>>> Trường ĐHKHXH&NV đồng sáng lập Hiệp hội các trường đại học lưu vực sông Hồng
Tại đây đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là thành lập Hiệp hội các trường đại học lưu vực sông Hồng (Association of Universities in Red River Basin, viết tắt là AURB).
Website ĐHQGHN đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Khánh - đồng Chủ tịch AURB nhiệm kỳ đầu tiên - về những thông tin xung quanh sự kiện này.
- Xin Giáo sư cho biết những cơ sở nền tảng cho sự cần thiết phải ra đời AURB ?
Lưu vực sông Hồng là khu vực gắn kết đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tạo nên một vùng địa lý rộng lớn với nền văn minh đặc thù trải rộng trên lãnh thổ hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Khởi nguồn từ dãy núi Ai Lao thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sông Hồng chảy theo hướng tây bắc - đông nam đổ ra vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, với chiều dài 605 km trên lãnh thổ Trung Quốc và 556 km trên lãnh thổ Việt Nam. Cư dân lưu vực sông Hồng bao gồm 46 triệu người sinh sống tại tỉnh Vân Nam và 20 triệu người cư trú tại vùng Bắc Bộ Việt Nam. Nhìn từ góc độ địa lý, tự nhiên và kinh tế, lưu vực sông Hồng là một khu vực đa dạng về văn hoá, phong phú về điều kiện tự nhiên, năng động trong phát triển kinh tế. Do đó, rất cần sự hợp tác ở cấp quốc gia và cấp vùng giữa các nhà quản lý địa phương, các nhà khoa học để có chính sách cần thiết thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực giàu tiềm năng này, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Trên thực tế, giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Bắc Bộ (Việt Nam) đã sớm có những thành tựu về giao lưu phát triển. Một trong những kết quả nổi bật của hợp tác kinh tế thương mại hai bên là trong mấy năm gần đây, tỉnh Vân Nam và Việt Nam đã quyết định xây dựng “Khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia” cùng với việc tổ chức “Diễn đàn kinh tế” Vân Nam - Việt Nam. Giữa Vân Nam và Việt Nam đã xây dựng được cơ chế hợp tác hiệu quả giữa chính quyền địa phương Vân Nam với một số tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng để xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Nhờ thiết lập được cơ chế hợp tác về văn hoá, xã hội mà hai bên đã đảm bảo việc đi sâu vào hợp tác văn hoá xã hội trong lưu vực sông Hồng, tạo điều kiện tốt cho hợp tác kinh tế song phương. Giao lưu trong hợp tác đào tạo cũng khá phát triển. Việt Nam hiện có 1800 học sinh du học tại Vân Nam, đứng đầu trong tổng số lưu học sinh tại Vân Nam.
Trong bối cảnh đó, rất cần có sự hợp tác giữa các trường ĐH của hai nước - với tư cách là những cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên nghiệp - để nghiên cứu và ứng dụng tri thức khoa học phục vụ thực tiễn phát triển của khu vực. Hơn lúc nào hết, các trường ĐH cần thể hiện vai trò hạt nhân và tiên phong của mình trong các mục tiêu phát triển. AURB được thành lập như một sự khẳng định những mối quan tâm chung trên của các ĐH, cũng là sự cam kết hướng các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của mình vào các mục tiêu cụ thể liên quan đến sự phát triển của dân cư và vùng lãnh thổ thuộc lưu vực sông Hồng.
- Đâu là những mục tiêu quan trọng nhất mà AURB hướng tới thưa Giáo sư?
Tại Diễn đàn Hiệu trưởng các trường ĐH lưu vực sông Hồng, Hiệu trưởng các ĐH thành viên đã thống nhất thông qua các mục tiêu chính của AURB, đó là:
Một là sử dụng những đặc thù, thế mạnh của các trường thành viên một cách hiệu quả, thúc đẩy hợp tác bền vững giữa các thành viên trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, giao lưu, trao đổi giảng viên, sinh viên.
Hai là sử dụng và phát huy một cách đầy đủ các tài nguyên nghiên cứu giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo của các ĐH thành viên, tăng sức ảnh hưởng AURB đối với khu vực và cộng đồng.
Ba là triển khai các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ đào tạo, danh tiếng và ảnh hưởng của AURB.
Bốn là đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu hợp tác khu vực, thúc đẩy giao lưu đào tạo; đóng góp vào sự phát triển hành lang kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, góp phần xây dựng khu mậu dịch tự do Trung Quốc - Đông Nam Á.
Năm là tìm hiểu kinh nghiệm cải cách, phát triển, mô hình hợp tác quốc tế, hướng tới xây dựng các mô hình ĐH tiên tiến của hai nước.
- Xin GS. cho biết những hướng hợp tác chủ yếu mà AURB sẽ triển khai trong thời gian tới ?
