![]() |
Đại biểu Quốc hội Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cùng các đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - đại biểu Quốc hội chuyên trách và Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tại trụ sở HĐND - UBND xã Gia Lâm.
Buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu diễn ra trực tiếp với đại biểu và cử tri của 4 xã Gia Lâm, Bát Tràng, Phù Đổng, Thuận An và trực tuyến tại trụ sở HĐND - UBND các phường: Hoàng Mai, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Tương Mai, Định Công, Hoàng Liệt, Yên Sở.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHNLê Quân báo cáo với các cử tri của 11 xã, phường về kết quả kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp có nhiều quyết sách chiến lược, trong đó nổi bật là việc thông qua Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tinh gọn bộ máy và gia tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
![]() |
Cùng với đó, Quốc hội thông qua 34 luật và 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 14 luật, 2 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và quy định mới của Hiến pháp, bảo đảm tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; quy định các nội dung chuyển tiếp để giải quyết các vấn đề phát sinh khi chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên tục, thông suốt, ổn định của bộ máy cơ quan chính quyền địa phương, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Quân cho biết, Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng để tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước, trong đó, Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị - hai trong số "4 trụ cột" quan trọng để đưa đất nước vươn mình, góp phần tạo sự thay đổi mang tính đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân...
![]() |
Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Đáng chú ý, về hoàn thiện thể chế, pháp luật và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền để thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát biểu tại hội nghị, các cử tri bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cử tri cũng băn khoăn về việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư; đề nghị Thành phố có chính sách đặc thù về hỗ trợ đào tạo nghề, bố trí việc làm, giải quyết tài sản công sau sắp xếp hành chính. Nhiều ý kiến phản ánh bất cập trong triển khai các dự án hạ tầng tại khu vực phía Đông Hà Nội, như chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu đồng bộ giao thông kết nối giữa nội đô với các khu vực đô thị mới. Một số cử tri đề nghị tăng đầu tư cho các thiết chế văn hóa, trường học và hệ thống y tế cơ sở để phục vụ người dân địa phương
![]() |
![]() |
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu các ý kiến liên quan đến chế độ, chính sách sau sắp xếp đơn vị hạn chính, việc thực hiện các dự án trên địa bàn, ...
Đại biểu Quốc hội Lê Quân cũng thông tin tới các cử tri về kết giải quyết, trả lời của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương, các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc lần trước.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 4, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại diện cử tri các xã, phường nêu, đồng thời giải thích, trả lời một số vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền. Đại biểu cho biết các ý kiến đã được Tổ thư ký ghi chép, tổng hợp đầy đủ và phân loại để chuyển tới Quốc hội cùng các cấp có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội sẽ bám sát quá trình giải quyết của các cấp có thẩm quyền và báo cáo kết quả với cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri tiếp theo.
>>>>> Các tin bài liên quan:
- Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV