khi dân tộc Việt Nam cần thiết và có thể vươn mình, cất cánh được là lúc khát vọng, trí tuệ và hào khí dân tộc phải được khơi dậy và thăng hoa mạnh mẽ.

------------------------------------------------

Chú thích:

(1) “Chiếu Dời đô” của Hoàng đế Lý Thái Tổ năm 1010. In trong: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I,  Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 241.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, sđd, tr. 241.

(3) Hồ Chí Minh, “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa”, in trong: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 418.

(4) https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html. Truy cập ngày 11-11-2024.

(5) https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html. Truy cập ngày 12-11-2024.

(6) Như trên.                                             

(7) Như trên.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 108.

(9) Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”. https://special.nhandan.vn/cong-tac-chuan-bi-nhan-su-DH-XIV/index.html. Truy cập ngày 14-3-2024.

(10) https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html. Truy cập ngày 12-11-2024.

(11) Tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12-8-2024,  Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định và kiên quyết chỉ đạo “quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân.”

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 7.

(13) Nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2019/02/4-myths-about-the-fourth-industrial-revolution-and-how-they-are-holding-you-back/

(14) Rasika Lawrence, Lim Fung Ching, Haslinda Abdullah, “Strengths and Weaknesses of Education 4.0 in the Higher Education Institution”, in: International Journal of Innovative Technology and Exploring Engineering (IJITEE), ISSN: 2278-3075, Volume-9 Issue-2S3, December 2019; “Dangers and Challenges of Education 4.0”, https://www.eurospeak-ireland.com/erasmus-projects/dangers-and-challenges-of-education-4-0/. Truy cập ngày 27-7-2024; George A. Panagiotopolos, Zoe A. Karanikola, “Education 4.0 and Teachers: Challenges, Risks and Benefits”, in: European Scientific Journal, ESJ ISSN: 1857-7881 (Print) e - ISSN 1857-7431 December 2020 edition Vol.16, No.34.

(15) https://unevoc.unesco.org/home/+TVETipedia+Glossary/lang=en/show=term/term=Education+4.0. Truy cập ngày 27-7-2024.

(16) Nguồn: World Economic Forum (2020), Schools of the Future. Defining New Models of Education for the Fourth Industrial Rolution. Xem tại: https://www3.weforum.org/docs/WEF_Schools_of_the_Future_Report_2019.pdf.  Truy cập ngày 27-7-2024.

(17) https://unevoc.unesco.org/home/+TVETipedia+Glossary/lang=en/show=term/term=Education+4.0. Truy cập ngày 27-7-2024.

(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sđd, tr. 111-112.

 GS.TS Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 395) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC