Các phần thưởng này được trao tặng cho 3 lãnh đạo của ĐHQGHN nhằm ghi nhận những thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp và những cống hiến cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp trong giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển văn hóa.
Tham dự buổi lễ về phía Pháp có Ngài Jean Francois Blarel Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam, Ngài Jérôme Pasquier - Phó tổng giám đốc Hợp tác quốc tế và Phát triển Bộ Ngoại giao Pháp, Ngài Alain Freynel - Tham tán văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Về phía ĐHQGHN có GS.VS Đào Trọng Thi - Giám đốc ĐHQGHN; các Phó giám đốc ĐHQGHN: GS.TSKH Vũ Minh Giang, GSTS Mai Trọng Nhuận, PGS.TS Phạm Trọng Quát, TS. Phạm Quang Hưng; cùng đại diện lãnh đạo các ban chức năng, các đơn vị trực thuộc và đại diện sinh viên ĐHQGHN.
|
Ngài Jean Francois Blarel Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam trao bằng chứng nhận Huân chương Quốc công có chữ ký ký của Tổng thống Pháp cho GS.VS Đào Trọng Thi |
|
Ngài Jean Francois Blarel Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam trao Huân chương Quốc công cho GS.VS Đào Trọng Thi |
Phát biểu tại buổi lễ, ngài Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam Jean Francois Blarel đã ghi nhận những đóng góp của GS.VS Đào Trọng Thi và trao tặng Huân chương Quốc công, phần thưởng cao quý nhất của nước Cộng hoà Pháp, cho GS.VS Đào Trọng Thi. Với GS.VS Đào Trọng Thi, Ngài Đại sứ nhấn mạnh: “Ông là người bạn lớn của Pháp và của khối Pháp ngữ. Trường Đại học của ông thuộc mạng lưới Cơ quan Đại học của khối Pháp ngữ (AUF) và là thành viên của CONFRASIE. Nếu không có sự ủng hộ tận tình của ông, dự án các Trung tâm Đại học Pháp có lẽ đã không thể ra đời. Bởi vì chính với sự giúp đỡ của ông và với sự tin tưởng vững chắc ngay từ khi bắt đầu dự án mà chúng ta, cả hai phía Việt Nam và Pháp, đã có thể cùng nhau xây dựng các chương trình đào tạo này và đặt nền móng cho một dự án lớn, thiết lập cơ sở của một đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế mà Chính phủ Việt Nam mong muốn đặt tại nơi đây. Và chúng tôi tin tưởng rằng trường đại học, dưới sự dẫn dắt của ông, có những phương tiện và nguồn lực để thành công trước thách thức vươn lên thành một trường đại học hiện đại trong thế kỷ XXI này. Chính vì quá trình hoạt động uy tín và thành công của ông, vì những việc mà ông thực hiện cho công tác giáo dục đại học tại Việt Nam và sự hợp tác của ông trong việc thiết lập các Trung tâm Đại học Pháp mà Chính phủ Pháp đã quyết định tôn vinh ông và thông qua ông tôn vinh Đại học Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội”.
Huân chương Quốc công cùng với Huân chương Bắc đẩu bội tinh là hai phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Pháp do Tướng De Gaulle thiết lập năm 1963. Hàng năm, Tổng thống Pháp thay mặt Nhà nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương cho những cá nhân có thành tích và cống hiến xuất sắc nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
|
Ngài Jérôme Pasquier - Phó Tổng giám đốc Hợp tác quốc tế và Phát triển Bộ Ngoại giao Pháp trao Huy chương Cành cọ Hàn lâm và bằng chứng nhận có chữ ký của Thủ tướng CH Pháp cho GS.TS Mai Trọng Nhuận. |
|
Ngài Jérôme Pasquier - Phó Tổng giám đốc Hợp tác quốc tế và Phát triển Bộ Ngoại giao Pháp trao Huy chương Cành cọ Hàn lâm và bằng chứng nhận có chữ ký của Thủ tướng CH Pháp cho GS. TSKH Vũ Minh Giang |
Tiếp đó, Ngài Jérôme Pasquier - Phó Tổng giám đốc Hợp tác quốc tế và Phát triển Bộ Ngoại giao Pháp đã phát biểu và trao tặng Cành cọ Hàn lâm, phần thưởng lâu đời nhất và có uy tín nhất của nước Cộng hoà Pháp, cho GS.TSKH Vũ Minh Giang và GS.TS Mai Trọng Nhuận - Phó giám đốc ĐHQGHN.
GS.VS Đào Trọng Thi, GS.TSKH Vũ Minh Giang và GS.TS Mai Trọng Nhuận cũng đã có bài phát biểu tại buổi lễ.
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang | |
|
GS.TS Mai Trọng Nhuận | |
|
Ảnh từ trái sang: GS.TS Mai Trọng Nhuận, Ngài Jean Francois Blarel, GS.VS Đào Trọng Thi, Ngài Jérôme Pasquier, GS.TSKH Vũ Minh Giang và Ngài Alain Freynel. |
|
Trong hội trường của buổi lễ: Hàng đầu, từ phải sang: Ngài Jean Francois Blarel, Ngài Jérôme Pasquier, Ngài Alain Freynel. Hàng sau: TS. Vũ Đình Giáp - Chánh Văn phòng ĐHQGHN, PGS.TS Hoàng Văn Vân - Phó chủ nhiệm khoa Sau đại học ĐHQGHN |
|
Ban giám đốc ĐHQGHN trong hội trường (từ phải sang): GS.VS Đào Trọng Thi, TS. Phạm Quang Hưng, PGS.TS Phạm Trọng Quát, GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TSKH Vũ Minh Giang |
|
Ban giám đốc ĐHQGHN tiếp thân mật Ngài Đại sứ và các quan chức ngoại giao Sứ quán CH Pháp |
|
Các giáo sư của ĐHQGHN với các nhà ngoại giao Pháp trước cửa của toàn nhà lịch sử 19 Lê Thánh Tông |
Sau đây là một số thành tựu, đóng góp của 3 lãnh đạo ĐHQGHN trên:
GS.VS ĐÀO TRỌNG THI đã xuất sắc nhận bằng Tiến sĩ Toán học tại Đại học Quốc gia Lômônôxốp năm 1977 và tiến sĩ khoa học Toán tại đây năm 1984. Vừa giảng dạy, nghiên cứu, ông vừa đảm nhận nhiều chức trách quản lý và trở thành Giám đốc ĐHQGHN từ năm 2001.
GS.VS Đào Trọng Thi còn tham gia nhiều hoạt động chính trị, xã hội, được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng ba nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1996, đã từng là uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội toán học Việt Nam và hiện là Trưởng Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của cơ quan Đảng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga… Ông đã xuất bản 4 sách chuyên khảo, sách giáo khoa và công bố khoảng 50 công trình khoa học trong các lĩnh vực Toán học, giáo dục và quản lý. Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba đã bầu ông là Viện sĩ hàn lâm từ năm 2006.
GS.VS Đào Trọng Thi đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với các trường đại học Pháp mà kết quả là sự ra đời của Trung tâm Đại học Pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, ĐHQGHN do ông làm Giám đốc còn là thành viên tích cực trong mạng lưới các trường đại học của Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) và Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học sử dụng tiếng Pháp khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CONFRASIE).
GS.TSKH VŨ MINH GIANG đã nhận bằng tiến sĩ khoa học Lịch sử tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ) năm 1986. Trở lại Việt Nam, ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và năm 2002 được bổ nhiệm làm Phó giám đốc ĐHQGHN phụ trách hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học, đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí Khoa học của ĐHQGHN.
GS.TSKH Vũ minh Giang đã xuất bản trên 100 công trình khoa học có giá trị và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế lớn. Bên cạnh đó, ông đã có nhiều báo cáo quan trọng tại các hội nghị ở nhiều quốc gia. Với những thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường trao tặng Huy chương vì sự nghiệp Khoa học công nghệ năm 1999.
Hiên nay, GS.TSKH Vũ Minh Giang là một trong những nhà sử học hàng đầu của Việt Nam và không ngừng thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác Pháp - Việt, đặc biệt là những nghiên cứu cùng với Viện Viễn Đông Bác cổ.
GS.TS MAI TRỌNG NHUẬN đã nhận bằng cử nhân địa chất tại Đại học Quốc gia Azerbaidjan. Trở về Việt Nam năm 1984, ông nhận bằng Tiến sĩ Địa - Hóa và trở thành Giáo sư năm 1996. Năm 2001, GS.TS Mai Trọng Nhuận được bổ nhiệm làm Phó giám đốc ĐHQGHN phụ trách công tác đào tạo. Vừa đảm nhận vai trò quản lý, ông vẫn giảng dạy, nghiên cứu và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Địa - Môi trường. Từ tháng 10/2006, ông đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN.
Với trách nhiệm Phó trưởng dự án Đào tạo cử nhân khoa học tài năng, GS.TS Mai Trọng Nhuận đã có những đóng góp hết sức to lớn vào việc hình thành và phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam. Từ những chương trình này, một số lượng lớn sinh viên đã sang học tập và đạt thành tích cao tại các trường đại học danh tiếng như: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Ohio, Đại học Illinois… Bên cạnh đó, ông còn hoạt động rất tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học, đưa tin học ứng dụng vào giảng dạy và quản lý. Hiện nay, ông là Trưởng Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của ĐHQGHN và Trưởng ban điều hành đề án Tin học hóa quản lý hành chính của Chính phủ tại ĐHQGHN.
Với cương vị Phó giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Mai Trọng Nhuận được giao trách nhiệm phụ trách dự án thành lập Trung tâm Đại học Pháp tại ĐHQGHN, một dự án thí điểm quan trọng giữa các trường đại học Pháp và Việt Nam có sự ủng hộ của cả hai chính phủ: Việt Nam và Pháp. Dự án đã được triển khai và đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và quốc tế hóa các chương trình đào tạo tại ĐHQGHN.
|