Trên cơ sở thực tiễn 3 năm triển khai đào tạo bằng kép ở ĐHQGHN, hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động đào tạo bằng kép, đồng thời bàn thảo một số nội dung sẽ triển khai trong thời gian tới.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN và PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Trưởng ban Đào tạo chủ trì hội nghị.
Hiện nay đã có 6 đơn vị của ĐHQGHN tổ chức đào tạo bằng kép, gồm các Trường: ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Công nghệ, ĐHKH Tự nhiên ĐHKH Xã hội và Nhân văn và Khoa Luật với tổng số 14 chương trình đào tạo. Có tổng số 2275 sinh viên đang theo học bằng kép tại các đơn vị đào tạo, chiếm 11% so với qui mô đào tạo đại học chính qui của ĐHQGHN. Đến nay đã có 144 sinh viên bằng kép ở ĐHQGHN tốt nghiệp.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu tại hội nghị cho rằng tổ chức đào tạo bằng kép tại ĐHQGHN là một chủ trương đúng đắn, phát huy được các thế mạnh và tăng cường sự liên thông giữa các đơn vị trong ĐHQGHN. Việc tổ chức đào tạo bằng kép là phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ, tạo điều kiện cho sinh viên chủ động xây dựng kế hoạch học tập đồng thời có thể theo học 2 chương trình đào tạo của 2 ngành học khác nhau để nhận được 2 bằng cử nhân, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tại hội nghị, GS.TSKH Vũ Minh Giang và PGS.TS Nguyễn Văn Nhã nhấn mạnh: mục tiêu của ĐHQGHN là không mở rộng qui mô đào tạo bậc đại học mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, bằng kép là sự chủ động và cùng tiến hành thực hiện học tập 2 bằng đại học trong cùng một khoảng thời gian. Đây là một xu thế của các đại học tiên tiến, tạo điều kiện tối đa cho người học. GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, bằng kép và mọi hình thức đào tạo ở ĐHQGHN phải đảm bảo giữ vững nguyên tắc chất lượng. Ông đồng thời cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện có một số vấn đề nảy sinh mà các đơn vị đào tạo cũng cần quan tâm trong việc xây dựng chương trình đào tạo; quản lý học vụ và việc thu hút sinh viên theo học bằng kép,… Phó Giám đốc ĐHQGHN chỉ đạo, các chương trình đào tạo bằng kép phải được xuất phát từ nhu cầu người học.
|