Đô thị Hòa Lạc 09:32:56 Ngày 04/12/2024 GMT+7
Đá rồi cũng trổ hoa
Mặc dù đã ở tuổi 85, mái tóc thầy đã bạc trắng, nhưng với đôi mắt vẫn ngời sáng, trí tuệ tuyệt vời, GS. Phan Hữu Dật - người kế nhiệm GS. Nguỵ Như KonTum làm Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội bồi hồi kể về những năm tháng được gắn bó làm việc với người tiền nhiệm của mình.
Tôi biết ông Kon Tum cũng đã lâu, nhưng chỉ được thực sự gần ông khi tôi về làm việc tại Trường ĐHTH Hà Nội. Ông Kon Tum làm Hiệu trường Trường ĐHTH Hà Nội suốt một 1/4 thế kỷ, trong quãng thời gian đó, tôi có may mắn được làm việc dưới sự lãnh đạo của GS. Kon Tum trên 20 năm, bắt đầu từ năm 1964, khi tôi được điều động về Khoa Sử.
Xuất thân từ một gia đình viên chức, cậu học trò thông minh, hiếu học Nguỵ Như Kon Tum tốt nghiệp loại xuất sắc cả 3 bằng - Tú tài Bản xứ, Tú tài Tây ban Toán, Tú tài Tây ban Triết. Nguỵ Như Kon Tum được cấp học bổng sang Pháp du học và tốt nghiệp cử nhân Vật lý, Thạc sĩ Lý - Hóa tại Đại học Paris, được nhận làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của ông bà Frédéric Joliot - Curie, 2 nhà vật lý học nguyên tử lừng danh của Pháp, được giải thưởng Nobel, nổi tiếng thế giới. Năm 1939, nghe theo lời khuyên chân thành của GS. Joliot - Curie, Nguỵ Như Kon Tum từ bỏ ý định đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử, từ biệt người thầy giàu trí tuệ và tốt bụng trở về nước làm việc.
Với tấm lòng yêu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông từ bỏ thế giới phồn hoa để trở về với đồng bào đang sông kiếp nô lệ, dạy tại trường Trung học Chasseloup (Sài Gòn) rồi trường Bưởi (Hà Nội) lúc phong trào Việt Minh chống Pháp đang lên cao. Vào thời gian này, ông cùng với các nhân sĩ trí thức yêu nước tích cực tham gia phong trào Hướng đạo sinh, giáo dục bổ túc cho giáo dục gia đình và học đường, giúp thanh thiếu niên rèn luyện tính khí, tháo vát, để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm, biết trọng danh dự, hữu ích cho xã hội.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chiều 22/8/1945, nhiều trí thức và sinh viên, thanh niên học sinh tổ chức mít tinh ủng hộ cách mạng ở Khu học xá Đông Dương. Lúc này, GS. Ngụy Như Kon Tum là Giám đốc Khu học xá Đông Dương. Tại buổi mít tinh này các GS. Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường và Ngụy Như Kon Tum lên diễn đàn phát biểu ý kiến đồng lòng ủng hộ Việt Minh. Ngay ngày hôm sau 23/8/1945, GS. Ngụy Như Kon Tum cùng các GS Trường Bưởi đã ký một bức điện đòi Bảo Đại thoái vị, giao quyền cho Việt Minh thành lập Chính phủ, chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 19/12/1946, Pháp gây hấn, Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Giữa lúc cuộc kháng chiến diễn ra ác liệt, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã xác định phải khẩn trương đào tạo cán bộ cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau này và quyết định thành lập Khu học xá Trung ương đặt cơ sở ở nước bạn Trung Quốc tại làng Tâm Hư, Nam Ninh, với mục tiêu giáo dục đào tạo, nhân tài. GS Nguỵ Như Kon Tum được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Giám đốc Khu học xá.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội được giải phóng, Nhà nước khôi phục lại hệ thống đại học ở miền Bắc. Năm 1956, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ kí Quyết định thành lập 4 trường đại học: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Y Hà Nội. Trong 4 trường, Trường ĐHTHHN đứng danh sách số 1 được xác định là đầu ngành và trọng điểm. Vấn đề đặt ra trước mắt là ai sẽ làm Hiệu trưởng? Hồi ấy trong danh sách ứng viên Hiệu trưởng Trường ĐHTHHN đề nghị trình lên Bác Hồ không có tên Nguỵ Như Kon Tum. Với tư tưởng đại đoàn kết, hoà hợp dân tộc, Bác Hồ đã lựa chọn GS Nguỵ Như Kon Tum một nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng cho vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học hàng đầu của Việt Nam. Người đồng hành với Nguỵ Như Kon Tum là GS. Lê Văn Thiêm, Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Là hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHTHHN, GS. Nguỵ Như Kon Tum gánh vác trên vai một trọng trách rất lớn, tập hợp lực lượng, đoàn kết các trí thức tạo thành khối vững mạnh xây dựng Nhà trường trở thành một trường đại học đầu ngành và trọng điểm của giáo dục Đại học Việt Nam. Với sức hấp dẫn diệu kì, tài đức và uy tín của mình, ông đã thu hút được đông đảo các trí thức rất nổi tiếng và tài năng cống hiến cho đất nước và cách mạng nói chung và Trường ĐHTH nói riêng như: GS. Hoàng Xuân Nhị, GS. Nguyễn Hoán, GS. Đào Văn Tiến, GS. Trần Văn Giàu,...
