Thưa Giáo sư, từ lý do nào dẫn đến nhu cầu phải xuất hiện mô hình đại học mới như ĐHQGHN? Vào thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cả nước đang trong quá trình đổi mới. Giáo dục và giáo dục đại học nói riêng cũng đang bước vào công cuộc đổi mới. Khi bàn về đổi mới cơ cấu hệ thống của trường đại học, đã bắt đầu xuất hiện những ý tưởng mới từ chính những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước. Thủ tướng Võ Văn Kiệt - vị thủ tướng nổi tiếng về tư tưởng cải cách của Việt Nam lúc bấy giờ - có ý tưởng xây dựng một trung tâm đại học mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, được ví như một “quả đấm thép” giúp tạo ra bước phát triển đột phá cho giáo dục đại học Việt Nam. Trước đó, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển trên cơ sở các trường đại học đơn ngành, phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung; đào tạo nhân lực theo kế hoạch nhằm vào làm việc tại các vị trí việc làm cụ thể trong hệ thống các ngành nghề. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhu cầu sử dụng nhân lực thay đổi, nền kinh tế cần những người lao động có thể linh hoạt chuyển đổi nghề nghiệp. Bởi vậy, chúng ta phải trang bị cho sinh viên kiến thức nghề nghiệp trên một nền tảng kiến thức chung rộng. Thực tế ấy dẫn đễn yêu cầu phải cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cần thiết phải có một số trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực để đào tạo nhân lực theo hướng trên. Mặt khác, trong lịch sử giáo dục đại học hiện đại Việt Nam, Đại học Đông dương dưới thời Pháp thuộc đã từng là đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Nhiều sinh viên và giảng viên của Đại học Đông dương là những bậc tiền bối rất nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Chủ tịch Lào Souphanouvong, nhà khoa học nổi tiếng Louis Paster, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di... Sau Cách mạng tháng Tám, Đại học Đông dương phát triển thành Đại học Quốc gia Việt Nam của Nhà nước Việt Nam độc lập. Như vậy, mô hình ĐHQG có sự kế thừa từ một đại học đã có trong lịch sử giáo dục nước nhà. Trên thực tế, việc tái lập một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao (kế thừa Đại học Đông dương và Đại học Quốc gia Việt Nam trước đây) trên cơ sở phát triển Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - vốn là trường đại học trọng điểm đầu ngành trong lĩnh vực khoa học cơ bản - để thực hiện sứ mạng đầu tàu đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam còn là nguyện vọng của đông đảo giáo chức lúc đó. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm và làm việc với ĐHQGHN, năm 2000. Ảnh bên trái là GS.VS. Đào Trọng Thi, bên phải là GS.VS. Nguyễn Văn Đạo Vậy trong hình dung ban đầu của những người sáng lập, ĐHQGHN sẽ có những đặc trưng khác biệt gì so với các đại học hiện thời ? Chắc chắn là phải khác biệt và phải là một mô hình đại học hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển đại học thế giới. Trong suy nghĩ của chúng tôi, ĐHQGHN phải đáp ứng 3 tiêu chí: Một là có cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, nghĩa là phải có các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, luật, y khoa…; Hai là phải đào tạo và nghiên cứu khoa học với chất lượng cao, trình độ cao để xứng đáng với vai trò đầu tàu đổi mới giáo dục nước nhà; Ba là được hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, tức là có nguồn lực và động lực phát triển trên cơ sở được Nhà nước ưu tiên đầu tư cả về cơ sở vật chất, tài chính, đội ngũ giảng viên và quan trọng nhất là được giao cơ chế quản lý và hoạt động tự chủ. Một mô hình đại học mới như vậy hẳn gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều và có những khó khăn gì cho những người thực hiện lúc bấy giờ thưa Giáo sư? Đúng như vậy. Việc thành lập ĐHQGHN phải đối mặt với sự nghi ngờ, thậm chí phản đối của nhiều cơ quan và cán bộ lãnh đạo. Người ta thắc mắc không biết phải xếp ĐHQGHN - với cơ cấu chuyên môn và cơ chế hoạt động đặc thù, không giống các trường đại học khác như thế - vào vị trí nào trong hệ thống giáo dục? Mô hình cũng mới đối với chính những người được giao trách nhiệm xây dựng ĐHQGHN. Đã có một vài phương án được đề xuất nhằm tạo cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực cho ĐHQGHN, trong đó có cả ý tưởng sáp nhập gần chục trường đại học trọng điểm ở Hà Nội (ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Y, ĐH Kinh tế Quốc dân,…). Nhưng sáp nhập các trường đại học là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Cuối cùng, Chính phủ quyết định bắt đầu từ 3 trường đầu tiên là ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Nhưng trên thực tế, các trường này đều thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, không những không bổ sung cho nhau mà còn trùng lặp, chồng chéo về cơ cấu chuyên môn. Việc thực hiện cơ chế tự chủ cao của ĐHQGHN cũng đã rất lúng túng và gặp nhiều trắc trở vì bấy giờ chưa có tiền lệ về một đại học trực thuộc Chính phủ và có quyền tự quyết định nhiều vấn đề trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cũng như trong công tác tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính... Vào thời điểm đó cũng còn rất mơ hồ về đào tạo chất lượng cao (CLC): thế nào là CLC và con đường nào để đi tới CLC? Như vậy cả 3 tiêu chí về ĐHQGHN ban đầu được hình dung còn rất giản đơn và việc thực hiện thì bế tắc và đầy thách thức. Đặc biệt, việc tổ chức, sắp xếp lại và phát triển cơ cấu chuyên môn là rất phức tạp. Trong bối cảnh khó khăn ấy, đã có tư tưởng muốn khôi phục lại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và giải tán mô hình ĐHQGHN. Chủ tịch nước Trần Đức Lương với cán bộ, sinh viên ĐHQGHN, năm 2004 Đâu là giải pháp để tháo gỡ những nút thắt trên thưa Giáo sư? Sau một thời gian bị “sa lầy” trong việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu ĐHQGHN, Đảng uỷ ĐHQGHN đã quyết định thay đổi phương thức phát triển cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng phát huy nội lực, tự xây dựng các lĩnh vực mới trên cơ sở những ngành học có sẵn. Đại hội lần I của Đảng bộ ĐHQGHN chủ trương ban đầu thành lập các khoa trực thuộc ĐHQGHN về các lĩnh vực mới, từng bước phát triển và đến khi đủ điều kiện thì nâng cấp thành các trường thành viên. Một loạt các khoa trực thuộc đã ra đời sau đó: Khoa Công nghệ được thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Điện tử Viễn thông của Trường ĐHKHTN; Khoa Kinh tế và Khoa Luật phát triển từ Khoa Kinh tế Chính trị và Khoa Luật của Trường ĐHKHXH&NV; Khoa Sư phạm được xây dựng hoàn toàn mới… Thế mạnh vẫn được xác định là các ngành khoa học cơ bản, còn những lĩnh vực khác thì không phát triển toàn diện, dàn trải mà chỉ lựa chọn phát triển những hướng hiện đại, mũi nhọn nhất. Có thể nói đây là sáng kiến lớn của Đảng bộ ĐHQGHN trong quá trình tìm kiếm con đường đi phù hợp của riêng mình. Nhờ đó cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực cơ bản đã định hình một cách hiệu quả, vững chắc. Vậy ĐHQGHN đã thực hiện tiêu chí về CLC như thế nào? CLC cũng là một vấn đề hóc búa mà ĐHQGHN đã phải dày công tìm cách tiếp cận cả về khái niệm và cách thức thực hiện. Quan điểm về CLC được xác định là: “chất lượng chung của tất cả các ngành, lĩnh vực ở mức cao, riêng chất lượng của các ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế, xã hội mũi nhọn phải đứng hàng đầu trong cả nước, ngang tầm khu vực và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế”. Cho đến nay, kiên trì với mục tiêu CLC, ĐHQGHN đã có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đạt chuẩn mực quốc tế. Đi theo con đường đó, lĩnh vực khoa học tự nhiên và lĩnh vực khoa học sự sống của ĐHQGHN đã đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng QS của châu Á. Một số ngành học được kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN. Hiện nay Đề án Nhiệm vụ chiến lược đã lựa chọn một số ngành bậc đại học, chuyên ngành bậc sau đại học để tập trung đầu tư phát triển đạt trình độ quốc tế, từ đó lan toả tạo ra chất lượng cao chung của ĐHQGHN. Như