Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Đây là chủ đề hội thảo khoa học do Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị - ĐHQGHN tổ chức ngày 6/9/2007 với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là giảng viên các môn lý luận chính trị tại các trường đại học trong cả nước.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần đổi mới kết cấu, nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học.

Tới dự hội thảo có GS.TS Vũ Văn Hiền – UVTW Đảng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, ĐHQGHN và GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN.

GS.TS Vũ Văn Hiền đã có báo cáo đề dẫn và khai mạc hội thảo. Ban tổ chức hội thảo đã tập hợp được tổng số 56 bài báo cáo bàn về chủ đề hội thảo: nghiên cứu và làm rõ thực trạng giảng dạy các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học – những thành tựu đạt được, những bất cập hạn chế và những vấn đề đặt ra; đề xuất một số phương hướng, giải pháp nhằm đổi mới kết cấu môn học, chương trình môn học, giáo trình và phương pháp giảng dạy các môn lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tại các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam. Những vấn đề chung về đổi mới giảng dạy và nghiên cứu các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được các tác giả đặc biệt quan tâm, với 21 bài tham luận tập trung làm rõ thực trạng giảng dạy và học tập các môn học này và đã đưa ra những giải pháp khá phù hợp. 11 bài tham luận đã mạnh dạn chỉ ra thực trạng giáo trình Triết học Mác – Lênin bậc đại học, cao đẳng, thực trạng nghiên cứu giảng dạy môn Triết học Mác – Lênin cũng như trào lưu triết học phương Tây để không chỉ đưa ra những giải pháp tích cực cho việc giảng dạy và học tập mà còn mạnh dạn trình bày việc đổi mới hình thức biên soạn giáo trình dưới hình thức gợi mở phương pháp để tăng tính thực tiễn của môn học. 5 tác giả thuộc bộ môn Kinh tế chính trị, 4 tác giả thuộc bộ môn Chủ nghĩa xã hội và 9 tác giả thuộc bộ môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã nêu lên thực trạng, những tồn tại và giải pháp đổi mới cho việc giảng dạy các bộ môn này,…

Tại hội thảo, 9 tác giả đã trình bày tóm tắt tham luận về các nội dung cụ thể liên quan đến chủ đề của hội thảo. Trên diễn đàn khoa học, các nhà khoa học - giảng viên thuộc các trường đại học Việt Nam một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải giảng dạy các môn lý luận chính trị - môn học mang tính đặc thù trong giảng đường đại học và từ thực tiễn giảng dạy các môn học này một yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của hội nhập trong thời kỳ mới. Các nhà khoa học – giảng viên thêm một lần khẳng định định hướng tư tưởng đúng đắn và nhất quán của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Vũ Minh Giang khẳng định sự cần thiết và cấp bách của thời cuộc đối với việc giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Giáo sư nhấn mạnh đến vị trí người thầy trong quá trình giảng dạy các bộ môn học đặc biệt này: giảng viên phải là tấm gương sáng về sự trau dồi đạo đức và truyền tải xúc cảm đến cho người học. Giáo sư cũng bày tỏ sự tin tưởng hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học Việt Nam.

 

 Trần Anh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   |