PV: Từ lĩnh vực hoạt động của mình, đồng chí nhận định thế nào về vai trò của khoa học - công nghệ (KHCN) đối với phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay?
Ðồng chí Mai Trọng Nhuận: Trên thế giới hiện nay, KHCN phát triển rất mạnh mẽ và đã thật sự trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Với lợi thế của nước đi sau, nếu chúng ta có quyết sách đúng thì hoàn toàn có thể tranh thủ thời cơ, tiếp thu và làm chủ các thành tựu KHCN tiên tiến nhất phục vụ chiến lược phát triển tăng tốc, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ðó chính là khả năng hiện thực rất lớn của chiến lược "đi tắt, đón đầu", chiến lược phát triển dựa vào tri thức. Trong đó, vai trò của KHCN nói chung và của các trường đại học, các viện nghiên cứu cần phải được phát huy cao độ.
|
GS.TS Mai Trọng Nhuận |
Do đó, tôi nhất trí cao với đánh giá tại Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội XI của Ðảng. Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN được đẩy mạnh. Công tác quản lý KHCN được đổi mới, cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp KHCN bước đầu phát huy tác dụng. Ðầu tư cho KHCN đang được chú trọng hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn thì KHCN hiện nay còn chưa xứng tầm, chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy, chưa gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường KHCN còn sơ khai, chưa tạo sự liên kết có hiệu quả giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất, kinh doanh. Ðầu tư cho KHCN chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chúng ta rất thiếu đội ngũ cán bộ KHCN đầu đàn thật sự xuất sắc và thiếu những tổ chức KHCN với vai trò là “quả đấm thép” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển KHCN nói riêng, khiến cho nguồn lực KHCN vốn còn mỏng lại phân tán, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
PV: Vậy, theo đồng chí, làm thế nào để KHCN thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?
Ðồng chí Mai Trọng Nhuận: Trước thềm Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, chúng tôi rất tin tưởng và có nhiều kỳ vọng bởi đã nhận thấy được tinh thần xuyên suốt trong Dự thảo các Văn kiện trình Ðại hội lần này là có sự quan tâm đặc biệt đến phát triển dựa vào con người và dựa vào KHCN. Việt Nam vốn giàu tài nguyên con người, chứ không chỉ có tài nguyên thiên nhiên. Ðể khai thác tốt tài nguyên con người thì cần phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau bằng các thể chế, chính sách tương ứng, chứ không nên "cào bằng" trong đánh giá, sử dụng và đãi ngộ.
|
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN |
Ðiều tôi muốn nhấn mạnh là cần phải có những giải pháp mạnh để phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao. Chính nguồn nhân lực này sẽ là cái bảo đảm cho chúng ta không chỉ tiếp thu, làm chủ, mà còn vận dụng và phát triển được tri thức khoa học và các công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn. Nếu thiếu đội ngũ này, cho dù đất nước có mở cửa, các công ty nước ngoài có thật sự mang công nghệ tiên tiến vào thì chúng ta vẫn không thể làm chủ, nội địa hóa và phát triển được những công nghệ ấy. Kết quả là chúng ta tiếp tục lệ thuộc họ cả về công nghệ và vốn. Ðây là một nguy cơ lớn, đe dọa chiến lược đi tắt đón đầu.
Cần tạo cơ chế sao cho các doanh nghiệp phải tìm đến và dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu để có thể phát triển các công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh. Ðồng thời, có cơ chế để buộc các trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành được cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và chính quyền, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm và lợi ích của các bên, bảo đảm hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển. Với sự kết hợp này, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được đào tạo và được sử dụng hợp lý, gắn với thực tiễn, tạo ra những đột phá, khác biệt trong phát triển kinh tế - xã hội.
|
Sinh viên là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế tri thức |
Công tác giáo dục - đào tạo cần được chú trọng để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nên quan tâm việc đào tạo và xuất khẩu chuyên gia chứ không chỉ xuất khẩu lao động. Cần tạo cơ chế tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm cao cho các đơn vị giáo dục - đào tạo và nghiên cứu KHCN. Coi cơ chế tự chủ đích thực như là một sự phát huy nội lực đặc biệt, bởi sẽ thu hút được nhanh, mạnh các nguồn lực cho đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó trong việc thích ứng nhanh với các biến động, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Các cơ chế, chính sách phải dựa trên chất lượng, số lượng, hiệu quả sản phẩm đầu ra của mọi hoạt động. Từ đây sẽ tạo ra chất lượng thật sự của lao động khoa học, hạn chế tính hình thức, khoa trương, cơ hội trong các hoạt động này, khắc phục tình trạng phân tán, lãng phí các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động thực tiễn của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Và tôi nghĩ, đó chính là những giải pháp góp phần để giáo dục - đào tạo và KHCN thật sự là quốc sách hàng đầu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
|