Thời kỳ GS. Nguỵ Như Kon Tum làm Hiệu trưởng có thế nói là thời gian vô cùng khó khăn, vất vả và gian khổ của thầy trò Trường ĐHTHHN. Khi chiến tranh diễn ra ác liệt, Nhà trường phải sơ tán lên Bắc Thái, tất cả cơ sở vật chất, toàn bộ thư viện, phòng thí nghiệm đều phải mang theo khiến thầy và trò rất vất vả. Tuy vậy, cũng không ít những kỉ niệm khó quên ở những nơi sơ tán như, có lần thầy Lê Văn Thiêm và sinh viên cầm gậy chạy theo dân quân du kích đuổi bắt Mỹ. Sau khi kết thúc chiến tranh, trở về Hà Nội, trước sự hoang tàn, đổ nát, Nhà trường vẫn cố gắng đi hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn về cơ sở vật chất.
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Trường ĐHTHHN lập Trung đoàn tự vệ, GS. Nguỵ Như Kon Tum lãnh đạo cả Trung đoàn đó hành quân lên Hà Bắc xây dựng phòng tuyến sông Cầu, chặn bước tiến của quân xâm lược tràn về Thủ đô Hà Nội.
Lễ gắn biển đường phố mang tên Ngụy Như Kontum, năm 2006
Nhớ lại những ngày gian khó, GS. Phan Hữu Dật còn cho biết, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng tuyển sinh, Trường ĐHTHHN được phân công vào coi và chấm thi ở một số địa phương. Có lần, Trường ĐHTHHN được phân công vào coi thi và chấm thi ở Nghệ An, để tránh bom đạn, Đoàn cán bộ của Trường ĐHTHHN phải đi đường rừng núi để tránh bom Mỹ. GS. Nguỵ Như Kon Tum cũng nhiều lần phải trực tiếp tham gia theo đoàn đi coi, chấm thi
ĐHQGHN ngày nay được biết đến là một trung tâm đầu ngành của cả nước về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản. Có được thành tích ngày hôm nay là kế thừa truyền thống đáng tự hào của Trường ĐHTHHN, mà người tận tâm gây dựng nên truyền thống đó chính là GS. Nguỵ Như Kon Tum. Ông là người đầu tiên dẫn đầu đoàn khoa học Việt Nam dự Hội nghị Vật lí địa cầu quốc tế ở Moskva năm 1957. Ông cùng giáo sư Nguyễn Xiển xây dựng thành công ngành Vật lí địa cầu của Việt Nam. Ông được xem là một nhà khoa học yêu nước, phục vụ Tổ quốc cho đến hơi thở cuối cùng, là một người thầy tận tuỵ, liêm khiết, khiêm tốn. Ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, trong đó nhiều người đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học tài năng.
Sau khi nghỉ hưu, giáo sư Ngụy Như Kon Tum vẫn tiếp tục giảng dạy và tham gia Hội đồng Khoa học Nhà trường, làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội vật lí Việt Nam, tham gia biên soạn phần Vật lý của Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông còn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu vật lý hiện đại và một số sách giáo khoa vật lí ở bậc trung và đại học. Trong thời gian nghỉ hưu, mỗi khi có cán bộ, giảng viên của Trường ĐHTH ốm đau, ông đều đến thăm và chia sẻ.
Ngoài lĩnh vực giáo dục, ông còn là nhà hoạt động xã hội với những vai trò như: đại biểu Quốc hội khóa II, III và IV, Uỷ viên ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục thế giới, Uỷ viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp.
Suốt 25 năm làm Hiệu trưởng, GS Nguỵ Như Kon Tum đã cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của Trường ĐHTHHN. Giáo sư sống giản dị, thanh bạch, liêm khiết, chí công vô tư. Năm 1982, GS về hưu sau khi được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. 8 năm sau ông được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân nhân dịp 20/11/1990. Một năm sau, GS Nhà giáo Nhân dân Ngụy Như Kon Tum qua đời tại Hà Nội.
Hơn 20 năm được làm việc dưới sự lãnh đạo của GS. Nguỵ Như Kon Tum, tôi nhận thấy ông là nhà trí thức lớn, đạo đức lớn, sống lương thiện, nhân ái, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, ủng hộ và trân trọng những người có tài năng, đặc biệt là các tài năng trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trí thức lớn, nhà cách mạng lớn của dân tộc, có tầm cỡ quốc tế, có sức cảm hoá rất vĩ đại đối với giới trí thức của ta trong đó có GS. Nguỵ Như Kon Tum. Đây chính là tư tưởng đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Người - một trong những nhân tố vô cùng quan trọng tạo nên sự thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
GS. Nguỵ Như Kon Tum là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHTHHN, nhưng trong tâm trí tôi, từ đó đến nay ông luôn luôn là Hiệu trưởng của Trường ĐHTHHN, ĐHQGHN.
 
Gặp lại người tiền nhiệm là bài thơ của GS. Phan Hữu Dật khi ông trở về 19 Lê Thánh Tông và nhìn thấy bức tượng GS. Nguỵ Như Kon Tum
Về cõi vĩnh hằng rồi
Tưởng không còn trở lại
Sáng nay được gặp Người
Lòng vui như mở hội
Bỏ cuộc sống đế vương
Rời trời Tây về nước
Bao năm lái đò ngang
Khách sang sông nườm nượp
Không keo kiệt bao giờ
Với ai cần xin chữ
Đám môn sinh bây giờ
Bủa trải khắp bốn bể
Không nghĩ tới anh hùng
Mà bao người không bằng
Âm thầm khi sống gửi
Còn thác về ung dung
Trở lại nơi trần thế
Không màng của phù vân
Chỉ làm tên đầy tớ
Ngày đêm gác cửa Trường
Người hoá đá trầm mặc
Đời tri ân tặng hoa
Người rồi cập bến giác
Đá rồi cũng trổ hoa.
 Bùi Thị Việt Hà (ghi) - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC