Ngay từ khi ĐHQGHN còn đang vật lộn với muôn vàn khó khăn của một mô hình đào tạo mới đang được hì nh thành thì công tác thi đua - khen thưởng đã được lãnh đạo ĐHQGHN đặc biệt quan tâm. Khi đó, cùng với chủ trương của Chính phủ tăng quyền tự chủ cho ĐHQGHN về nhiều phương diện, việc đưa công tác thi đua - khen thưởng của ĐHQGHN trực thuộc Chính phủ qua Viện Thi đua Khen thưởng Nhà nước là một chủ trương đúng đắn và là một quyết tâm lớn của lãnh đạo ĐHQGHN nhằm sớm đưa công tác thi đua - khen thưởng vào nền nếp ngay từ buổi ban đầu. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đã được Nhà nước giao phó, ngay từ những ngày ấy công tác thi đua - khen thưởng đã được định hướng với mục tiêu xây dựng ĐHQGHN trở thành một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm các đại học trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế. Công tác thi đua - khen thưởng đã thực sự đóng một vai trò to lớn góp phần xây dựng và phát triển ĐHQGHN lớn mạnh như ngày hôm nay.
Tháng 5/2000, hòa trong không khí thi đua của cả nước, phấn đấu thực hiện tốt Chỉ thị 35/CT-TW của Bộ Chính trị, ĐHQGHN đã tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQGHN lần thứ I.
Đã 5 năm trôi qua nhưng hình ảnh của Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQGHN lần thứ I vẫn còn ghi đậm trong chúng ta. Trên 500 đại biểu, đại diện cho những người con ưu tú của ĐHQGHN, bao gồm các đại biểu đến từ hai đơn vị Anh hùng (Trường ĐHKHTN và Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV), các chiến sĩ thi đua toàn quốc, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, chiến sĩ thi đua, cán bộ giảng dạy giỏi, đại diện Gương mặt trẻ tiêu biểu, những học sinh THPT chuyên với những tấm Huy chương Olympic mang lại vẻ vang cho Tổ quốc... tề tựu đông đủ trong Đại hội, cùng báo cáo và chia sẻ những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng ĐHQGHN, cùng nhau xây dựng phương hướng cho công tác thi đua - khen thưởng trong 5 năm tiếp theo với những mục tiêu nặng nề nhưng vinh quang.
Năm nay (2005), trong không khí thi đua sôi nổi cùng cả nước hướng tới Đại hội Thi đua toà n quốc lần thứ VII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, chúng ta tiến hành Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQGHN lần thứ II.
Đại hội Thi đua lần thứ I ĐHQGHN là mốc quan trọng để chúng ta thực hiện Chỉ thị số 35 CT/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới, Đại hội lần thứ II là bước kế tiếp để chúng ta thực hiện Chỉ thị 39 CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yê u nước, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, đưa công tác thi đua - khen thưởng của ĐHQGHN lên một bước mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian tới.
Từ Đại hội lần thứ I tới Đại hội lần thứ II là một khoảng thời gian đủ dài đủ để chúng ta có điều kiện nhìn lại một cách khái quát những gì chúng ta đã làm được, những gì chúng ta còn phải phấn đấu tiếp trên chặng đường 5 năm tới.
