Hàng năm cứ vào ngày thứ năm tuần thứ 3 của tháng 11 UNESCO lại tổ chức kỷ niệm Ngày Triết học thế giới. Năm 2004, đúng ngày Triết học thế giới, Khoa Triết học (ĐHKHXH&NV) đã tổ chức buổi tọa đàm với tên gọi “Vai trò của triết học trong đời sống xã hội”. Năm 2005, Trường ĐHKHXH&NV cùng phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Triết học thế giới 2005 với hai nội dung: Hội thảo khoa học với chủ đề “Tư tưởng triết học Việt Nam trong bối cảnh du nhập các tư tưởng Đông Tây nửa đầu thế kỷ XX” và cuộc thi Olympic triết học sinh viên.
Tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Tư tưởng triết học Việt Nam trong bối cảnh du nhập các tư tưởng Đông Tây nửa đầu thế kỷ XX” lần này có 29 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và ngoài nước, trong đó có 5 báo cáo thuộc mảng vấn đề phương pháp tiếp cận “Tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, 13 báo cáo đề cập đến “Sự du nhập các trào lưu tư tưởng phương Đông và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng triết học Việt Nam” và 11 báo cáo về “Sự du nhập các trào lưu tư tưởng phương Tây và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng triết học Việt Nam”. Nhìn chung, các báo cáo đều tập trung phân tích các vấn đề nổi cộm trong tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như: Cách tiếp cận nghiên cứu lịch sử dân tộc nói chung, tư tưởng triết học nói riêng; Phương thức, con đường du nhập các trào lưu tư tưởng phương Đông và phương Tây và tác động của chúng đối với tư tưởng Việt Nam cũng như những biến đổi của các trào lưu tư tưởng Việt Nam truyền thống như Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo trong bối cảnh mới của lịch sử dân tộc trong giai đoạn đặc biệt này.
Xung quanh vấn đề thứ nhất có 3 báo cáo được trình bày của tác giả Trịnh Trí Thức, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Đức Sự và 7 ý kiến phát biểu trao đổi. Các tham luận và trao đổi tập trung phân tích sự cần thiết, tất yếu phải nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam; phương pháp tiếp cận tư tưởng triết học Việt Nam. Phần thảo luận đặc biệt diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều nhà khoa học xung quanh vấn đề ở Việt Nam có triết học hay không? Nhiều vấn đề như: Thế nào là triết học? Thế nào là tư tưởng triết học? Sự khác nhau giữa “tư tưởng triết học” với “tư tưởng” ở chỗ nào?… cũng gây ra nhiều tranh luận. Có ý kiến mạnh dạn cho rằng Việt Nam chúng ta, một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, không thể không có triết học. Tuy ở một số điểm còn phải tranh luận và chưa thống nhất nhưng nhìn chung tất cả các ý kiến đều cho rằng: Ở Việt Nam có tư tưởng triết học, còn vấn đề liệu ở Việt Nam có một nền triết học hay không là cả một vấn đề lớn, đòi hỏi giới nghiên cứu cần tiếp tục làm rõ.
Xung quanh chủ đề 2 và 3, 6 báo cáo được trình bày của các tác giả Phan Ngọc, Bùi Đăng Duy, Lê Thị Lan, Nguyễn Chương Thâu, Nguyễn Quang Hưng, Lương Gia Tĩnh và 7 ý kiến trao đổi thảo luận tập trung phân tích sự du nhập của các trào lưu tư tưởng cải cách của Trung Quốc, Nhật Bản cũng như các luồng tư tưởng dân chủ tư sản, tôn giáo phương Tây, đặc biệt là tư tưởng mácxít và tác động của chúng đối với triết học nước ta giai đoạn này. Phần đông các ý kiến trao đổi đều cho rằng các trào lưu tư tưởng trên đã có tác động rất lớn tới tư tưởng Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng đến tư duy yêu nước, phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng như phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, các tổ chức và phong trào yêu nước của Phân Bội Châu, Phan Chu Trinh,… Các dòng tư tưởng trên đã làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng của dân tộc ta. Từ đây, tư tưởng Việt Nam không chỉ bao gồm các trào lưu tư tưởng truyền thống, mà được làm giàu thêm bởi tinh hoa của tư tưởng nhân loại.
Các báo cáo và các tham luận đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dòng tư tưởng mácxít, cũng như vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các nhà tư tưởng mácxít khác trong việc du nhập và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tạo ra bước ngoặt trong tư duy yêu nước đầu thế kỷ XX, từ tư duy yêu nước truyền thống đến tư duy yêu nước hiện đại.
Những vấn đề của tư tưởng triết học đầu thế kỷ XX hiện vẫn mang đầy tính thời sự. Hội thảo đã gợi ở ra nhiều vấn đề, nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt là tiếp thu giá trị của các dòng tư tưởng của thời đại nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay…
Cuộc thi Olympic Triết học sinh viên năm nay có sự góp mặt của 3 đội thi đến từ 3 trường: Khoa Triết học (ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN), Khoa Triết học (HV Báo chí & Tuyên truyền, Học viện CTQG Hồ Chí Minh), Khoa GDCT (ĐHSPHN). Các đội thi cùng tham gia thi 4 phần: màn chào hỏi, phần thi bắt buộc, phần thi trả lời nhanh và phần thi hùng biện với nội dung xoay quanh các vấn đề về lịch sử triết học phương Đông và phương Tây, triết học Mác - Lênin và lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Cuộc thi kết thúc với giải Nhất thuộc về Khoa Triết học (ĐHKHXH&NV), giải Nhì thuộc về đội tuyển của Trường ĐHSPHN, đội tuyển của Học viện Báo chí & Tuyên truyền giành giải Ba. Ban tổ chức còn trao hai giải phụ cho: người hùng biện xuất sắc nhất (của Học viện Báo chí & Tuyên truyền) và màn chào hỏi ấn tượng nhất (của đội tuyển Trường ĐHKHXH&NV).
|