Thứ nhất, AURB sẽ hướng tới tăng cường các hợp tác trong nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sự phát triển bền vững vùng lãnh thổ. Trước hết, là nghiên cứu những giải pháp duy trì và bảo vệ môi trường tự nhiên phần thượng nguồn của lưu vực sông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân vùng lưu vực này. Tiếp đó là nghiên cứu giải pháp sử dụng hợp lý nguồn nước trong lưu vực sông Hồng, làm sao để việc khai thác tài nguyên nước ở phần thượng nguồn không phương hại đến lợi ích về nguồn nước mà phần lưu vực hạ nguồn cần phải có.
Thứ hai, AURB sẽ hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển bền vững vùng lãnh thổ. Sẽ phải triển khai các hợp tác nghiên cứu để xác định đúng nhu cầu nhân lực cho phát triển bền vững vùng lãnh thổ, trên cơ sở nghiên cứu thế mạnh phát triển kinh tế xã hội, các đặc điểm tự nhiên và văn hoá xã hội ở mỗi tiểu vùng và toàn lưu vực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tôi tin là với thế mạnh là những cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên nghiệp, nhiệm vụ này sẽ được thực hiện tốt. Khi nhận diện đúng nhu cầu nhân lực, các trường đại học thành viên sẽ tìm ra thế mạnh về khoa học và đào tạo ở mỗi trường làm cơ sở cho việc hợp tác đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, các trường sẽ hợp tác ở những vấn đề cụ thể như hợp tác phát triển kinh tế du lịch trong toàn lưu vực. Trong lãnh thổ lưu vực sông Hồng của hai quốc gia, địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn cung cấp một tài nguyên vô giá cho phát triển kinh tế du lịch. Chúng ta có thể hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, trao đổi kinh nghiệm khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng cơ chế pháp lý giữa hai quốc gia… nhằm biến lưu vực sông Hồng thành vùng du lịch hấp dẫn, đem lại lợi ích kinh tế cao cho hai nước. Bên cạnh đó, các trường ĐH cần quan tâm nghiên cứu các vấn đề về quan hệ tộc người, văn hoá các khu vực biên giới hai nước, giải pháp khai thác và tận dụng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy trao đổi kinh tế giữa hai nước và với khu vực…
- Là thành viên sáng lập AURB, lại là giữ vai trò đồng Chủ tịch AURB nhiệm kỳ đầu tiên, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN dự định sẽ đóng góp thế mạnh gì của mình vào sự phát triển của Hiệp hội cũng như vì mục tiêu hợp tác, phát triển của cộng đồng và khu vực ?
Là thành viên của ĐHQGHN, một cơ sở nghiên cứu-đào tạo có uy tín hàng đầu về KHXH&NV của Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV có đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành về nhiều lĩnh vực liên quan đến văn hoá, xã hội, con người và phát triển. Với 70 năm phát triển, Trường đã có nhiều thành tựu và kinh nghiệm trong các nghiên cứu liên ngành hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở các địa phương, khu vực. Với mục tiêu quốc tế hoá chất lượng đào tạo, hội nhập với cộng đồng khoa học khu vực và thế giới, Trường đặt quan hệ chính thức với hơn 180 đối tác, triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế hiệu quả. Trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, Trường là đại diện tiêu biểu của ĐH Việt Nam và ngày càng có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng khoa học - giáo dục quốc tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, Trường ĐHKHXH&NV có mối quan tâm đặc biệt đến các vấn đề nhân sinh, nâng cao chất lượng sống, các vấn đề về phát triển bền vững, liên vùng, liên ngành…; tiên phong trong nhiều ngành khoa học hiện đại ở Việt Nam như Du lịch, Nhân học, Công tác xã hội, Tâm lý, Khu vực học… Đó là những ưu thế giúp Trường có thể hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch AURB: đưa ra ý tưởng, đường lối, gắn kết các thành viên, tổ chức các dự án nghiên cứu chung, thẩm định hiệu quả các dự án, mở rộng giao lưu quốc tế, tạo kết nối ĐH - doanh nghiệp - địa phương – Cơ quan quản lí Nhàn ước…
Khi đề xuất thành lập Hiệp hội, Trường ĐHKHXH&NV mong rằng sự ra đời của AURB sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho mối quan hệ bền chặt, lâu dài và hiệu quả giữa các ĐH Việt Nam và các đại học Trung Quốc. Các trường ĐH - nơi sản sinh ra tri thức khoa học, tiên phong đưa khoa học ứng dụng vào cuộc sống - sẽ thúc đẩy và tăng cường vai trò và sứ mạng của mình đối với sự phát triển của cộng đồng. Cuối cùng, hoạt động của AURB sẽ góp phần xây dựng lưu vực sông Hồng trở thành một khu vực hợp tác phát triển kiểu mẫu, bền vững ở khu vực, qua đó mối xây dựng quan hệ Việt-Trung ngày càng tăng cường và ổn định
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.
|