1. Lời thưa trước
Gần đây, báo điện tử VietNamNet có đăng bài của ông Lê Văn Giạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đặt vấn đề xem xét lại việc Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (1906-2006) là đúng hay sai. Đồng thời bài viết này cũng được đăng trên báo Tiền phong Chủ nhật (số 22). Để giúp cho bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, tác giả bài viết xin trao đổi lại với ông Lê Văn Giạng về các vấn đề được nêu ra. Có điều cần thưa trước rằng, tuy chưa từng được gặp ông Lê Văn Giạng, nhưng được biết ông là một trong những vị cán bộ lão thành của ngành giáo dục, từng giữ cương vị lãnh đạo Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, nên tác giả đã và luôn luôn dành cho ông sự ngưỡng mộ và kính trọng chân thành, sâu sắc. Trong bài này, xin phép được trao đổi ý kiến thẳng thắn, và dù ý kiến có trái ngược với cách lập luận của ông Lê Văn Giạng thì trong thâm tâm tác giả vẫn rất trân trọng bậc tiền bối. Xin có lời thưa trước để tránh những sự hiểu lầm có thể có.
2. Về việc xác định mốc thời gian kỷ niệm ngày thành lập của Đại học Quốc gia Hà Nội
|
GS. Lê Văn Giạng |
Phải nói ngay rằng ĐHQGHN đã rất thận trọng khi quyết định chọn ngày thành lập Đại học Đông Dương (do người Pháp lập ra dưới chế độ thuộc địa, 16-5-1906) làm mốc thời gian kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của mình. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, và ngay từ đầu đã có một số ý kiến khác nhau. Để có căn cứ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, ĐHQGHN đã tổ chức một số cuộc hội thảo, xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và quản lý giáo dục về vấn đề trên. Ông Lê Văn Giạng đã được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại hội thảo ngày 1-2-2002. Sau đó, ngày 20-2-2002 ông Lê Văn Giạng gửi tiếp một bức thư viết tay (5 trang) cho ĐHQGHN. Lãnh đạo ĐHQGHN hết sức cảm kích trước thái độ nghiêm túc, chân thành của nhà giáo lão thành Lê Văn Giạng. Sau đó ĐHQGHN đã thành lập một đề án nghiên cứu khoa học về việc xác định ngày thành lập và ngày truyền thống của ĐHQGHN. Ngày 14.6.2003 ĐHQGHN tổ chức tiếp họp Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu Đề án nói trên, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và nhà giáo, nhà quản lý giáo dục lão thành, trong đó có các giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Hữu Dật, Phùng Hữu Phú...
|
Đại học Đông Dương, ảnh chụp năm 1930 | |
|
Hồ Chủ Tịch với cán bộ giáo viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 1950 | |
|
Các tân Cử nhân của ĐHQGHN, ảnh chụp năm 2005 | |
Tại cuộc họp nói trên, ĐHQGHN đã đề xuất 4 phương án chọn lựa mốc thời gian kỷ niệm ngày thành lập của mình:
- Lấy mốc thành lập Quốc tử giám (1076),
- Lấy mốc thành lập Đại học Đông Dương (16.5.1906),
- Lấy ngày khai giảng Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (15.11.1945),
- Lấy mốc là ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (4.6.1956).
Sau khi đã thảo luận và cân nhắc kỹ, Hội đồng đã đi tới ý kiến thống nhất được thông qua bằng phiếu kín, kiến nghị với Lãnh đạo ĐHQGHN xác định ngày 16.5.1906 là ngày thành lập ĐHQGHN, đồng thời chọn ngày 15.11.1945 là ngày truyền thống của ĐHQGHN.
Sau đó ĐHQGHN đã báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, và ngày 15. 6. 2004 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3011/VPCP-KG thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm “Đồng ý Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Đại học Đông Dương – tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội.”.
Để có cơ sở chắc chắn cho việc xác định mốc kỷ niệm ngày thành lập, ĐHQGHN cũng đã thành lập một số đề tài nghiên cứu khoa học, giao cho một số nhóm nhà sử học và các chuyên gia lưu trữ học thực hiện, tiến hành khai thác tài liệu lưu trữ ở Việt Nam và Pháp, nhằm làm rõ những cơ sở khoa học, đặc biệt là các giai đoạn phát triển của Đại học Đông Dương (ĐHĐD), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (ĐHQGVN), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (ĐHSPNNHN) và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), làm rõ tính kế thừa và liên tục phát triển của mô hình trường đại học hiện đại đa ngành, đa lĩnh vực tại Việt Nam trong suốt 100 năm qua. Có thể nói rằng các nghiên cứu trên đã được tiến hành rất công phu, nghiêm túc, đã khai thác được khá triệt để các nguồn sử liệu và tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Đến nay có thể khẳng định rằng việc ĐHQGHN xác định mốc thành lập ĐHĐD (16.5.1906) để kỷ niệm ngày thành lập của mình là hoàn toàn chính xác, có cơ sở khoa học chắc chắn.
3. Đại học Đông Dương: định kiến và ngộ nhận lịch sử
Trong một bài gần đây đăng trên báo điện tử VietNamNet dưới nhan đề "100 hay 60 năm?", nhà sử học Dương Trung Quốc có chia sẻ với bạn đọc rằng: “Chúng tôi là những lớp sinh viên của nhà trường thế hệ lớn lên cùng ‘mái trường xã hội chủ nghĩa’ và học đại học trên những vùng sơ tán, góp phần ‘chống Mỹ cứu nước’ chẳng mấy ai nghĩ đến cái căn cước của nhà trường của mình có dây mơ rễ má gì với cái trường thời thuộc địa”. Ông cũng chỉ ra nguyên nhân của tình hình trên là “Chúng ta từng ấu trĩ khước từ cả một kho tàng di sản của quá khứ khi gán cho nó cái bản chất giai cấp xấu xa của chế độ phong kiến và thực dân.”
Vâng, đúng vậy. Phải nói thêm rằng những cách hiểu “ấu trĩ” về quá khứ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những bất cập trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử dân tộc. Do thiếu điều kiện khai thác đầy đủ các nguồn sử liệu, chúng ta chưa hiểu đúng về quyết định thành lập ĐHĐD của chính quyền thuộc địa vào ngày 16.5.1906, và cũng chưa nghiên cứu đầy đủ nội dung, chương trình, kết quả đào tạo của ngôi trường này trong chế độ thực dân. Vì vậy, trong phần lớn các giáo trình đại học, môn lịch sử Việt Nam cận đại, cũng như trong các tài liệu nghiên cứu về lịch sử giáo dục, chúng ta quen nhận định “chắc như đinh đóng cột”, rằng thực dân Pháp lập ra ngôi trường vào thời điểm đó chủ yếu là nhằm đối phó, ngăn cản các phong trào yêu nước như Phong trào Đông Du, Nghĩa thục và Duy tân; rằng các trường học người pháp lập ra chủ yếu dành cơ hội cho con em các tầng lớp khá giả, đào tạo họ thành tay sai phục vụ chế độ thực dân ... Nhận định như vậy không hẳn sai hoàn toàn, nhưng phiến diện và chủ yếu dựa trên định kiến chính trị chứ không dựa trên những cứ liệu xác thực.
Nói về sự thành lập ĐHĐD, ông Lê Văn Giạng cho rằng năm 1902 người Pháp lập ra trường Y Dược tại Hà Nội, và “... năm 1906 vì lý do chính trị (...) Toàn quyền Đông Dương là Beau ra nghị định gọi trường Y Dược đó là Université”. Đây quả thực là một ngộ nhận xuất phát từ chỗ không nắm chắc sử liệu. Chúng tôi đã sưu tầm được văn bản Nghị định số 1514a do Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký ngày 16.5.1906 tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại tại Aix-en Provence (Pháp), trong đó, Điều 1 ghi rõ: "Nay thành lập ở Đông Dương, với tên gọi Trường Đại học (Université) một tập hợp các khoá đào tạo bậc đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng."(1) Điều 7 của bản Nghị định này cũng ghi rõ ĐHĐD gồm 5 trường thành viên (Ecole supộrieure)(2) là Trường Luật và Hành chính (Ecole supộrieure de Droit et Administration), Trường Khoa học (Ecole supộrieure des Sciences), Trường Y khoa (Ecole supộrieure de Mộdecine), Trường Xây dựng dân dụng (Ecole supộrieure du Génie Civil) và Trường Văn khoa (Ecole supộrieure des Lettres). Như vậy hoàn toàn không có chuyện ĐHĐD chỉ là sự đổi tên gọi của Trường Y Dược - như ông Lê Văn Giạng đã thông tin tới độc giả.
Có lẽ cũng cần nói thêm rằng việc toàn quyền Paul Beau ký nghị định thành lập ĐHĐD không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của một quá trình chuẩn bị khá bài bản, bắt đầu từ việc ông ta tiến hành chính sách cải cách giáo dục phổ thông từ đầu năm 1904, lập ra Tổng Nha học chính Đông Dương (14.11.1905) và Hội đồng phát triển giáo dục bản xứ Đông Dương (8.3.1906). Chính Hội đồng này là cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng dự án thành lập ĐHĐD. Sau một thời gian chuẩn bị, ĐHĐD đã khai giảng năm học đầu tiên vào khoảng cuối tháng 11 năm 1907, với tổng số sinh viên được tuyển mới là 193, trong đó có 94 sinh viên chính thức, bao gồm cả 37 sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Y khoa.
Sau một năm hoạt động, ĐHĐD gặp nhiều khó khăn, trong đó, đáng kể nhất là sức ép từ phái thực dân bảo thủ, trong đó có người kế nhiệm Paul Beau là Toàn quyền Klobukowski, và buộc phải tạm ngừng hoạt động. Trong thời gian 9 năm tiếp theo, chỉ có các trường thành viên như Trường Y khoa, Trường Luật và Pháp chính, Trường Công chính vv... vẫn tiếp tục đào tạo. Dù vậy, ĐHĐD không hề bị đóng cửa bởi bất cứ một quyết định chính thức nào của chính quyền thuộc địa. Càng không có chuyện Toàn quyền Paul Beau, vì "gọi trường Y Dược nói trên là Université là quá lố" nên "phải huỷ bỏ nghị định trên", như ông Lê Văn Giạng viết trong bài báo của mình.
Sau chiến tranh Thế giới I, Toàn quyền Albert Sarraut tái khẳng định lại mô hình ĐHĐD và lập thêm nhiều trường cao đẳng mới, đều đặt vào trong ĐHĐD với tư cách là trường thành viên. Đúng như ông Lê Văn Giạng đã viết, cơ cấu tổ chức của ĐHĐD không giống như phần lớn các trường đại học ở Pháp lúc đó. Trong khi các trường đại học ở Pháp thì dưới cấp trường (Université) là các Faculté, trong khi ĐHĐD, dưới cấp Trường Đại học (Université), lại là các Trường đại học/cao đẳng chuyên ngành (Ecole supộrieure). Đây là một cơ cấu tổ chức đặc biệt, và điều đó đã được Giám đốc Tổng Học chính Đông Dương nói rõ từ năm 1906, rằng ĐHĐD "Không muốn sao chép thể chế và chương trình của các trường đại học tại Pháp"(3) mà sẽ được tổ chức theo cách riêng, phù hợp điều kiện ở thuộc địa.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ĐHĐD "không có một người đứng đầu" và "không có một tổ chức nào để đại diện cho ĐHĐD" như ông Lê Văn Giạng khẳng định. Khi mới thành lập (1906) ĐHĐD do Hội đồng Quản trị (Conseil d’Administration) điều hành. Hội đồng này do Tổng Giám đốc Nha Học chính chủ toạ. Đến ngày 8. 5. 1907 Paul Beau ký một nghị định lập ra Hội đồng Phát triển Trường Đại học (Conseil de Perfectionement de l’Université) thay thế cho Hội đồng Quản trị, đứng đầu vẫn là Tổng giám đốc Nha Học chính. Cơ cấu này được duy trì cho tới sau Thế chiến I. Trong thời kỳ 1923-1938 chính quyền thuộc địa đã từng bước điều chỉnh cơ cấu tổ chức, lập ra Văn phòng ĐHĐD (1938) Trước đó, ngày 21. 2. 1936 Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập Hội đồng kỷ luật của ĐHĐD. Ngày 9.9.1938, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập Hội đồng Quản trị Đại học Đông Dương, tuy vẫn trực thuộc Nha Học chính nhưng có nhiều quyền tự chủ trong điều hành trường đại học. ĐHĐD có ngân sách chung cho tất cả các trường thành viên, được cấp từ ngân sách của Liên bang Đông Dương. Như vậy, không thể coi "ĐHĐD là một tên gọi hữu danh vô thực" như ông Lê Văn Giạng quan niệm, mà thực sự đó là một thiết chế giáo dục hiện hữu, một mô hình tổ chức trường đại học đặc biệt.
3. Trường Đại học Quốc gia Việt Nam: sự kế thừa ĐHĐD trên tầm cao mới
Trong bức thư gửi cho ĐHQGHN ngày 20/2/2002 ông Lê Văn Giạng viết: "Ngày 15-11-1945 là mốc mở đầu một thời kỳ mới rất quan trọng của nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung, của Univesité Hanoi nói riêng" và "Chúng ta cũng có thể coi ngày 15-11-1945 là ngày ra đời (ngày thành lập) của Đại học Quốc gia Hà Nội". Nhưng trong bài viết đăng trên Tiền phong Chủ nhật vừa qua thì ông lại cho rằng "... rõ ràng là ĐHĐD (1906-1945) cũng như ĐHQG (12/1945) với ĐHQGHN (1993-nay) không có liên quan gì trực tiếp với nhau về tổ chức, nhiệm vụ và về truyền thống cần kế thừa để có thể coi ĐHQGHN đã được thành lập cách đây 100 năm hay 60 năm". Những nhận định trên đây của ông ở hai thời điểm khác nhau đã có những điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Ở đây chỉ xin làm rõ hai điểm:
Thứ nhất, ĐHQGVN được khai giảng vào ngày 15-11-1945 tại toà nhà cũ của ĐHĐD ở số 19 phố Lê Thánh Tông hiện nay có liên quan, kế thừa ĐHĐD hay không?
Biên bản phiên họp ngày 4-10-1945 của Hội đồng Chính phủ ghi rằng: "Cụ Hồ nói: nên thông cáo rằng chính phủ sắp mở cửa lại Trường Đại học." Và: "Hội đồng quyết nghị: đến 15-11-1945, Trường Đại học sẽ mở cửa."(4) Thế là đã rõ: trong quan niệm và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ VNDCCH không có việc thành lập mới mà chính là mở cửa lại Trường Đại học, và "Trường Đại học" được nói tới ở đây chỉ có thể là ĐHĐD đã có từ chế độ cũ, bởi lẽ cho đến lúc đó chưa hề có bất cứ một thiết chế nào khác trên đất Việt Nam có danh xưng là "Trường đại học" cả.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa lại nhà trường, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo tiến hành nhiều việc, trong đó có việc lập ra Nha Đại học vụ thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục và Quỹ tự trị cho Trường Đại học Việt Nam (Sắc lệnh số 43/SL ngày 10/10/1945). Ngày 23. 10. 1945 Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ra Nghị định thành lập Hội đồng quản trị đại học có nhiệm vụ tổ chức việc học ở các ban Đại học, xếp đặt và kiểm sát sinh hoạt vật chất và tinh thần ở trường Đại học và Việt Nam học xá, quản trị ngân sách và quỹ tự trị trường Đại học.(5)
Như vậy, rõ ràng là việc mở cửa lại Trường Đại học là kết quả của quyết tâm cao và sự chuẩn bị gấp rút nhưng khá quy củ của Chính phủ. Đây là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược xa rộng và tầm cao văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 15-11-1945 Lễ khai giảng đã được tổ chức long trọng với sự tham gia chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ này Hồ Chủ tịch đã phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên Trường Y Dược, những người vừa hoàn thành nốt chương trình học tập bị gián đoạn bởi cuộc đảo chính Nhật-Pháp (9.3.1945). Sự kiện này cũng cho thấy rõ là Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đã mặc nhiên thừa nhận sự kế thừa liên tục ĐHĐD. Tính kế thừa này còn thể hiện rõ ở mô hình và cơ cấu tổ chức của nhà trường. Trường Đại học đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Nha Đại học vụ do TS. Nguyễn Văn Huyên làm Giám đốc, đồng thời do Hội đồng quản trị đại học trực tiếp quản lý, Hội đồng này cũng do TS. Nguyễn Văn Huyên làm Giám đốc. Trường ĐHQGVN lúc khai giảng cũng có 5 Ban là: Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội và Mỹ thuật. Như vậy, cả mô hình tổ chức đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHĐD cũng tiếp tục được kế thừa tại Trường ĐHQGVN.
Thứ hai, điều cần nhấn mạnh là Trường ĐHQGVN không chỉ kế thừa mà còn phát triển ĐHĐD trên tầm cao mới, ở chỗ xác định sứ mệnh của nhà trường trên các nguyên tắc văn hoá của chế độ mới là: dân tộc, khoa học và đại chúng. Điều này thể hiện rất rõ trong bài diễn văn nổi tiếng của TS. Nguyễn Văn Huyên đọc tại buổi lễ khai giảng ngày 15.11.1945, và trong chủ trương thành lập Ban Văn khoa và Ban Chính trị xã hội đặt trong Trường ĐHQGVN. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ giáo Quốc gia Giáo dục thì trong năm học mới, Trường ĐHQGVN có 1.149 sinh viên đăng ký chính thức và 270 sinh viên dự thính.
Từ những gì đã trình bày ở trên thì nhất định không thể cho rằng Trường ĐHQGVN và ĐHĐD không có liên quan gì trực tiếp với nhau về tổ chức, nhiệm vụ và về truyền thống cần kế thừa - như ông Lê Văn Giạng nhận định.
Cần nói thêm rằng trường ĐHTHHN được thành lập vào năm 1956 chính là thực thể kế thừa trực tiếp của Trường ĐHQGVN, cả về cơ sở vật chất, đội ngũ các nhà khoa học và nội dung, phương thức đào tạo. Điều này ông Lê Văn Giạng và tất cả những ai quan tâm tới lịch sử giáo dục đại học Việt Nam hiện đại thừa nhận.
4. Việc Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 100 năm ngày thành lập là đúng hay sai?
ĐHQGHN đã được thành lập theo Nghị định số 97/CP của Chính phủ ngày 10-12-1993. Vậy tại sao không lấy mốc thời gian này để kỷ niệm ngày thành lập của ĐHQGHN? Sự thực là năm 1993 ĐHQGHN đã được Chính phủ thành lập trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở Hà Nội, trước mắt là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Như vậy, đây không phải là sự thành lập một thực thể hoàn toàn mới, mà là sự tái tổ chức những thực thể đã có từ trước. Vì vậy, sẽ là không xác đáng nếu lấy mốc thời gian đó để “tính tuổi” cho ĐHQGHN. Ông Lê Văn Giạng cũng hoàn toàn nhất trí như vậy, nên trong bức thư ngày 20/2/2002 ông đã đề nghị lấy mốc thành lập ĐHQGHN từ 15.11.1945, còn trong bài báo vừa rồi trên Tiền phong Chủ nhật thì ông cho rằng nên lấy mốc thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956).
