Toạ đàm nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như những khó khăn mà nữ cán bộ gặp phải trong công việc và cuộc sống, những thách thức phải vượt qua để nữ cán bộ viên chức Nhà trường có thể vươn lên trong quá trình hội nhập quốc tế.
Các báo cáo đều khẳng định, sự phát triển lớn mạnh của trường ĐHKHXH&NV ngày nay có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ nữ, chiếm 50,2% trong tổng số cán bộ viên chức toàn trường (số liệu thống kê năm 2006). Trong đó có 01 GS, 11 PGS, 1 TSKH và 33 TS. Các nữ TS. của ĐHKHXH&NV được đào tạo ở nước ngoài chiếm 42,4%, đào tạo trong nước chiếm 57,6%. Độ tuổi trung bình các chị đạt học vị TS là 39,4 tuổi. So với tổng số nữ GS, PGS, TS toàn ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV chiếm 24,2%. Trong giai đoạn Việt Nam bước vào quá trình hội nhập quốc tế, các nữ cán bộ Nhà trường đã có rất nhiều cố gắng để khẳng định vị trí xã hội của mình.
Hội nhập đã đem lại cho nữ cán bộ nhiều cơ hội và cả những thách thức mới. Hội nhập quốc tế giúp tăng cường khả năng giao lưu, tiếp xúc giữa các dân tộc, các nền văn hoá, giáo dục, các trường đại học trên thế giới, từ đó tạo cơ hội cho nữ cán bộ mở mang hiểu biết, có điều kiện học tập nâng cao nhận thức, tri thức. Xã hội hiện đại cũng dành nhiều ưu ái hơn cho phụ nữ để họ có điều kiện phát triển bình đẳng như nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn để tự khẳng định mình. Phụ nữ phải mất nhiều thời gian và công sức cho việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái nên; về tâm sinh lý và thể chất không thể bằng nam giới; tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn lẩn quất trong xã hội; tính cam chịu, an phận làm cản trở tính sáng tạo vươn lên của phụ nữ...
Vậy nữ cán bộ nói chung và nữ cán bộ trường ĐHKHXH&NV phải làm gì để nâng cao vị trí của mình trong xã hội, đáp ứng yêu cầu của hội nhập? Trả lơi cau hỏi này, các nữ viên chức của TRường ĐHKHXH&NV cho rằng: trước hết, các chị phải thay đổi về nhận thức, phải coi hội nhập là một tất yếu khách quan và là yếu tố quan trọng để phát triển. Trong công việc, nữ cán bộ phải rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả; phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vi tính với tinh thần chủ động, tự giác, tích cực, học mọi lúc, mọi nơi, theo nhiều kênh khác nhau, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; phải mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học... Phụ nữ là "bần cố nông về thời gian và tỷ phú về các vấn đề phải giải quyết" (trích tham luận của PGS. TS. Đỗ Thu Hà - khoa Đông phương học). Vì vậy, để vừa đảm bảo việc gia đình, vừa hoàn thành công việc, vừa học tập để nâng cao trình độ, các chị phải biết cách tổ chức, sắp xếp công việc chung và riêng một cách hợp lý. Cuối cùng, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, xã hội nói chung và nhà trường nói riêng phải có những chính sách, chế độ ưu đãi, khuyến khích nữ cán bộ trong công việc, học tập và trong cuộc sống.
|