Thực hiện phương hướng và nội dung công tác thi đ ua - khen thưởng do Đại hội thi đua lần thứ I đề ra, 5 năm qua, phong trào thi đua của ĐHQGHN có những bước phát triển mới về nhiều mặt. ĐHQGHN đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng, xác định thi đua - khen thưởng là động lực chính trị tinh thần mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của ĐHQGHN, tác động tích cực trong việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực, trí tuệ và tâm huyết của toàn thể cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên phấn đấu thực hiện thắng lợi sứ mệnh do Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó. Với sự phấn đấu không mệt mỏi, 5 năm qua chúng ta đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Trước hết phải kể đến phong trào thi đua hưởng ứng tham gia Lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo đã được quán triệt trong Kết luận của Hội nghị Đảng uỷ lần thứ 3 nhằm tạo ra những bước tiến cơ bản trong chất lượng dạy và học của ĐHQGHN, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 chất lượng đào tạo của ĐHQGHN đạt chuẩn khu vực, trong đó một số lĩnh vực, ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế. Phong trào này đã và đang được đông đảo cán bộ viên chức tích cực hưởng ứng, được thể hiện qua phong trào đổi mới phương pháp dạy và học; phong trào nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình, bài giảng. Cùng các giải pháp hữu hiệu nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đại trà, ĐHQGHN đã và đang chú trọng đầu tư phát triển các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế như đào tạo tài năng, chất lượng cao, đào tạo liên kết quốc tế... Đây là những giải pháp quan trọng hàng đầu có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong ĐHQGHN. Hưởng ứng các phong trào này, trong tất cả các đơn vị đào tạo, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm ra những phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập hiệu quả nhất. Cho đến nay, hầu hết các môn học ổn định trong chương trình đào tạo đại học của ĐHQGHN đã có giáo trình, bài giảng, trong đó, Trường ĐHKHTN, Khoa Luật... là những đơn vị đi đầu trong phong trào phủ kín giáo trình, bài giảng cho các môn học. ĐHNN cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chủ biên và tham gia xây dựng nhiều bộ giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, tài liệu phục vụ cải cách giáo dục dùng trong nhà trường phổ thông. Một số đơn vị như Trường ĐHCN đang khẩn trương triển khai biên soạn giáo trình điện tử. Nhiều bộ giáo trình có chất lượng cao, không chỉ được sử dụng phục vụ đào tạo trong ĐHQGHN mà còn được coi là giáo trình cơ bản của nhiều trường đại học hoặc cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên những năm vừa qua trở thành phong trào đều khắp, sôi nổi tại tất cả các đơn vị đào tạo, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Số đề tài NCKH của sinh viên năm 2004 là 1.903 công trình, tăng hơn 2 lần so với năm 2003. Từ năm 2001 đến 2004, sinh viên ĐHQGHN đoạt 8 giải nhất, 15 giải nhì, 29 giải ba và 59 giải khuyến khích trong Giải thưởng sinh viên NCKH do Bộ GD&ĐT tổ chức, trong đó có những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Hàng trăm em đạt các giải thưởng sinh viên NCKH của ĐHQGHN. Tổng kết 15 năm phong trào sinh viên NCKH, ĐHQGHN vinh dự là 1 trong 7 đơn vị đào tạo trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen giai đoạn (1990-2004). Khối THPT chuyên Trường ĐHKHTN, trường THPT chuyên ngoại ngữ thuộc Trường ĐHNN đã góp phần cung cấp nhiều học sinh giỏi cho các trường đại học trong cả nước. Đặc biệt, khối THPT chuyên của Trường ĐHKHTN dẫn đầu trong cả nước về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, các em học sinh đã đem về cho đất nước và ĐHQGHN 13 huy chương vàng, 19 huy chương bạc, 21 huy chương đồng. Mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao ở bậc đại học và sau đại học cũng đã được mở rộng ở hầu hết các đơn vị đào tạo, thu hút nhiều học sinh giỏi của cả nước theo học. Số lượng sinh viên thuộc hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao không ngừng được tăng cao, bổ sung nguồn lao động chất lượng cao cho các cơ quan đào tạo, nghiên cứu và cho xã hội. Nhiều em đã đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic trong nước và quốc tế. Chỉ riêng sinh viên của Trường ĐHKHTN và ĐHCN trong 5 năm qua đã đạt 32 giải nhất, 58 giải nhì, 70 giải ba, 10 giải khuyến khích trong các cuộc thi Olympic sinh viên toàn quốc. Nhờ những thành công ban đầu trong đào tạo nguồn nhân lực tài năng, ĐHQGHN đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ chuẩn bị "Dự án thí điểm phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước”.
Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ chính trị có vị trí ngang hàng với đào tạo nguồn nhân lực. Phấn đ ấu phát triển theo hướng đại học nghiên cứu, trong những năm qua ĐHQGHN đã xác định mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ, kết hợp chặt chẽ với đào tạo và gắn kết với phục vụ thực tiễn. Các phong trào thi đua đã động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ khoa học phát huy thế mạnh về khoa học cơ bản và cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực để đạt được những bước tiến rõ rệt trong lĩnh vực KHCN.
