Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Hướng mở của đào tạo nhân lực chất lượng cao
Hội thảo Liên kết trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp vừa được tổ chức tại ĐHQGHN. Đây được xem là bước đột phá trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội dựa trên nguyên tắc “3 chung”. Mô hình “cộng sinh” này được cả nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học đánh giá là mô hình tiết kiệm nhất, lợi ích nhất và thiết thực nhất.

Nhân dịp này, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc ĐHQGHN.

ĐHQGHN còn triển khai rất hiệu quả hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp để tổ chức đào tạo và nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ cao và khoa học liên ngành, thực hiện sáng tạo Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ tư khóa VII về “gắn viện với trường, gắn công tác giáo dục đào tạo với công tác nghiên cứu khoa học” và Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ hai khóa VIII về "bảo đảm kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu - triển khai với sản xuất - kinh doanh”.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: "Liên thông, liên kết không những phát huy được tính chuyên môn hóa theo thế mạnh độc đáo của từng đơn vị trong ĐHQGHN, mà còn tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung; tích hợp được sự giao thoa của các trí tuệ liên ngành cũng như kết hợp được sức mạnh dân tộc và hội nhập quốc tế."

Xin GS cho biết, mô hình liên kết 3 ”nhà” có vị trí như thế nào trong chiến lược phát triển của ĐHQGHN?

ĐHQGHN xác định hợp tác trường - viện - doanh nghiệp là một đặc trưng của mô hình đại học nghiên cứu. Đó vừa là phương thức vừa là mục tiêu nhằm tới sự phát triển của từng đối tác và cả sự phát triển chung của sự nghiệp khoa học - công nghệ và giáo dục đại học của nước nhà. Mô hình hợp tác này thu hút và tạo điều kiện để các nhà khoa học và doanh nghiệp ngoài ĐHQGHN tham gia đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên tiến hành nghiên cứu, thực hành, thực tập gắn với thực tiễn, gắn với hội nhập.

Vậy những mô hình nào đã được triển khai thành công ở ĐHQGHN, thưa GS?

Thời gian qua, ĐHQGHN đã triển khai thành công ba mô hình liên kết: Liên kết Trường – Viện thuộc hệ thống ĐHQG; Liên kết của các Trường thuộc ĐHQGHN – Viện nghiên cứu, Doanh nghiệp ngoài ĐHQGHN và Mô hình đơn vị phối thuộc liên kết đại học – viện nghiên cứu.

Xin GS cho biết rõ hơn việc triển khai liên kết trường - viện trong hệ thống ĐHQG?

Theo cơ cấu của một đại học nghiên cứu, ngoài các đơn vị đào tạo, trong hai ĐHQG còn có hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và làm đầu mối phối hợp triển khai các đề tài, dự án khoa học liên ngành, các viện, trung tâm này còn là nơi thực hiện mô hình đào tạo đại học 3+1 hoặc 3,5+0,5 (tức là một năm học chuyên ngành, làm khóa luận tốt nghiệp hoặc nửa năm làm khóa luận tốt nghiệp ở viện, trung tâm). Mô hình này được triển khai giữa các đơn vị như Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển với Trường ĐHKHXH-NV; Trung tâm nghiên cứu tài nguyên môi trường với Khoa Môi trường (Trường ĐHKHTN); giữa các Bộ môn Vật lí Chất rắn, Bộ môn Vật lí Nhiệt độ thấp với Trung tâm Khoa học vật liệu (Khoa Vật lí - Trường ĐHKHTN)… Đặc biệt, trong hệ thống ĐHQG, Trường ĐHCN - ĐHQGHN đã hợp tác với PTN Công nghệ Nanô của ĐHQG TpHCM để đào tạo thạc sĩ Vật liệu và linh kiện nanô do ĐHQGHN cấp bằng.

Lễ ký kết thỏa thuận "3 nhà" tại ĐHQGHN

Thế còn hợp tác giữa ĐHQGHN và các viện nghiên cứu, doanh nghiệp thì sao?

Từ năm 2005 đến nay, ĐHQGHN đã ký kết hợp tác với nhiều Bộ, ngành, tập đoàn lớn như Bộ Tài nguyên Môi trường, Viện KH&CN Việt Nam, Trung tâm Khoa học Công nghệ Quân sự – Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn VINASHIN, Hội doanh nghiệp Việt Nam để phối hợp tích hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cho các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và phối hợp trong nghiên cứu, giải quyết những vấn đề KHCN lớn của đất nước. Các trường đại học thành viên của ĐHQGHN cũng đã ký văn bản hợp tác với hàng trăm đơn vị bao gồm các viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan... trong cả nước.

Các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN đã thu hút hơn 300 cán bộ khoa học có trình độ cao của viện và doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn, luận án cho các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trong quá trình hợp tác, ngoài việc tham gia giảng dạy trực tiếp tại khuôn viên của ĐHQGHN, nhiều sinh viên được thực tập tại các cơ sở, các PTN của viện và của doanh nghiệp, nhiều sinh viên trong số đó sau khi tốt nghiệp đã trở thành nguồn nhân lực bổ sung cho các cơ sở này.

