Tiếp đoàn có GS. TS. Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo một số ban chức năng liên quan, TS. Trần Ngọc Anh – Phó chủ nhiệm Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐHKHTN.
Trong buổi làm việc, GS. Hiroaki Furumai cho rằng việc cung cấp một nguồn nước sạch an toàn và bền vững là đòi hỏi cấp thiết trong những khu vực có mật độ dân cư cao của châu Á như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Tokyo. Tuy nhiên, các nguồn nước hiện nay tại các thành phố lớn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu đang thu hẹp các nguồn nước sạch và hậu quả là rất khó để giữ nguồn nước được ổn định. Để có được một nguồn cung cấp nước sạch ổn định và an toàn trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần thảo luận về giá trị của các nguồn nước sạch như nước mưa, nước ngầm hay nước đã qua xử lý cũng như nguồn nước bề mặt.
|
|
Chính vì thế, RECWET muốn mời ĐHQGHN tham gia dự án “Phát triển hệ thống cân bằng nước sinh hoạt ở đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu”. Mục đích của dự án nhằm kiểm tra lại hệ thống nước sinh hoạt ở đô thị hiện nay và đưa ra một hệ thống mới thích ứng với sự biến đổi khí hậu trong tương lai. Trong hệ thống mới này, mỗi nguồn nước sẽ được cấp một cách thích hợp cho mỗi nơi bằng việc tạo ra sự cân bằng giữa cung và cầu. Hai lưu vực sông: Ara (Nhật Bản) và sông Hồng (Việt Nam) được các chuyên gia Nhật Bản lựa chọn để nghiên cứu. Dự án được chia ra làm 5 nhóm nghiên cứu khác nhau và sự phát triển hệ thống cân bằng nước sinh hoạt ở đô thị là sự tổng hợp các kết quả của các nhóm nghiên cứu: 1) Nghiên cứu nước ở các lưu vực sông; 2) Nghiên cứu việc quản lý và sử dụng nước mưa; 3) Nghiên cứu việc quản lý và sử dụng nước ngầm; 4) Đánh giá chất lượng các nguồn nước; 5) Thiết kế hệ thống nước sinh hoạt đô thị.
GS. TS. Mai Trọng Nhuận hoan nghênh ý tưởng của dự án và bày tỏ sự vui mừng khi được hợp tác với một trong những trung tâm nghiên cứu nổi tiếng như RECWET của ĐH Tokyo. GS. TS. Mai Trọng Nhuận cũng cho biết đề tài này rất hữu ích và vô cùng cần thiết đối với Việt Nam vì hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
|