Trong giai đoạn 2001-2005, ĐHQGHN đã chủ quản 2 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm Nhà nước, 11 đề tài, dự án sản xuất thử cấp Nhà nước (nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, bảo vệ môi trường phòng chống thiên tai), 8 đề tài KHCN độc lập cấp Nhà nước, hàng trăm đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và hơn 1.000 đề tài dự án sản xuất thử cấp Bộ hoặc ĐHQGHN. Kinh phí KHCN, chỉ tính từ nguồn ngân sách Nhà nước, đã tăng đáng kể, từ 20,08 tỷ năm 2001 lên tới 39,4 tỷ năm 2005. Các chương trình, đề tài, dự án KHCN nói trên đã giải quyết những nhiệm vụ KHCN quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số nhà khoa học được nhận những giải thưởng quốc tế lớn, một số kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học được ghi nhận bởi các giải thưởng KHCN tầm cỡ quốc gia. Trong 5 năm qua, 9 công trình/cụm công trình khoa học của các nhà khoa học của ĐHQGHN được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, 7 công trình/cụm công trình khoa học được nhận Giải thưởng Nhà nước và 6 công trình/cụm công trình đang được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2005. Trong năm 2003 và 2004, 10 công trình của các tác giả/nhóm tác giả được nhận Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của ĐHQGHN. Một số sản phẩm KHCN có giá trị thực tiễn cao. Trong chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam (TechMart Vietnam) tổ chức năm 2003 và 2004, các đơn vị của ĐHQGHN đã giới thiệu 82 sản phẩm khoa học công nghệ, trong đó đại đa số là kết quả của các nghiên cứu cơ bản có định hướng, có hàm lượng khoa học cao, đáp ứng chuẩn khu vực và quốc tế.
Từ năm 2003, ĐHQGHN đã kiên quyết áp dụng giải pháp tổng hợp nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ vào các đề tài KHCN, trước hết là các đề tài trọng điểm, đặc biệt cấp ĐHQGHN. Từ chỗ chỉ có 15 đề tài KHCN tham gia đào tạo sau đại học vào năm 2001, đến các năm 2004 - 2005, hầu hết các đề tài KHCN trọng điểm, đặc biệt đều đã bao gồm nội dung các đề tài luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Giải pháp hiệu quả này góp phần nâng cao chất lượng của cả kết quả đề tài KHCN lẫn luận văn, luận án sau đại học.
Góp phần cho những thành công về đào tạo, nghiên cứu khoa học nêu trên, phong trào thi đ ua từng bước tăng cường, hiện đại hoá cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác hành chính, công tác phục vụ cũng đã được đông đảo cán bộ công chức, viên chức khối hành chính, phục vụ hưởng ứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Hoạt động của các đơn vị như Trung tâm Nội trú Sinh viên, Trung tâm Thông tin Thư viện, Nhà xuất bản, Nhà in, Ban quản lý các dự án xây dựng tại Hoà Lạc, khối phục vụ các phòng thí nghiệm, các bộ phận hành chính, bảo vệ, văn thư, lái xe... tuy đảm nhiệm những công việc hết sức thầm lặng, nhưng giữ vai trò không thể thiếu trong hệ thống các hoạt động chung của ĐHQGHN. Với sự phấn đấu không biết mệt mỏi, kết hợp với ý thức tìm tòi, sáng tạo, Trung tâm Nội trú Sinh viên đã xây dựng mô hình ký túc xá tiên tiến và được Bộ GD&ĐT đánh giá là một trong những ký túc xá tiên tiến nhất của ngành giáo dục Việt Nam. Trung tâm Thông tin Thư viện cũng khắc phục hàng loạt những khó khăn, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng các loại hình phục vụ bạn đọc như tin học hoá phương thức tra cứu tài liệu, mượn trả tài liệu; cải tiến công tác hướng dẫn bạn đọc, đảm bảo phục vụ hàng nghìn lượt bạn đọc trong một ngày.
