- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề thi đại học môn Lịch sử năm nay ?
- ThS. Nguyễn Quang Liệu (ThS. NQL): Tôi có một vài nhận xét chung như sau về đề thi đại học môn Lịch sử năm nay:
Một là đề thi đã ra đúng và bám sát các nội dung kiến thức được giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Thứ hai, người ra đề đã chú trọng cả nội dung kiến thức về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, nội dung kiến thức về lịch sử Việt Nam được trải rộng và bao quát theo từng giai đoạn, xuyên suốt lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1975. Do đó, thí sinh học tủ sẽ không thể được điểm cao.
Thứ ba, đề thi có tính phân loại rất cao. Nếu chỉ học thuộc mà không hiểu bài, không nắm được các giai đoạn lịch sử một cách hệ thống, không có kỹ năng làm bài, tức là không xác định được nội dung cơ bản, quan trọng của đề thi thì thí sinh sẽ không làm được quá điểm trung bình. Đề thi đòi hỏi sự phân tích, nhận xét về các vấn đề lịch sử, do đó sẽ giúp lựa chọn được thí sinh giỏi .
- Ông có thể nhận xét cụ thể về độ khó và độ hay của từng câu ?
- ThS. NQL: Câu I: Trình bày nội dung cơ bản chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1973 và việc triển khai chiến lược đó ở Tây Âu trong những năm 1947-1949. Đây là một câu hỏi khó do khi giảng dạy, các thầy cô thường trình bày nội dung này lồng vào trong phần kiến thức về lịch sử Việt Nam. Do đó, các thí sinh dễ chủ quan và khó có thể tách riêng phần nội dung liên quan đến chiến lược cơ bản toàn cầu của Mỹ để trả lời trọn vẹn câu hỏi này, nhất là phần trả lời về triển khai chiến lược toàn cầu ở Tây Âu, phần này chiếm ½ tổng số điểm của câu I. Tôi cũng đánh giá đây là câu khó đạt được điểm cao nhất.
Câu II: Nêu và nhận xét về nhiệm vụ và lực lượng cách mạng được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản việt Nam. Với câu này, thí sinh có thể dễ dàng nêu được nhiệm vụ và lực lượng cách mạng đề ra trong Cương lĩnh nhưng để nhận xét đúng và ăn điểm theo đáp án của Bộ, thí sinh cần có khả năng nhìn nhận tổng quát vấn đề trên cơ sở hiểu rõ các nội dung chính của Cương lĩnh. Tuy nhiên, tôi cho đây là câu hỏi rõ ý nhất, dễ nhất trong số 5 câu của đề thi. Do đó, đây cũng là câu mà thí sinh dễ kiếm điểm nhất.
Câu III: Bằng những sự kiện lịch sử có chọn lọc từ năm 1941 đến năm 1945, hãy làm sáng tỏ vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Đây cũng là một câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải hiểu và nắm vấn đề một cách hệ thống, sử dụng các sự kiện lịch sử để minh chứng cho vai trò của Bác đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trên các mặt: là người xác định đường lối và phương pháp cách mạng; sáng lập Mặt trận Việt Minh với các “Hội Cứu quốc”, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng; đánh giá chính xác thời cơ, kiên quyết phát động và lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Với câu này hỏi này, nếu không biết khái quát vấn đề mà chỉ học vẹt, thí sinh sẽ không thể trả lời đúng và đủ ý, đặc biệt là với hai ý cuối.
Câu IVa: Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là chiến dịch nào ? Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, chủ trương của ta và ý nghĩa của chiến dịch ấy. Câu hỏi này vừa dễ lại vừa khó. Sẽ là dễ đối với những thí sinh xác định đúng và chỉ ra được tên của chiến dịch ấy là Biên giới thu – đông năm 1950, sau đó thì phần trình bày nội dung của chiến dịch là quá đơn giản. Ở đây, thí sinh rất dễ bị nhầm với chiến dịch thu – đông 1947 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Vậy có hai khả năng, một là thí sinh sẽ không được điểm nào do không xác định đúng tên chiến dịch và hai là nếu hiểu câu hỏi thì điểm sẽ cao. Nếu là học sinh khá giỏi thì có thể hoàn thành tốt câu hỏi này, còn học sinh trung bình và yếu thì có thể không làm được gì hoặc có làm được cũng chỉ là do ăn may.