vậy, ĐHQGHN đã bước đầu giải quyết thành công tiêu chí đào tạo và nghiên cứu khoa học CLC. GS.VS Đào Trọng Thi giới thiệu với Thủ tướng Phan Văn Khải quy hoạch xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, năm 2003 Sự kiện mô hình ĐHQG được ghi nhận trong Luật Giáo dục Đại học năm 2013 có ý nghĩa như thế nào đối với ĐHQGHN nói riêng và với giáo dục đại học Việt Nam nói chung, thưa Giáo sư? ĐHQG đã khẳng định được vị thế của mình trong một văn bản có tính pháp lý cao nhất. Luật Giáo dục đại học không chỉ ghi nhận đại học đa ngành đa lĩnh vực là một loại hình cơ sở giáo dục đại học, mà còn xác định 3 tiêu chí ban đầu của ĐHQGHN là đặc trưng của mô hình ĐHQG. Đây là một thành quả vô cùng to lớn của tập thể lãnh đạo và cán bộ ĐHQGHN qua các thời kỳ, khẳng định sự thừa nhận của xã hội và Nhà nước đối với mô hình và chất lượng đào tạo của ĐHQGHN. ĐHQGHN cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng. ĐHQGHN đã khẳng định mình bằng kết quả hoạt động. Đặc biệt, cách ĐHQGHN tự khẳng định mình bằng thương hiệu CLC là rất ấn tượng, bởi trước đấy ở nước ta chưa có ai đưa ra được khái niệm CLC là gì. Nhưng ĐHQGHN đã làm được và không chỉ đưa ra cách tiếp cận hợp lý mà còn thực hiện trên thực tế, được quốc tế công nhận thông qua kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN, và hệ thống xếp hạng đại học quốc tế. Điều đáng nói là ĐHQGHN đã hoạch định được một chiến lược phát triển, với cách đi cụ thể để từng bước khẳng định mình. Nhận thức của chính lãnh đạo ĐHGQHN về mô hình ĐHQGHN cũng có nhiều thay đổi so với thời kỳ đầu. Sự kiện này còn góp phần khẳng định bản chất của giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, đó là đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, hướng tới tất cả các cơ sở đại học đều được hưởng các quyền tự chủ như ĐHQG. Nhiều quyền trước đây chỉ dành cho ĐHQG thì nay đã được giao cho các trường đại học khác như tự chủ tuyển sinh, in bằng, ký bằng tiến sĩ, thạc sỹ… Trên cơ sở tấm gương của các ĐHQG, Luật Giáo dục Đại học đã trao thêm các quyền tự chủ cần thiết cho các trường đại học khác. ĐHQGHN đã thực hiện tốt trách nhiệm của người mở đường, là đầu tàu đổi mới giáo dục Việt Nam. Việc đưa ĐHQG vào Luật đã thể hiện đúng bản chất và đặc điểm của giáo dục đại học hiện đại: tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của các cơ sở giáo dục đại học. Theo Giáo sư, ĐHQGHN nên tập trung vào vấn đề gì trong thời gian sắp tới? Trong 3 tiêu chí thì cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực về cơ bản đã được định hình. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cũng đã được ghi nhận trong Luật. Chỉ còn tiêu chí về CLC ngang tầm khu vực và tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế thì ĐHQGHN mới chỉ “chạm” được vào một số lĩnh vực ở tầm khu vực, còn tiến tới ngang tầm quốc tế là một quá trình lâu dài. Chất lượng đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế là mục tiêu quan trọng còn phải phấn đấu nhiều. Qua kiểm định và xếp hạng, chúng ta đã có bước tiến quan trọng, có thể xem là ngang tầm khu vực, bây giờ cần vươn lên tầm quốc tế, như cách mà Đề án Nhiệm vụ chiến lược đang triển khai. Ngành nào mạnh thì đến trước, ngành nào yếu hơn thì đến sau. Hội nhập quốc tế phải hiểu theo cách đó chứ không chỉ là tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế. Giáo sư có thể dùng một số từ ngắn gọn nhất để mô tả về quá trình 20 năm của ĐHQGHN ? Chặng đường 20 năm qua là một chặng đường không dài đối với một cơ sở giáo dục đại học. Nhưng theo tôi nghĩ, những gì ĐHQGHN đã trải qua cho đến ngày hôm nay là phi thường, nếu tính đến những kết quả, thành tụu đã đạt được, đặc biệt là những khó khăn thử thách đã vượt qua. Cái phi thường ấy có được là do tâm huyết, sự kiên trì phấn đấu, sự kiên cường không bỏ cuộc và cả sự sáng tạo của tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên qua các thời kỳ. Với những con người như thế, tương lai của ĐHQGHN là rất tốt đẹp. Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện.
|