Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Khai mạc cuộc thi #RiSk[Solutions] chủ đề “Tìm kiếm giải pháp an toàn thông tin mạng”
Sáng 22/9/2016, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN phối hợp với Quỹ Pháp ngữ về đổi mới sáng tạo số (Le Fonds francophone pour l’innovation numérique - FFIN) và Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (l’Association Vietnamienne des Scientifiques et Experts - AVSE) tổ chức lễ khai mạc cuộc thi #RiSk[Solutions] với chủ đề “Tìm kiếm giải pháp an toàn thông tin mạng”.

Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi diễn ra từ ngày 22 đến ngày 25/9/2016. Thời gian thi đấu chính thức gồm 2 ngày 1 đêm.

Chánh văn phòng ĐHQGHN Nguyễn Viết Lộc phát biểu tại lễ khai mạc

Tham dự buổi lễ có Phó Giám đốc Cộng đồng Pháp ngữ số và kinh tế - Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Eric Adja, Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp Nguyễn Hoài Tưởng, Chánh Văn phòng ĐHQGHN Nguyễn Viết Lộc cùng lãnh đạo và cán bộ Viện Quốc tế Pháp ngữ và 54 thí sinh tham dự cuộc thi.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chánh Văn phòng ĐHQGHN Nguyễn Viết Lộc cho biết, với trách nhiệm thành viên của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF),  ĐHQGHN hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành với các sáng kiến và hoạt động của OIF nói chung và Quỹ Pháp ngữ về đổi mới sáng tạo số nói riêng.

Trong những năm gần đây, an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng đã trở nên một vấn đề hết sức nóng trên toàn thế giới. Bảo đảm truy cập internet an toàn cho mọi công dân, doanh nghiệp và tổ chức đã trở nên một thách thức toàn cầu, cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chánh Văn phòng ĐHQGHN khẳng định chủ đề cuộc thi đã đi đúng vào vấn đề thời sự nhất hiện nay của không gian mạng.

Chánh Văn phòng Nguyễn Viết Lộc cho biết, lãnh đạo ĐHQGHN đánh giá cao những nỗ lực và sáng kiến của Viện Quốc tế Pháp ngữ trong thời gian gần đây, cả trong đào tạo, nghiên cứu và tiếp cận thị trường, đặc biệt, đánh giá cao sự đổi mới cách điều hành, hoàn thiện tổ chức, mở rộng mạng lưới đối tác và đẩy mạnh các dự án nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ nhu cầu  xã hội. Vì vậy, ĐHQGHN rất hoan nghênh và ủng hộ việc Viện Quốc tế Pháp ngữ đăng cai và đồng tổ chức cuộc thi nhiều ý nghĩa này.

Phó Giám đốc Cộng đồng Pháp ngữ số và kinh tế - Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Eric Adja cho biết, cuộc thi nằm trong chương trình hành động chung trong năm 2016 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) có chủ đề "Cùng nhau chung sống" nhằm thể hiện ý chí thống nhất của các nước nói tiếng Pháp chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự cực đoan hóa dưới mọi hình thức.

Theo bà Michaëlle Jean, Tổng Thư ký OIF, do ý thức được Internet là một công cụ quan trọng trước những nguy cơ trên nên vào tháng 2 vừa qua, OIF đã tổ chức hội thảo quốc tế ở Bờ Biển Ngà để thảo luận về nhiều vấn đề và giải pháp trong cuộc chiến chống tội phạm trực tuyến. Tại hội nghị, OIF đã đưa ra tuyên bố chính thức và một kế hoạch hành động trong lĩnh vực an ninh mạng và bảo vệ không gian mạng.

Trên cơ sở đó, FFIN tổ chức cuộc thi #RiSk[Solutions] tại một số nước nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ là chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng đề ra những giải pháp trong việc phòng chống tội phạm trực tuyến. Ông Eric Adja nhận định việc FFIN chọn Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia thí điểm tổ chức cuộc thi cho thấy Việt Nam được nhìn nhận trong cộng đồng Pháp ngữ như một điểm đến năng động về công nghệ số.

Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Quốc tế Pháp ngữ Ngô Tự Lập cho rằng Cuộc thi #RiSk[Solutions] tạo cơ hội cho các bạn trẻ khai thác và thể hiện tài năng, tri thức và khả năng sáng tạo trong khi nỗ lực phát hiện các nguy cơ về công nghệ thông tin và đưa ra giải pháp cho các cơ quan công quyền nhằm đấu tranh chống lại các tội phạm trên không gian mạng. Nhưng quan trọng hơn, khi tham gia vào cuộc thi này, các thí sinh đồng thời cũng tham gia vào quá trình hình thành một thế hệ mới của các chuyên gia Pháp ngữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, những người, trong tương lai gần, sẽ đóng góp vào cuộc đấu tranh chống lại tội phạm trên không gian mạng, và vào sự phát triển bền vững của Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ. Phó Viện trưởng Ngô Tự Lập ngữ khẳng định, trong chiến lược phát triển của mình, Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN quyết tâm đóng một vai trò chủ động và xây dựng vào quá trình đó và việc đồng tổ chức cuộc thi này chính là minh chứng.

Cuộc thi có tên chuyên môn #RiSk[Solutions], được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ là chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng của cộng đồng nói tiếng Pháp có cơ hội đề ra những giải pháp chiến lược trong việc phòng chống tội phạm trực tuyến cho công việc quản lý hành chính công ở nước sở tại.

Cuộc thi dành cho những thí sinh trong lĩnh vực số gồm kỹ sư, nhà thiết kế, nhà quản lý hệ thống…, kết hợp với nhau thành một nhóm từ 2 đến 5 người. Các thí sinh nữ được khuyến khích tham dự và được hỗ trợ đặc biệt.

Tại cuộc thi, các thí sinh sẽ được cung cấp một máy tính với các hệ thống quản lý nội dung (scripts) mã nguồn mở và miễn phí. Với bộ công cụ này, các thí sinh sẽ xây dựng hoàn chỉnh những giải pháp xử lý vấn đề an ninh mạng.

Trong buổi thi cuối cùng, các nhóm thí sinh sẽ phải trình bày các dự án trước Ban giám khảo. Đội giành giải Nhất sẽ nhận được số tiền thưởng trị giá 10.000 euro, giải Nhì và giải Ba có giá trị lần lượt là 6.000 và 4.000 euro. Cả ba đội đạt giải sẽ nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của các chuyên gia đối với dự án trong một năm nhằm cải thiện và nâng cao giá trị của các giải pháp trong cộng đồng Pháp ngữ.

 Hình thành trên cơ sở tích hợp Viện Tin học Pháp ngữ (thành lập năm 1993) và Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội (thành lập năm 2006), Viện Quốc tế Pháp ngữ – ĐHQGHN (IFI) đang chuyển mình để trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu liên ngành chất lượng cao. Tầm nhìn của IFI là trở thành một đầu mối của Cộng đồng Pháp ngữ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Công nghệ thông tin là một trong những thế mạnh của IFI. Các chương trình đào tạo thạc sĩ CNTT của IFI là những chương trình đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) trao danh hiệu “Chương trình đào tạo quốc tế”. Trong số 400 thạc sĩ tốt nghiệp các chương trình này, khoảng 50% được tiếp nhận vào học các chương trình đào tạo tiến sĩ tại các quốc gia phát triển như Pháp, Bỉ, Canada, Thụy Sỹ. Hiện nay, Viện cũng đang nỗ lực tăng cường dự án Số hóa các di sản văn hóa nhằm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xã hội.

 

 Sinh Vũ - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan