PGS.TS. Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh 2011 của ĐHQGHN vẫn là 5.500 với 74 ngành đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, các ngành mới mở từ kỳ tuyển sinh 2010 sẽ tuyển đông sinh viên hơn, gồm Hóa dược, Việt Nam học, Kế toán, Kinh doanh quốc tế.
Là một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao ở Việt Nam, năm 2011 ĐHQGHN tiếp tục triển khai Nhiệm vụ Chiến lược (gọi tắt là Đề án 16 + 23), xây dựng và phát triển 16 chương trình đào tạo ĐH và 23 chương trình đào tạo sau ĐH đạt chuẩn quốc tế.
Năm 2011 ĐHQGHN triển khai Chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế, cho các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ Điện tử - Viễn thông, Vật lý, Địa chất, Sinh học, Ngôn ngữ học, Quản trị kinh doanh;. SV học chương trình này được hỗ trợ kinh phí đào tạo 17 triệu đồng/năm, nhận bằng cử nhân đạt trình độ quốc tế tương đương văn bằng của các trường ĐH đối tác nước ngoài.
Loại bằng nói trên cũng sẽ được trao cho các sinh viên theo học Chương trình đào tạo tiên tiến, các ngành Toán học, Hóa học, Khoa học Môi trường tại ĐH Khoa học tự nhiên. Khoản hỗ trợ học tiếng Anh lên đến 20 triệu đồng/sinh viên.
Các chương trình nói trên cùng với Chương trình đào tạo tài năng đều do các giáo sư nước ngoài và giảng viên giỏi trong nước giảng dạy bằng tiếng Anh và hướng dẫn NCKH. Ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn đạt trình độ quốc tế, SV được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh tập trung 1 năm tại Trường ĐH Ngoại ngữ và có cơ hội nâng cao trình độ tiếng Anh ở nước ngoài dịp hè. SV có kết quả học tập tốt có cơ hội được nhận học bổng toàn phần hoặc bán phần của chương trình và học bổng của các DN, các tổ chức tài trợ, có cơ hội du học nước ngoài.
Năm 2011 ĐHQGHN tiếp tục khẳng định ưu thế đào tạo "bằng kép": Sinh viên sau năm thứ nhất được theo học đồng thời 2 chương trình đào tạo ở 2 khoa hoặc các trường ĐH thành viên khác nhau trong ĐHQGHN, để nhận hai văn bằng ĐH chính quy.
Ngoài ra, Chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các trường ĐH uy tín trên thế giới sẽ tạo điều kiện cho sinh viên mọi trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN tham gia và nhận bằng tốt nghiệp do trường ĐH nước ngoài cấp.
Để sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành, nhanh chóng thích ứng thực tế công tác và có việc làm sau tốt nghiệp, ĐHQGHN đẩy mạnh liên kết đào tạo Trường ĐH - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp. Các "kỹ năng mềm" và đặc biệt là "chuẩn ngoại ngữ" được đưa vào mọi chương trình giảng dạy, giúp sinh viên ĐHQGHN trở thành "Công dân toàn cầu", có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Nhằm cập nhật thông tin, đáp ứng thắc mắc của các bạn thí sinh về kỳ tuyển sinh 2011 của ĐHQGHN, Báo điện tử VietNamNet tổ chức buổi giao lưu trực tuyến xung quanh kỳ thi này.Các bạn thí sinh có học lực khá, giỏi trở lên hãy đến với ĐHQGHN, bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát huy sở trường, năng khiếu và tài năng của mình!
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
Trần Bình Dương, Nam - 29 Tuổi
Tôi hiện đang theo học NCS tại Trung Quốc. Tôi muốn hỏi tôi có thể tham gia vào chương trình tuyển sinh nào của ĐHQGHN trong năm 2011? Tôi phải làm những thủ tục gì không ạ? Xin quý vị cho tôi biết rõ. Xin chân thành cảm ơn!
TS. Vũ Viết Bình - Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN: Câu hỏi của bạn chưa rõ tham gia chương trình tuyển sinh ĐH hay sau ĐH của ĐHQGHN. Năm 2011 ĐHQGHN tuyển sinh ĐH chính quy theo kỳ thi 3 chung của Bộ GD-ĐT vào hai đợt (đợt 1 khối A thi ngày 4, 5/7) và đợt 2 (thi khối B,C,D trong các ngày 9 và 10/7). Kỳ tuyển sinh sau ĐH được tổ chức 2 đợt vào tháng 5 và tháng 9/2011. Chi tiết bạn có thể tham khảo trên trang web của ĐHQG Hà Nội www.vnu.edu.vn
Trần Minh Đức , Nam - 18 Tuổi
Xin hỏi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐHQGHN năm nay là bao nhiêu. Chỉ tiêu như vậy có phù hợp với cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, đảm bảo chất lượng đào tạo hay không. Bởi vì như tôi được biết, có những trường như trường Ngoại thương, vào trường chỗ để xe cho sinh viên còn không có, thư viện thì nhỏ bé, sinh viên không có chỗ ngồi tự học, phải ngồi cả ra hành lang, lối đi để học, đội ngũ giảng viên đi vay mượn, thế mà lại được bộ GD cho tuyển mỗi khóa đến cả gần 4000 người, không hiểu chất lượng đào tạo thế thì có đảm bảo được không? ĐHQGHN có rơi vào tình trạng như thế không?
PGS.TS Phạm Trọng Quát - Phó Giám đốc ĐHQGHN, Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN năm 2011: Tổng chỉ tiêu tuyển mới của ĐHQGHN năm nay là 5.500. ĐHQGHN có chủ trương không tăng quy mô tuyển sinh mà tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, đào tạo chương trình chất lượng cao, trình độ cao, mở rộng các chương trình đào tạo tiên tiến, tài năng, các chương trình đạt trình độ quốc tế và bồi dưỡng nhân tài thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý, kinh doanh...cho đất nước
2011: Nhiều chương trình đào tạo mới
Nguyễn Lan Anh, Nữ, 18 tuổi
Cho em hỏi điều kiện tham gia các chương trình đào tạo quốc tế của ĐHQGHN năm nay có gì khác năm trước? Để học những chương trình này chúng em phải chuẩn bị những gì? Cơ hội sau khi ra trường?
ThS. Nguyễn Song Bình - Phó Giám đốc Chương trình Cử nhân Quản trị Kinh doanh Liên kết với Đại học Griggs Hoa Kỳ: Chương trình Cử nhân Quản trị Kinh doanh liên kết với Đại học Griggs không giới hạn khối thi, miễn là các em đạt điểm sàn của ĐHQGHN trở lên và có học lực cấp 3 từ khá trở lên. Các em quan tâm nộp hồ sơ tuyển sinh và tham dự kỳ kiểm tra xét tuyển đầu vào. Chi tiết em liên hệ với bộ phận tuyển sinh: tại Hà Nội - 0914.722641; tại TP.HCM - 0989.968.000 hoặc truy cập website: www.griggs.edu.vn
Vũ Phương , Nam - 21 Tuổi: Em được biết ĐHQG có đào tạo bằng kép, nhưng em không hiểu cụ thể như thế nào? Trường đào tạo bằng kép những ngành nào và điều kiện theo học?
TS. Vũ Viết Bình: SV trúng tuyển ĐHQGHN ngoài học ngành đã trúng tuyển có cơ hội học thêm một ngành khác. Sau thời gian tối đa 6 năm SV sẽ nhận 2 bằng cử nhân chính quy. Hiện nay, ĐHQGHM có các chương trình đào tạo bằng kép như: - SV học Trường ĐH Kinh tế có thể học các ngành tiếng Anh và ngược lại. - SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và ngành Luật có thể học các ngành Ngoại ngữ... Các ngành Khí tượng thuỷ văn, Hải Dương học có thể học ngành CNTT... Em có thể xem chi tiết trên trang web của các trường thành viên và của ĐHQGHN.
Trường ĐH Kinh tế
Ngân Phương, Nữ - 19 tuổi
Em muốn tìm hiểu về cơ hội việc làm của ngành Kinh tế quốc tế? Học xong Nhà trường có giới thiệu việc làm cho sinh viên không ạ?
ThS. Nguyễn Thị Thư - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN: Khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế của Trường ĐH Kinh tế, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc. Những vị trí phù hợp nhất là:
- Nhóm 1 - Chuyên viên kinh doanh trong các lĩnh vực có yếu tố nước ngoài:
- Nhóm 2 - Chuyên viên phân tích và tư vấn chính sách trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
- Nhóm 3 - Nghiên cứu viên và giảng viên: liên quan đến kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; trợ lý giảng dạy các môn học: kinh tế quốc tế, kinh tế đối ngoại Việt Nam, thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế...
Hiện nay Trường ĐH Kinh tế có rất nhiều đối tác là các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy nếu em có kết quả học tập tốt, em sẽ có cơ hội được Nhà trường giới thiệu làm việc tại các đối tác của Trường.
Phan Hải, Nam - 18 tuổi
Ngành Tài chính - Ngân hàng đào tạo những gì và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?
ThS. Nguyễn Thị Thư: Chương trình đào tạo cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN bao gồm các môn học thuộc khối kiến thức cơ bản, cơ sở của ngành như Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế lượng, Kinh tế tiền tệ - ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, Các thị trường và định chế tài chính, Đầu tư tài chính, Phân tích báo cáo tài chính, Quản trị tài chính quốc tế, Quản trị ngân hàng thương mại, Thẩm định dự án đầu tư, … và các môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng như Mô hình tài chính, Định giá doanh nghiệp, Kế toán ngân hàng, Tín dụng ngân hàng, Quản trị ngân quĩ, …
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các vị trí sau: chuyên viên, quản lý trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng; chuyên viên phân tích và tư vấn tài chính tại các doanh nghiệp, ngân hàng; nghiên cứu viên và giảng viên trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại các cơ sở giáo dục và nghiên cứu...
Từ thực tiễn cho thấy cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế nói chung và ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường nói riêng là rất lớn. Theo các số liệu thống kê của Trường trong vài năm gần đây, khoảng 90% sinh viên tốt nghiệpTrường ĐH Kinh tế đã làm đúng chuyên môn. Cùng với xu hướng ngày càng phát triển của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, việc mở thêm các công ty trong lĩnh vực tài chính hoặc các chi nhánh của các ngân hàng thương mại cho thấy nhu cầu của thị trường còn rất lớn. Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế có rất nhiều đối tác là các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy nếu em có kết quả học tập tốt, em sẽ có cơ hội được Nhà trường giới thiệu làm việc tại các đối tác của Trường.
|