Đào tạo
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >  
Công tác đào tạo đội ngũ giảng viên là vấn đề cốt lõi
Ngày 20/6/2014, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác đào tạo giáo viên theo mô hình a+b tại ĐHQGHN. Đây là cơ hội đánh giá toàn diện về mô hình cũng như các vấn đề thực tiễn khi triển khai mô hình đào tạo giáo viên, những kết quả đã đạt được, các giải pháp khắc phục hạn chế và định hướng phát triển trong tương lai.

Tới dự Hội nghị có ông Nguyễn Ánh – Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục – Bộ GD&ĐT; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN; PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục; GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Giáo dục cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương, đại diện lãnh đạo các trường thành viên của ĐHQGHN và các cựu sinh viên của Nhà trường.
Toàn cảnh hội nghị
Trường Đại học Giáo dục có hai nhiệm vụ chính: Đào tạo nhà giáo chất lượng cao cho mọi bậc học, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên phổ thông và giảng viên các trường cao đẳng, đại học; Đào tạo chuyên gia quản lý giáo dục, bồi dưỡng cán bộ quản lý cho ngành giáo dục. Hai nhiệm vụ chiến lược này đã được nhà trường tập trung đầu tư triển khai ngay từ những ngày đầu thành lập.
Từ năm 2000 đến năm 2012, Trường Đại học Giáo dục đã và đang triển khai 13 khoá đào tạo cử nhân sư phạm theo mô hình 3+1 thuộc 6 ngành: Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử. Giai đoạn 2000 – 2005, Trường Đại học Giáo dục tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm theo mô hình kế tiếp – đan xen 3+1. Trong đó, 3 năm dầu sinh viên được trang bị khối kiến thức chung, khối kiến thức khoa học cơ bản (tại Trường ĐHKHXH&NV và Trường ĐHKHTN), khối kiến thức khoa học giáo dục – sư phạm được giảng dạy ngay từ năm thứ nhất với thời lượng tăng dần một cách hợp lý, năm thứ tư dành chủ yếu cho khối kiến thức khoa học giáo dục – sư phạm (với thời lượng khoảng 80-85% thời gian). Giai đoạn 2006 – 2012, công tác đào tạo giáo viên tại Trường Đại học Giáo dục được tổ chức theo mô hình kế tiếp 3+1. Cụ thể là 3 năm đầu sinh viên sư phạm được quản lý và đào tạo toàn bộ khối kiến thức khoa học cơ bản cùng với sinh viên các ngành khoa học cơ bản tương ứng tại Trường ĐHKHXH&NV và Trường ĐHKHTN, năm cuối sinh viên sư phạm cùng kết quả học tập của 3 năm đầu được chuyển về Trường Đại học Giáo dục tiếp tục quản lý và đào tạo phần kiến thức đặc thù của đào tạo cử nhân sư phạm, khối kiến thức khoa học giáo dục, khoa học sư phạm, thực hành sư phạm, kiến tập, thực tập sư phạm và khoá luận tốt nghiệp.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức
Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN
PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng
Trường Đại học Giáo dục
Tại Hội nghị, PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho biết, triết lý của mô hình đào tạo 3+1 là đào tạo cử nhân vững về khoa học cơ bản trước, đào tạo nghiệp vụ giáo viên sau. Theo đó, người giáo viên được đào tạo sẽ vừa có chuyên môn khoa học cơ bản, vừa tinh thông về nghiệp vụ sư phạm, đồng thời có năng lực quản lý giáo dục tốt. Hiệu trưởng nhấn mạnh, hiệu quả của mô hình đào tạo 3+1 là phát huy và sử dụng sức mạnh tổng hợp của các giảng viên, nhà khoa học đầu ngành của các ngành khoa học cơ bản, cũng như kinh nghiệm và uy tín bản của 2 trường ĐH KHTN và ĐH KHXHNV trong một đại học đa ngành, đa lĩnh vực như ĐHQGHN. Nói về sự khác biệt và những ưu điểm của mô hình đào tạo giáo viên theo mô hình 3+1 được triển khai tại Trường Đại học Giáo dục, ông Lê Kim Long cho rằng, đây là mô hình đào tạo mở, có tính liên thông mạnh, mềm dẻo, dễ điều chỉnh từ đào tạo cử nhân khoa học cơ bản sang đào tạo cử nhân sư phạm và ngược lại.
Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN đánh giá cao những kết quả Nhà trường đã đạt được trong 10 năm triển khai mô hình đào tạo 3+1, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của Trường ĐHKHTN, Trường ĐHKHXH&NV và Trường ĐH Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng đề nghị Nhà trường quan tâm đầu tư nghiên cứu để tư vấn cho Đảng, Nhà nước và Giám đốc ĐHQGHN trong việc triển khai những vấn đề lớn của giáo dục đại học hiện nay như phân tầng các trường đại học; đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện năng lực của người học; đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; đổi mới giáo dục với triết lý bên cạnh đào tạo kiến thức cần tăng cường đào tạo kỹ năng, rèn luyện phẩm chất, phát triển tầm nhìn cho người học... đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng báo cáo giáo dục thường niên (đã được Giám đốc giao nhiệm vụ). Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN khẳng định sẽ nghiên cứu những đề xuất kiến nghị của nhà trường để đề xuất với Giám đốc ĐHQGHN, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, nhằm tạo điều kiện để nhà trường và các đơn vị phối hợp phát huy hơn nữa trong việc đào tạo giáo viên nói riêng, cũng như trong các hoạt động đào tạo đại học, sau đại học của nhà trường.
Sau khi nghe báo cáo sơ kết mô hình đào tạo giáo viên của Trường Đại học Giáo dục, các đại biểu là các nhà quản lý, các giảng viên, địa phương sử dụng giáo viên (đại diện sở giáo dục đào tạo các địa phương), các cựu sinh viên đã cùng thảo luận các vấn đề thực tiễn cũng như những hạn chế và các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển mô hình đào tạo giáo viên tại Trường Đại học Giáo dục. Tất cả các đại biểu đều nhất trí đánh giá mô hình đào tạo giáo viên 3+1 là mô hình không mới trên thế giới nhưng mới mẻ ở Việt nam, đã được triển khai thành công, hiệu quả, phát huy được thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực và liên thông của ĐHQGHN. Có thể khẳng định mô hình 3+1, cũng như mô hình đào tạo a+b nói chung là mô hình đào tạo mới và đặc sắc của ĐHQGHN.





 Hương Giang - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :