Bài nói chuyện đã điểm lại những mốc lịch sử của tiến trình hình thành nên liên minh châu Âu (EU) ngày nay, từ hiệp ước ở Rome năm 1957 về việc thiết lập thị trường chung, sự ra đời của khối cộng đồng chung Châu Âu ban đầu với 9 quốc gia thành viên năm 1973 cho đến cuộc bầu cử chính thức đầu tiên của nghị viện châu Âu năm 1979. Tiếp theo là sự tham gia ngày càng đông của các quốc gia vào liên minh châu Âu như: Hy Lạp (1981), Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (1986), Australia, Phần Lan, Thụy Điển (1995), mười quốc gia Đông Âu (2004) và gần đây nhất là Rumani và Bungari (2007). Năm 2002, đồng tiền chung châu Âu (euro) đã ra mắt.
EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị thương mại đạt 10,87 tỷ euro năm 2007. Cho đến năm 2004, EU vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống lớn nhất của Việt Nam. Năm 2007, EU chiếm 19,32% giá trị xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. EU hiện cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 5 tỷ đô la.
Trong bài nói chuyện, ngài đại sứ cũng nhấn mạnh đến những đóng góp của EU vào sự phát triển và tự do hóa thương mại thế giới, khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức này trong việc định hướng những nguyên tắc đa phương hướng tới phát triển kinh tế bền vững. EU cũng đóng vai trò chính trong việc thành lập tổ chức WTO năm 1996 cũng như đóng vai trò chủ chốt trong những cuộc thương thuyết của vòng đàm phán Doha vốn được kỳ vọng là sẽ giúp việc gia nhập WTO trở nên có lợi hơn cho những nước nghèo.
|
|
EU cũng được coi là đối tác lớn trong các hoạt động hỗ trợ phát triển trên phạm vi toàn cầu. Các mục tiêu hợp tác phát triển mà EU đề ra nhằm: loại bỏ sự nghèo đói, thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển giáo dục, cải thiện sức khỏe và các dịch vụ cơ bản khác, phát triển bền vững và thiết lập quan hệ đối tác trên thế giới. Với Việt Nam, EU là một trong số những đối tác hàng đầu và đã hỗ trợ 962 tỷ đô la Mỹ cho Việt Nam năm 2007. Mục tiêu chính của những hỗ trợ này là nhằm giảm tình trạng nghèo đói ở Việt Nam.
Kết thúc bài phát biểu, ngài đại sứ khẳng định EU là tiếng nói chung phản ánh quan điểm của các quốc gia thành viên cộng đồng chung châu Âu. Và với hiệp ước Lisbon ký năm 2007 EU đã có những khung pháp lý cũng như công cụ cần thiết để đối mặt với những thách thức trong tương lai, đồng thời thỏa mãn yêu cầu của chính các công dân của liên minh về một châu Âu dân chủ, minh bạch, hợp tác hiệu quả, tự do, đoàn kết và an ninh.
|