Câu IVb: Cuộc tiến công chiến lược nào của quân và dân ta ở miền Nam đã buộc Mỹ phải tuyên bố “Mỹ hoá” trở lại chiến tranh xâm lược Việt Nam? Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả của cuộc tiến công đó ? Câu hỏi này cũng có tính chất phân loại thí sinh rất rõ như câu IVa. Câu hỏi đề cập đến cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta ở miền Nam. Nếu thí sinh hiểu câu hỏi thì sẽ trả lời được, còn không hiểu là câu hỏi muốn đề cập đến cuộc tiến công chiến lược nào thì cũng đồng nghĩa với không được điểm nào. Tuy nhiên, với phần trình bày hoàn cảnh lịch sử của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, thí sinh rất dễ mắc lỗi là không trình bày đủ ý, nhất là phần diễn biến và kết quả đạt được của cuộc tiến công năm 1972.
- Ông có thể dự đoán phổ điểm của môn Lịch sử năm nay ?
- ThS. NQL: Theo kinh nghiệm chấm thi nhiều năm của mình, tôi dự đoán rằng: môn Lịch sử phổ biến rơi vào phổ điểm từ 1 đến 3 điểm, chủ yếu là ở học sinh trung bình và kém; đối với học sinh trung bình khá thì phổ điểm sẽ từ 4 đến 5 điểm; đối với học sinh khá giỏi thì có thể được từ 7 điểm trở lên nhưng chắc chắn số này không nhiều lắm. Tôi cho rằng với kết cấu và nội dung đề thi như trên thì thí sinh sẽ khó được điểm cao môn Lịch sử. Nhưng tôi cũng tin rằng, với những thí sinh thi tuyển và đủ khả năng trúng tuyển thì đều là những học sinh khá giỏi
- Từ đề thi năm nay, ông có đề nghị gì trong việc xây dựng đề thi môn Lịch sử đại học những năm sau ?
- ThS. NQL: Tôi chỉ xin có một vài ý kiến nhỏ với những người ra đề như sau:
Một là khi dạy Sử, các thầy cô rất quan tâm đến việc lồng ghép được kiến thức về sử thế giới vào sử Việt Nam để tạo sự hứng thú cho người học, giúp họ có được kiến thức cụ thể về lịch sử Việt Nam nhưng được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với diễn tiến của lịch sử thế giới. Không nên quá tách bạch rõ câu hỏi về lịch sử thế giới mà không đặt trong sự liên hệ, liên quan với các sự kiện của lịch sử Việt Nam. Ví dụ: có thể hỏi là: “Quá trình giành độc lập của các dân tộc ở châu Phi dưới tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam” ? hoặc “Mối quan hệ Việt Nam – Lào và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1954”. Cách hỏi như vậy giúp người học nắm được kiến thức vừa cụ thể, vừa tổng quát, lại có sự hứng thú trong trả lời. Bài làm chắc sẽ sáng tạo và hay hơn.
Hai là trong một câu hỏi, yêu cầu nhận xét nên được cơ cấu với số điểm ít hơn phần trình bày sự kiện, vì đây luôn là yêu cầu khó đối với trình độ của học sinh trung học. Phần nhận xét thông thường là phần giúp phân loại học sinh khá giỏi.
Ba là tôi cũng tán thành cách đặt câu hỏi của đề thi, không hỏi theo kiểu học thuộc mà hỏi theo cách hiểu bài, nắm bắt vấn đề và khả năng hệ thống kiến thức của thí sinh. Đối với những thí sinh hiểu bài thì dễ dàng đạt được điểm cao, nhưng với những thí sinh quen học vẹt thì đề thi dạng này lại là một thách thức. Tôi nghĩ trong những năm tiếp theo, đề thi nên giữ dạng thức câu hỏi và cách hỏi theo kiểu này.
- Từ đề thi đại học môn Lịch sử năm nay, ông có suy nghĩ gì về cách dạy và học môn Lịch sử hiện nay ?
- ThS. NQL: Lâu nay môn Lịch sử luôn trở thành nỗi lo ngại của nhiều thí sinh là do các em không có phương pháp học đúng và không được dạy kỹ năng làm bài thi. Học sử theo kiểu học vẹt, học tràn lan, ôm đồm mà không có hệ thống, không xác định được những điểm nhấn trong từng giai đoạn lịch sử thì không bao giờ được điểm cao. Trong quá trình dạy, các thầy nên sắp xếp, hệ thống các sự kiện theo tiến trình thời gian để các em có thể nắm vấn đề vừa cụ thể, vừa tổng quát. Giáo viên cần biết “nhấn nhá” vào những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong mỗi giai đoạn lịch sử, những thắng lợi mang tính bước ngoặt, thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc thời đại...
Về kỹ năng làm bài, các thầy cô nên dạy các em cách xác định trọng tâm câu hỏi, cách trả lời đủ ý, đúng ý chứ không lan man. Khi vừa có kiến thức được hệ thống tốt, vừa có kỹ năng làm bài thì dù đề thi có hỏi theo cách nào, các em cũng biết vận dụng kiến thức để trả lời tốt câu hỏi.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông !
|