Bên cạnh phong trào thi đua hưởng ứng Lộ trình nâng c ao chất lượng đào tạo, trong 5 năm qua, ĐHQGHN đã hưởng ứng và thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua, trong đó có những phong trào chung với quy mô toàn quốc như Đợt thi đua đặc biệt nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2001-2005) và chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc do Thủ tướng Chính phủ phát động; những phong trào của thành phố Hà Nội hoặc Công đoàn Giáo dục Việt Nam như phong trào "Người tốt - Việc tốt", "Dạy tốt - Học tốt", "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” cũng đã được phát triển rộng và đi sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên ĐHQGHN. Các đồng chí nữ cán bộ, viên chức phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Mẹ lao động giỏi - Con học giỏi”. Đoàn thanh niên, Hội sinh viên đã đóng một vai trò quan trọng vào công tác thi đua - khen thưởng với các phong trào như: "Rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp", "Thanh niên tình nguyện xây dựng phát triển Thủ đô và đất nước"; "Xây dựng môi trường giáo dục sạch đẹp - văn minh - lịch sự ở ĐHQGHN”. Nhiều hoạt động thanh niên tình nguyện được đông đảo đoàn viên - thanh niên tham gia tích cực. Trong 5 năm qua, đã có trên 500 đội sinh viên tham gia các phong trào tình nguyện tại nhiều địa bàn khác nhau. Chiến dịch Mùa hè thanh niên tình nguyện hàng năm thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia. Đặc biệt phong trào phấn đấu trở thành "Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN” được đông đảo cán bộ trẻ, đoàn viên - thanh niên sôi nổi tham gia. Trong 5 năm qua, 3.786 lượt học sinh, sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh và cán bộ trẻ được nhận danh hiệu "Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN”, trong số đó có nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, công tác. Nhiều người đã trở thành những cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu khoa học đầy triển vọng. Nhiều người thực sự là tấm gương tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực. 2 sinh viên của ĐHQGHN được bình chọn vào danh sách "10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất Việt Nam" hàng năm, 20 sinh viên đạt danh hiệu Sao tháng Giêng do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam trao tặng.
Bên cạnh các hình thức khen thưởng chung, Đ HQGHN đã xây dựng những hình thức khen thưởng đặc biệt cho một lĩnh vực đặc thù hay một nhóm đối tượng đặc biệt. Giải thưởng Khoa học Công nghệ ĐHQGHN, giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu ĐHQGHN, giải thưởng Nhà khoa học trẻ, bằng Tiến sĩ danh dự ĐHQGHN, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học, danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN... là những sáng kiến của ĐHQGHN trong công tác thi đua - khen thưởng.
Khó có thể liệt kê được toàn bộ những thành quả mà Đ HQGHN đã đạt được từ Đại hội thi đua lần thứ I đến nay, song, chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, chúng ta đã không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và xã hội. Thông qua các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ của từng năm học và những đợt thi đua đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân đã được suy tôn và đề nghị khen thưởng. Trong 5 năm qua (2001-2005), 2 đơn vị/tập thể đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (Trường ĐHKHTN và Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV); 2 đơn vị/tập thể đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý này (Trường ĐHKHXH&NV và Khối THPT chuyên Toán - Tin thuộc Trường ĐHKHTN); 1 đơn vị được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 1 đơn vị được tặng Huân chương Độc lập; 98 tập thể và cá nhân được tặng Huân chương các loại; 3 đơn vị/ tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 209 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; 8 cá nhân được nhận Bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN; 6 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 31 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 7 đơn vị/tập thể được nhận Cờ thi đua của ĐHQGHN; 1.230 lượt tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, 2.107 lượt cán bộ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ĐHQGHN và cấp cơ sở, hàng trăm lượt tổ chức Công đoàn và công đoàn viên, tổ chức Đoàn và đoàn viên - thanh niên được tặng bằng khen, giấy khen của Công đoàn, Đoàn thanh niên các cấp. Đây là những con số đáng tự hào đối với toàn thể cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên ĐHQGHN.
Phát huy những kết quả và thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua 5 năm qua của ĐHQGHN, những tháng còn lại của năm 2005 và giai đoạn 2006-2010 đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua lên một tầm cao mới với chất lượng mới, đáp ứng yêu cầu cao của giai đoạn mới để thực hiện thành công mục tiêu cơ bản của ĐHQGHN là: Huy động mọi nguồn lực, tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ nhằm tạo ra những bước đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm phát triển ĐHQGHN thành trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo hướng đại học nghiên cứu, từng bước nâng cao vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục nước nhà và trên thế giới, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Giai đoạn xây dựng và phát triển của ĐHQGHN trong 5 năm tới có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng có không ít khó khăn khi mà yêu cầu đổi mới giáo dục đại học ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi phát triển theo chiều sâu, khi mà sự hoà nhập quốc tế trở thành nhu cầu tất yếu. Đó là những thách thức mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức, mỗi học sinh, sinh viên của ĐHQGHN phải nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đại hội tin tưởng rằng với truyền thống 100 năm xây dựng và phát triển của mình, ĐHQGHN nhất định sẽ thực hiện xuất sắc sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó.
|