Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các Phó Giám đốc ĐHQGHN: Nguyễn Hiệu, Phạm Bảo Sơn, đại diện lãnh đạo Văn phòng, Văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên và lãnh đạo các Ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo và chuyên viên Ban Đào tạo, cán bộ phụ trách công tác đào tạo đại học và sau đại học, trung học phổ thông của các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày Báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022 Trình bày báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác đào tạo ở ĐHQGHN năm học 2021-2022 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm và đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong các hoạt động đào tạo. Theo đó, kết quả tuyển sinh đại học (ĐH) các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt. Chỉ riêng số thí sinh đăng ký dự thi vào ĐHQGHN đã chiếm khoảng 12% tổng số thi sinh dự thi trên địa bàn cả nước, qua đó thấy được sức hút của môi trường học tập tại ĐHQGHN cũng như sức hút ngành nghề theo nhu cầu xã hội. Đặc biệt, đây là năm ĐHQGHN có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hệ tài năng, chất lượng cao đạt trên 17% tổng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong năm học - cao nhất từ trước đến nay. Năm học vừa qua cũng là năm toàn ĐHQGHN tập trung cao nhất lực lượng để chuẩn bị thành công việc triển khai tổ chức đào tạo cho 1.502 sinh viên khóa QH.2022 học tập tại Hòa Lạc. Công tác tuyển sinh sau đại học (SĐH) có nhiều chính sách đổi mới theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, năm 2022, ĐHQGHN cập nhật yêu cầu về chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đầu vào, không tổ chức thi tuyển sinh với môn ngoại ngữ như trước. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng thực hiện phương thức xét tuyển bậc thạc sĩ đối với một số đơn vị đào tạo. Về tổ chức quản lý đào tạo liên kết quốc tế, hiện nay, ĐHQGHN có 09 đơn vị đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo với 24 CTĐT, trong đó có 09 CTĐT cử nhân và 15 CTĐT thạc sĩ. Các CTĐT liên kết quốc tế đã tạo cơ hội tốt cho sinh viên được học tập trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, kinh doanh, quản lý, công nghệ theo phương thức đào tạo hiện đại của các trường đại học uy tín trên thế giới. Cũng trong năm học qua, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách thu hút người học như: Chương trình học bổng dành cho khối ngành khoa học cơ bản; Học bổng dành cho các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học… “Một năm học với nhiều biến động và nhiệm vụ đặt ra là phải thích ứng, song các đơn vị đào tạo đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm học 2021-2022 với kết quả thể hiện qua các con số nổi bật: 8.002 sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp đại học, 1.483 học viên được nhận bằng thạc sĩ, 223 nghiên cứu sinh được nhân bằng tiến sĩ. Công tác trao đổi sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế tiếp tục được phát triển; Nhiều ngành mới đặc sắc được mở và tuyển sinh tốt. Đội ngũ GS, PGS, TS hùng hậu. Thành tích xuất sắc của khối THPT tại các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực và các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Giá trị cốt lõi là chất lượng đào tạo luôn được duy trì nghiêm túc. Một số lĩnh vực như toán học, vật lý, khoa học máy tính, kỹ thuật công nghệ và kinh doanh quản lý tiếp tục lọt trong top 300-500 thế giới - tất cả những điều này khẳng định chất lượng đào tạo, uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN” – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong năm học tới, đó là: Việc chuyển đổi các CTĐT chất lượng cao sang các CTĐT chuẩn theo định mức kinh tế - kỹ thuật đang làm giảm dần quy mô tuyển sinh và đào tạo chất lượng cao; các ngành khoa học cơ bản còn chậm đổi mới; quy mô đào tạo ĐH tăng nhanh trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; tỷ lệ tốt nghiệp trung bình mới chỉ đạt 65% và năng lực ngoại ngữ vẫn còn là điểm yếu của nhiều sinh viên; tốc độ kiểm định các chương trình đào tạo còn chậm,… Hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, đó là: (1) Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt các hệ tài năng, chất lượng cao và chất lượng đào tạo tiến sỹ; (2) Thu hút và mở rộng quy mô đào tạo nghiên cứu sinh; (3) Đẩy nhanh kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo; (4) Hoàn thiện và triển khai Đề án Tổ chức các kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN và Đề án đào tạo học sinh miền Nam; (5) Đẩy mạnh chuyển đổi số; Hoàn thiện mô hình, phương thức đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng; (6) Đẩy mạnh chuyển đổi số; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý đào tạo tiến sĩ, phần mềm xác minh văn bằng chứng chỉ của ĐHQGHN cũng như nâng cấp và điều chỉnh các phần mềm quản lý đào tạo đại học, sau đại học cho phù hợp với Quy chế đào tạo mới; (7) Đổi mới cấu trúc nội dung chương trình đào tạo; (8) Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tăng quy mô tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực; (9) Triển khai tập huấn và thực hiện thật tốt các quy chế đào tạo mới; (10) Rà soát và bổ sung, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn đánh giá chất lượng tuyển sinh năm vừa qua của Trường có chuyển biến mạnh Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, chất lượng tuyển sinh năm vừa qua của Trường có chuyển biến mạnh thông qua xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, đặc biệt là các ngành mang tính hội nhập như Đông Phương học, Hàn Quốc học… Về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đề nghị các cán bộ làm công tác đào tạo cần bám sát các tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh tình trạng sinh viên không ra được trường vì không đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng mong muốn lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo các đơn vị đào tạo cùng hô ứng trong việc mở mới các CTĐT theo xu hướng của thị trường lao động. Hiệu trưởng Trường Quốc tế Lê Trung Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố chất lượng trong đào tạo Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố chất lượng, Hiệu trưởng Trường Quốc tế PGS.TS Lê Trung Thành cho rằng, hiện nay chúng ta chưa phát huy hết nguồn lực đổi mới sáng tạo của từng cán bộ, giảng viên, từng vị trí việc làm cho tương xứng với sứ mệnh, giá trị cốt lõi của ĐHQGHN. Hiệu trưởng Lê Trung Thành đề xuất, ĐHQGHN nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng các công cụ, phần mềm dùng chung cho các đơn vị để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Phạm Văn Thuần đề xuất tuyển sinh theo nhóm ngành PGS.TS Phạm Văn Thuần - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục đề xuất tuyển sinh theo nhóm ngành nhằm tái cấu trúc các CTĐT theo nhóm ngành, phân ngành, từ đó tạo sự liên thông tối đa giữa các CTĐT. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cũng đề nghị có sự cân nhắc, xem xét điều chỉnh để xây dựng phương án đào tạo liên thông, liên kết giữa các bậc học, từ cử nhân tới thạc sĩ. TS. Bùi Vũ Anh - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục chia sẻ, Viện sử dụng kết quả của các đơn vị đao tạo để tham gia xếp hạng theo hướng xếp hạng bền vững. Mới đây nhất, ĐHQGHN được QS tặng giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement). Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này. Phó Viện trưởng Bùi Vũ Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh tăng, các điều kiện đảm bảo chất lượng khác như tỉ lệ giảng viên, cơ sở vật chất cũng phải được gia tăng và mở rộng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của các đơn vị trong toàn ĐHQGHN. Thời gian gần đây, ĐHQGHN chú trọng xếp hạng theo lĩnh vực, hướng đi này hỗ trợ nhiều hơn cho công tác đào tạo, quảng bá chương trình đào tạo. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, việc phát triển các ngành nghề theo xu hướng mới cần song hành duy trì các CTĐT truyền thống Đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, việc phát triển ngành nghề mới theo nhu cầu xã hội, đặc biệt là các ngành kỹ thuật - công nghệ là một xu hướng chú trọng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải duy trì những CTĐT truyền thống, khoa học cơ bản là thế mạnh đặc thù của ĐHQGHN. Những chính sách đầu tư, ưu tiên của ĐHQGHN cho các ngành khoa học cơ bản là một trong những điểm thuận lợi để phát triển các CTĐT này trong thời gian tới. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đặc biệt lưu ý các đơn vị rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đặc biệt lưu ý các đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng. Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng đề nghị các đơn vị tăng cường số hóa, chuyển đổi số trong đào tạo, phần mềm quản lý đào tạo và xây dựng bài giảng điện tử. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện thu chi theo Quy định định mức kinh tế kỹ thuật và Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đề nghị tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực đào tạo Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo năm học 2021-2022. Giám đốc đề nghị năm học tới cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực đào tạo, trước mắt là rà soát, ban hành và triển khai các Quy chế đào tạo mới hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền; thí điểm giao quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo. Giám đốc Lê Quân đề nghị các đơn vị chú trọng hơn nữa đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, thu hút cán bộ khoa học trình độ cao về công tác tại ĐHQGHN. Giám đốc nhấn mạnh yêu cầu về công bố quốc tế đối với giảng viên và nghiên cứu sinh, các chính sách hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu, góp phần nâng cao vị thế của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới. Giám đốc ĐHQGHN cũng cho rằng, việc các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN tiếp tục đăng ký giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai tại Hòa Lạc. Đây là một trong những yếu tố giúp giảm áp lực cho các cơ sở của ĐHQGHN ở nội thành. Giám đốc Lê Quân đề nghị các đơn vị nghiên cứu, xây dựng tái cấu trúc ngành, chuyên ngành để đảm bảo hiệu quả giảng dạy; trang bị cho sinh viên được nhiều kỹ năng hơn, tiếp cận được nhiều vấn đề phục vụ thực tiễn – gắn đào tạo với nghiên cứu, với đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tính đến ngày 15/10/2022, có 12.845 thí sinh trúng tuyển nhập học vào 143 ngành/chương trình đào tạo, đạt gần 98% so với tổng chỉ tiêu của toàn ĐHQGHN. Trong đó có 4.275 thí sinh trúng tuyển vào các CTĐT chất lượng cao, chiếm 33% quy mô tuyển sinh đại học năm 2022. Về kết quả tuyển sinh SĐH đợt 1 năm 2022, có 590 học viên nhập học bậc thạc sĩ và 124 nghiên cứu sinh nhập học bậc tiến sĩ; Đợt 2 có 1.535 hồ sơ đủ điều kiện dự thi bậc thạc sĩ và 233 hồ sơ đủ điều kiện dự thi bậc tiến sĩ. Dự kiến, công tác tuyển sinh SĐH đợt 2 năm 2022 sẽ kết thúc trước ngày 31/12/2022. Quy mô đào tạo bậc ĐH là 57.406 sinh viên, trong đó có 2.152 sinh viên bằng kép, 23.310 sinh viên CTĐT chuẩn, 840 sinh viên các CTĐT tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, 15.132 sinh viên CTĐT chất lượng cao theo đề án và 2.375 sinh viên hệ kỹ sư. Quy mô đào tạo bậc SĐH là 4.724 học viên cao học và nghiên cứu sinh, trong đó có 3.798 học viên bậc thạc sĩ và 926 nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ. Năm học 2021-2022, ĐHQGHN đã thẩm định và ban hành 13 CTĐT, bao gồm 03 CTĐT trình độ đại học, 03 CTĐT trình độ đại học kết hơp thạc sĩ, 05 CTĐT trình độ thạc sĩ và 02 CTĐT trình độ tiến sĩ; giao nhiệm vụ đào tạo 02 CTĐT trình độ đại học CLC theo đặc thù đơn vị. Ngoài ra ĐHQGHN cũng tiến hành điều chỉnh khung chương trình cho 08 CTĐT trình độ thạc sĩ và điều chỉnh tên 01 CTĐT trình độ đại học. Cùng với đó, ĐHQGHN đã thẩm định và mở mới 01 CTĐT và gia hạn 04 CTĐT liên kết với đối tác nước ngoài. Đặc biệt, ĐHQGHN đã xây dựng Quy hoạch ngành, chuyên ngành tại ĐHQGHN giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sĩ và 155 chương trình đào tạo tiến sĩ. Về công tác tuyển sinh, đào tạo bậc THCS và THPT, chất lượng tuyển sinh của các trường THPT được đánh giá tốt. Dù nhu cầu tuyển sinh rất cao nhưng các trường vẫn giữ vững quy mô tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, các trường THPT của ĐHQGHN tiếp tục phát huy thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực với 09 huy chương Vàng, 03 huy chương Bạc, 02 huy chương Đồng và 01 Bằng khen. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, học sinh các trường THPT đạt 10 giải Nhất, 24 giải Nhì, 15 giải Ba và 22 giải Khuyến khích… Năm học vừa qua, ĐHQGHN đã kiểm định chất lượng và đánh giá chất lượng 18 CTĐT, trong đó có 08 chương trình theo chuẩn AUN, 04 chương trình đánh giá chất lượng đồng cấp, 06 chương trình kiểm định chất lượng theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. | >>> Các tin tức liên quan: - Tuyển sinh ĐHCQ năm 2022: Nhiều chính sách hấp dẫn tạo động lực phát triển - VNU – IS: Tuyển sinh 3 ngành học gắn với chuyển đổi số, đào tạo tích hợp cử nhân và thạc sỹ trong năm 2022 - Nhiều chính sách học bổng có giá trị dành cho sinh viên ĐHQGHN - ĐHQGHN tổ chức kỳ thi tuyển sinh sau đại học đợt 1/2022 theo hình thức trực tiếp - Tuyển sinh sau đại học đợt 2 năm 2022: ĐHQGHN áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh sau đại học, tạo hướng mở cho thí sinh, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao
|