Ngoài công tác đào tạo, hợp tác trường - viện đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học của ĐHQGHN và các viện phối hợp tổ chức đăng ký thành công và đang triển khai nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước. Các nghiên cứu về khu vực học, môi trường, khí tượng thủy văn, các nghiên cứu về phòng chống tai biến và biến đổi khí hậu... đã thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN.

GS vừa nói đến môt hình đơn vị phối thuộc liên kết đại học – viện . Đây là một ”khái niệm” nghe rất...mới?

Đơn vị đào tạo, nghiên cứu phối thuộc là mô hình hợp tác kiểu associé giữa đại học và viện nghiên cứu thực hiện rất thành công ở CH Pháp. Theo mô hình này, các PTN của Trung tâm nghiên cứu quốc gia CNRS, do CNRS đầu tư là các đơn vị đào tạo phối thuộc của các trường đại học Pháp, các đại học không cần đầu tư nhưng có thể hợp tác để tổ chức đào tạo tại các đơn vị của CNRS. Ngược lại, ở các trường đại học cũng có một số PTN hiện đại mà các cán bộ nghiên cứu của CNRS trong hệ thống phối thuộc có thể trực tiếp sử dụng.

ĐHQGHN đã áp dụng triển khai mô hình này như thế nào?

Theo mô hình này, ở ĐHQGHN, Khoa Cơ học kĩ thuật và Tự động hóa (Trường ĐHCN) là đơn vị đào tạo phối thuộc của Viện Cơ học; Bộ môn Công nghệ Hàng không - Vũ trụ là bộ môn phối thuộc Viện Khoa học và Công nghệ vũ trụ. Tương ứng, một số phòng thí nghiệm hiện đại từ các Viện là phòng thí nghiệm phối thuộc của trường ĐHCN, như các PTN Cơ học Kỹ thuật biển, Chẩn đoán kỹ thuật (phối thuộc với Viện Cơ học); Điều khiển máy tính, Các công nghệ đặc biệt, Điều khiển hệ thống (Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp). Trường ĐHCN chủ trương sử dụng lâu dài các phòng thí nghiệm phối thuộc có trang thiết bị hiện đại này để hợp tác đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành, lĩnh vực là thế mạnh và truyền thống của viện và tập trung vào việc xây dựng các phòng thí nghiệm, bộ môn tương ứng với các chuyên ngành mới, không chồng chéo hoặc chưa được đầu tư ở các viện. Đến lượt mình, các phòng thí nghiệm của Trường ĐHCN như PTN Công nghệ micrô-nanô, PTN các hệ thống tích hợp thông minh đã trở thành PTN phối thuộc của các viện đối tác. Giải pháp này không những có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn ban đầu xây dựng Trường ĐHCN mà còn là một giải pháp hợp tác và phát triển, không đầu tư trùng lặp, có sự phân công một cách tự nhiên và tự nguyện, trường – viện luôn luôn cần sự hỗ trợ của nhau, cần sự hợp tác, liên thông và liên kết.

Theo quan điểm cá nhân, GS đánh giá như thế nào về mô hình phối thuộc hợp tác trường – viện này?

Có thể nói rằng, với mô hình phối thuộc hợp tác trường – viện đã phát triển từ mức độ tự phát trước đây sang giai đoạn tự giác, vận dụng và kết hợp một cách hợp lí được cách tiếp cận theo mô thức “Tổ chức”, vận dụng được biện pháp về tổ chức, lồng ghép kết hợp một số đơn vị để tăng thêm sức mạnh và cách tiếp cận theo mô thức “Chức năng” tăng thêm chức năng nhiệm vụ cho đơn vị liên quan, giúp cho đơn vị có điều kiện phát triển thuận lợi với cả cách tiếp cận theo mô thức “Mục tiêu” xuất phát từ mục tiêu và sản phẩm đầu ra, tìm các giải pháp tối ưu để đạt mục tiêu và sản phẩm đó. Cũng có thể nói rằng, mô hình phối thuộc của CH Pháp và một số đại học khác ở trên thế giới chủ yếu áp dụng cho đào tạo sau đại học, nhưng chúng ta đã áp dụng có hiệu quả cho cả đào tạo ở bậc đại học với qui mô tương đối lớn và phương thức quản lí, tổ chức đào tạo phức tạp hơn nhiều.

Cuối cùng, để phát triển triển hơn nữa mô hình liên kết 3 “nhà” , theo GS, chúng ta cần làm gi ?

Mặc dù sự hợp tác trường – viện của chúng ta đã bắt đầu tìm được con đường phát triển tự giác, nhưng chúng ta còn cần phải quan tâm, vun đắp cho cây trồng này nhiều hơn nữa. Đặc biệt, hợp tác với doanh nghiệp, hỗ trợ của doanh nghiệp đối với đào tạo và KHCN còn quá xa với nhu cầu và tiềm năng. Chúng ta cần tìm ra các sáng kiến về giải pháp, về cơ chế và chính sách... để hợp tác trường – viện – doanh nghiệp ngày càng có hiệu quả hơn nữa, từng bước góp phần vào việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức của đất nước.

Xin cảm ơn GS!

>>> Các bài liên