Vấn đề cốt yếu nhất trong lập luận của ông Lê Văn Giạng là: giữa ĐHĐD, Trường ĐHQGVN và ĐHQGHN không có liên quan gì trực tiếp với nhau về tổ chức, về nhiệm vụ và về truyền thống cần kế thừa. Thiết nghĩ những gì đã trình bày ở trên đủ cho thấy tính kế thừa và liên tục phát triển trong mô hình, cơ cấu tổ chức suốt 100 năm từ ĐHĐD đến ĐHQGHN. Còn về truyền thống cần được kế thừa? Theo tôi nghĩ, có ít nhất hai truyền thống lớn, xuyên suốt đã liên tục được kế thừa và phát triển từ ĐHĐD (1906-1945), ĐHQGVN (1945), Trường ĐHTHHN (1956-1993) và ĐHQGHN (1993-nay), đó là truyền thống học thuật và truyền thống yêu nước.
Về truyền thống học thuật thì rõ ràng là trong suốt 100 qua, đây là trung tâm đào tạo hàng đầu trên đất Việt Nam về khoa học cơ bản đa ngành, đa lĩnh vực, là cái nôi đã liên tục góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng được đào tạo tại ĐHĐD sau này đã tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đào tạo các thế hệ các nhà khoa học Việt Nam tại ĐHQGVN, Trường ĐHTHHN hoặc các trường đại học và viện nghiên cứu khác. Nhiều người không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao, như Nguỵ Như Kontum, Đặng Thai Mai, Lê Văn Thiêm, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Khê, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng vv...
Một truyền thống nổi bật khác được các thế hệ sinh viên từ ĐHĐD đến ĐHQGHN kế thừa và phát triển chính là truyền thống yêu nước, là ý thức nghiêm túc, đầy đủ về trách nhiệm của người trí thức đối với vận mệnh dân tộc. Ngay dưới chế độ thộc địa, dù người Pháp chủ trương đào tạo các thế hệ sinh viên ĐHĐD trở thành những trí thức, công chức hợp tác trung thành với chế độ thực dân, thì đã có nhiều lớp sinh viên hăng hái tham gia phong trào yêu nước. Có người đã dũng cảm xả thân cứu quốc như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Có người đã trở thành lãnh tụ của phong trào yêu nước và cách mạng như Nguyễn An Ninh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp vv... Rồi trong mùa thu lịch sử 1945, cả một lớp sinh viên ĐHĐD đã "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu", trở về với dân tộc rất đúng lúc và rất đẹp, trong đó có những tên tuổi xứng đáng là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay như Dương Đức Hiền, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Lê Văn Giạng vv... Tiếp nối truyền thống đó, thế hệ sinh viên Trường ĐHQGVN đã xin Chính phủ cho tạm ngừng học tập để tham gia kháng chiến ngay từ khi học kỳ thứ nhất còn dở dang. Rồi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn cán bộ, sinh viên Trường ĐHTHHN và trường ĐHSPNNHN đã lên đường đánh giặc. Có nhiều người như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Văn Thạc vv... đã nằm lại chiến trường, để cho đất nước “mãi tuổi hai mươi”. Truyền thống đó càng cần được khơi dậy và phát huy cao độ để thế hệ sinh viên ĐHQGHN hôm nay vững vàng bản lĩnh, đóng góp to lớn hơn nữa cho Tổ quốc và Dân tộc trong bối cảnh của kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
Như vậy, việc ĐHQGHN thừa nhận ĐHĐD và Trường ĐHQGVN là những tiền thân của mình, tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và 60 ngày truyền thống không chỉ có cơ sở khoa học, mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
(1) Centre des Archives d’Outre-Mer à Aix-en Provence (CAOM), fonds du Gouvernement gộnộral de l’Indochine - GGI, hồ sơ: 48.042.
(2) Trong tiếng Pháp chữ Ecole supộrieure thường được sử dụng để chỉ các đại học chuyên ngành.
(3) Journal officiel de l’Indochine franỗaise (JOIF) , 11-6-1906, tr. 807.
(4) Biên bản Hội đồng Chính phủ 1945. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
(5) Việt Nam dân quốc công báo, số 7, ngày 3.11.1945, tr. 88
|